Dòng sự kiện:
Cần có sự thận trọng với lượng vốn bơm ra khi CPI bật tăng trở lại
31/10/2017 10:59:25
Thời điểm cuối năm các ngân hàng tiếp tục đẩy tín dụng với số lượng lớn thì NHNN sẽ phải có công cụ, đặc biệt là thị trường mở nhằm điều hòa dòng tiền cho nền kinh tế, giảm tác động của lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,25% so với tháng 12 năm trước.

So với tháng trước, cả 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng giá. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 10 năm 2017 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,32% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,44%.

 
Bình quân 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,32% đến 1,88%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản là 1,44% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về những vấn đề liên quan trước tình hình lạm phát đang có xu hướng tăng vào thời điểm những tháng cuối năm?

 
Những tín hiệu sớm về khả năng bật tăng nhanh trở lại của CPI cho thấy ngành ngân hàng cần có động thái gì, có hay không sự thận trọng nhất định đối với lượng vốn mới bơm ra, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trở lại?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Tỉ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 3.71% nghĩa là vẫn dưới mức 4% của năm 2017. Có khả năng lạm phát cuối năm sẽ chỉ khoảng mức đó hoặc có thể cao hơn mức 4% một chút. Nhưng mà tình hình kiểm soát lạm phát vẫn tốt, vẫn ổn mặc dù trong tháng vừa qua có dấu hiệu tăng vì tình hình lương thực, vấn đề bão tố, khí hậu, thiên tai làm thiệt hại cho nông dân thì giá rau củ quả tăng lên. Cùng với đó nhiều mặt hàng như xăng dầu, dịch vụ y tế cũng tăng lên nhưng chưa phải mức báo động. Tình hình lạm phát tương đối ổn định nhưng có dấu hiệu tăng bật trở lại, vào thời điểm cuối năm thì giá cả các mặt hàng sẽ có biến động. Nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng sẽ đẩy mức lạm phát tăng theo.

Cái vấn đề là làm sao kiểm soát được mức giá cả ổn định từ nay đến cuối năm, nếu đẩy mạnh tín dụng lên 21% thì khả năng sẽ đẩy lạm phát mạnh hơn tháng 10 vì lượng tiền đẩy vào rất lớn. Từ nay đến cuối năm sẽ đẩy vào khoảng hơn 200000 tỷ sẽ tác động đến giá cả và thị trường BĐS, chứng khoán.

Đối với chính phủ, vấn đề kiểm soát cung tiền rất quan trọng. Nếu các ngân hàng tiếp tục đẩy tín dụng với số lượng lớn như thế này thì NHNN sẽ phải có công cụ, đặc biệt là thị trường mở nhằm điều hòa dòng tiền cho nền kinh tế, giảm tác động của lạm phát.

Sau mức tăng cao đột biến trong quý III vừa qua (7,46%), triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% của Chính phủ có khả thi hay không?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi là có khả thi. Tại vì trong 9 tháng mà chúng ta đã đẩy được 41%, từ nay đến cuối năm thì mỗi tháng đẩy được khoảng 7,4% nữa thì hoàn toàn có thể đạt mục tiêu.

Hiện nay gánh nặng đang dồn cho chính sách tiền tệ, nếu vẫn muốn thúc đẩy tang trưởng GDP, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa những biện pháp gì trong chính sách tài khóa?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại chúng ta đang đẩy gánh nặng rất lớn vào chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu NHNN phải dùng mọi biện pháp để đạt được 2 mục tiêu là tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt mức 6,7% và kiểm soát lạm phát ở mức 4%. Đây là một khó khăn cho NHNN là làm sao có thể đạt được cả 2 mục tiêu đó. Nhưng theo tôi đạt được 1 trong 2 mục tiêu đó là đã tốt rồi.

Chính phủ một mặt muốn NHNN đẩy mạnh tín dụng lên 21%, đồng thời giảm lãi suất với chính sách nới lỏng tiền tệ. Với chính sách như vậy thì lạm phát khó giữ được ở mức 4%, thành ra 2 mục tiêu đặt trên vai NHNN trong một thời gian rất ngắn.

Về chính sách tài khóa cần một kỷ luật thực hiện một cách mạnh mẽ hơn để siết chặt lại 2 khoản tác động đến chính sách là chi phí và đầu tư của Chính phủ. Thì chi phí thường xuyên của chính phủ phải cắt giảm mạnh tay trong những tháng tới, đồng thời về đầu tư cũng tương tự như vậy. Như vậy nhằm giảm áp lực lên chính sách tiền tệ, khi Chính phủ thực hiện được kỷ luật chính sách tài khóa một cách chặt chẽ thì dĩ nhiên sẽ giảm áp lực cho lạm phát.

Xin cảm ơn ông.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến