C2, Rồng Đỏ làm từ nguyên liệu Trung Quốc: Dư luận nói gì?
04/08/2016 19:07:38
ANTT.VN – Thông tin URC Việt Nam chính thức công nhận nhập nguyên liệu Trung Quốc khiến dư luận hết sức quan tâm. Sau vụ lùm xùm liên quan đến 5 lô C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố bị dừng lưu thông, trong đó có 2 lô bị thu hồi để tiêu hủy thì thông tin này từ nhà sản xuất quả là một thông tin bất lợi đối với họ.

Tin liên quan

URC Việt Nam thừa nhận nhập nguyên liệu từ Trung Quốc (ảnh chụp công văn)

Chị Ngô Thị Thanh Tú (Nội trợ, Hà Nội) chia sẻ:

“Trước đây gia đình tôi, nhất là các con tôi rất hay uống nước trà xanh C2 của Cty URC, nhưng từ sau vụ hàm lượng chì cao buộc phải thu hồi, tôi đã loại sản phẩm này ra khỏi thực đơn của gia đình. Tôi nghĩ không phải nguyên liệu gì nhập từ Trung Quốc cũng độc hại, nhưng thực tế rất nhiều thực phẩm Trung Quốc bị tai tiếng vì không đảm bảo an toàn, một số nơi trên thế giới đã tẩy chay hàng hóa của quốc gia này. Bởi vậy tôi nghĩ nhà sản xuất cần thận trọng và có trách nhiệm với nguồn nguyên liệu nhập vào để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”

Chị Phan Thị Thanh Hoa (Họa sĩ, Bắc Ninh):

“Tôi nghĩ nhà sản xuất có dấu hiệu mập mờ về nguồn nguyên liệu sản xuất. Trên website chính thức của URC Việt Nam đã xác nhận “Nguyên liệu của chúng tôi được chọn lọc từ nhiều thị trường khác nhau bao gồm Trung Quốc”, song không cho biết ngoài Trung Quốc còn nhập từ những thị trường nào, khiến cho người tiêu dùng nghĩ rằng họ có lẽ chỉ nhập từ Trung Quốc.

Tôi cũng nghĩ không phải cái gì của Trung Quốc cũng độc hại, nhưng nếu mọi việc là minh bạch thì nhà sản xuất nên công bố những thông tin về nguồn nguyên liệu nhập khẩu này cho người tiêu dùng được biết”.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM), Giám đốc Trung tâm pháp luật – Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thành viên Đoàn luật sư Hà Nội):

Tại Khoản 2 Điều 8. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định: Người tiêu dùng “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

Tại Khoản 2 Điều 5. Luật An toàn Thực phẩm 2010 cũng quy định một trong những hành vi bị cấm là : “Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm”.

Như vậy, người tiêu dùng được quyền yêu cầu nhà sản xuất minh bạch thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mà nhà sản xuất bán cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì trấn an rằng:

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội): “Hiện tại mình nhập hàng của Trung Quốc là chính còn xuất hàng sang họ chỉ là phụ. Mình không nên bị ấn tượng cứ hàng Trung Quốc là xấu. Tôi nghĩ nước nào cũng có cái tốt cái xấu, quan trọng là mình phải đưa mẫu nguyên liệu đó đến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để kiểm nghiệm, nếu nguyên liệu không đảm bảo thì cấm doanh nghiệp đó sản xuất, như vậy là đủ an toàn và chặt chẽ”.

Đại diện cơ quan quản lý, TS. Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế) khẳng định:

“Nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất thì đều phải đảm bảo an toàn. Là đơn vị quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, chúng tôi không quan tâm đến nguồn hàng hay giá cả của nguyên vật liệu. Bất cứ nguồn nào thì cũng phải đảm bảo an toàn, các chỉ số an toàn là phải an toàn còn giá cả là do thị trường quy định”.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, hiện nay Cục An toàn Thực phậm Bộ Y tế vẫn kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào của Cty URC rồi mới cấp phép để cty này vận hành sản xuất.

Minh Minh (thực hiện)

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến