Dòng sự kiện:
Cần đối sách ứng phó xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu
03/08/2019 16:01:58
Nói về động thái giảm lãi suất của Fed, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trước mắt, VN ít bị ảnh hưởng. Song nếu như các nước đồng loạt đua nhau nới lỏng tiền tệ, thì VN cần phải sớm đưa ra kịch bản để đối phó.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra quyết định giảm 0,25% lãi suất USD sau gần 11 năm. Theo ông, quyết sách này của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam? 

Fed giảm lãi suất, đồng nghĩa với tăng cung tiền, kéo theo USD mất giá. Khi đó, tỷ giá VND/USD không thay đổi nhiều, thặng dư xuất khẩu sang Mỹ không bị ảnh hưởng. Về tổng thể, trong ngắn hạn, Fed giảm lãi suất 0,25% sẽ không tác động nhiều đến thị trường Việt Nam. 

Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu VND neo với USD mà USD mất giá, thì VND cũng mất giá theo các đồng tiền khác ngoài USD, dẫn tới thặng dư thương mại của Việt Nam sang các nước khác sẽ giảm. Nếu Fed tiếp tục giảm thêm lãi suất USD, cán cân thương mại Việt Nam có nguy cơ thâm hụt. Như vậy, Fed giảm lãi suất cũng sẽ gây áp lực nhất định đối với VND, không phải trong tương quan với USD (tỷ giá VND/USD), mà trong tương quan với các đồng tiền khác.

Rủi ro nữa từ việc Fed giảm lãi suất USD là có thể khiến các đối tác thương mại của Mỹ “bắt chước”, dẫn tới hàng loạt quốc gia cũng nới lỏng tiền tệ trên phạm vi toàn cầu (như đã xảy ra trước đây). Nếu kịch bản này xảy ra, cung tiền toàn cầu sẽ tăng mạnh, trong khi kinh tế tăng trưởng thấp, thương mại tăng rất thấp, dẫn tới dư thừa tiền, hậu quả là lạm phát dài hạn có nguy cơ tăng.

Nếu lạm phát diễn ra trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thì không sao, song lạm phát diễn ra trong bối cảnh kinh tế đang suy giảm (lạm phát đình đốn), thì rất nguy hiểm. Bởi khi đó, người tiêu dùng tăng tiết kiệm, không dám chi tiêu vì lo ngại thu nhập tương lai giảm. Chính phủ muốn giảm lãi suất để kích cầu cũng không kích cầu nổi.

Chính vì vậy, như đã nói, Fed giảm lãi suất trước mắt không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, nhưng về trung và dài hạn, chúng ta cần nhìn nhận các nguy cơ có thể xảy ra, đặc biệt là lạm phát, để kịp thời đưa ra đối sách ứng phó. 

Thưa ông, Việt Nam có nên tham gia vào xu hướng nới lỏng tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu? Thực tế, từ ngày 1/8, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất. Vậy nếu cung tiền tăng, ổn định thị trường tiền tệ có bị phá vỡ?

Cả thế giới đang rục rịch nới lỏng tiền tệ, thậm chí có dấu hiệu giống như chiến tranh tiền tệ, nếu Việt Nam đứng ngoài xu hướng đó sẽ bị thiệt thòi trong thương mại quốc tế.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất tín phiếu (tức không khuyến khích các ngân hàng thương mại gửi tiền vào “kho” NHNN, mà bơm ra thị trường - PV). Mới đây, một loạt ngân hàng thương mại cũng vừa giảm nhẹ lãi suất cho vay. Điều này chứng tỏ, NHNN đang có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ thêm một chút.

Theo quy luật, một khi cung tiền tăng, lãi suất giảm, tín dụng sẽ tăng, tỷ giá hối đoái cũng biến động. Muốn ổn định vĩ mô, Việt Nam cần ổn định cung tiền, ổn định tín dụng. Để làm được điều này, việc quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải rất linh hoạt trong điều chỉnh tỷ giá hối đoái để giữ ổn định tỷ giá trong trường hợp tỷ giá bị các yếu tố bên ngoài tác động (do sự tăng giảm của các đồng tiền khác, không chỉ USD).

Lý do nếu Việt Nam giảm lãi suất, tăng cung tiền thì có thể sẽ phát ra tín hiệu khiến cho lạm phát kỳ vọng tăng. Do đó, tăng can thiệp vào tỷ giá hối đoái sẽ giúp cung tiền và tín dụng ổn định. Đến một thời điểm nào đó, lãi suất sẽ giảm dần. 

Thế giới đang có xu hướng nới lỏng tiền tệ, như ông nói thì Việt Nam khó tránh khỏi xu hướng này. Nhưng tại sao, bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, vừa qua hàng loạt ngân hàng đồng loạt dâng cao lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài hạn. Điều này có gì mâu thuẫn không, thưa ông?

Lãi suất huy động trung, dài hạn tăng ở một số ngân hàng không liên quan đến lạm phát, thanh khoản, mà chỉ phản ánh thay đổi cấu trúc kỳ hạn của thị trường. Các ngân hàng đang bị NHNN cắt giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, trong khi trước đây nhiều ngân hàng đã trót cho vay với tỷ lệ lớn. Vì vậy, muốn duy trì mức cho vay này, thì phải tăng cường huy động để bù đắp, kéo tỷ lệ đó xuống.

Bên cạnh đó, cũng do bị siết tín dụng, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao trên 14%/năm mà người mua chủ yếu là ngân hàng. Muốn có tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng phải tăng huy động vốn trung, dài hạn. Đây là hai lý do chính khiến lãi suất huy động trung, dài hạn tăng.

Ông có cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm?

Có người từng chất vấn tôi rằng, tại sao lại thả nổi lãi suất cho vay mua nhà, khiến người vay chịu nhiều rủi ro. Song tôi cho rằng, thả nổi lãi suất mới tốt cho người vay.

Lý do là, lãi suất đang ở đỉnh, nếu cứ “găm” cố định lãi suất ở đỉnh sẽ thiệt thòi cho người vay. Theo tôi, thời gian tới, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục hạ xuống.

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến