Dòng sự kiện:
Căng thẳng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ: Putin có dùng tới 'vũ khí' năng lượng?
27/11/2015 18:08:28
ANTT.VN – Sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga hôm 24/11, Moscow đã cảnh báo sẽ đáp trả Ankara bằng chính sách cấm vận kinh tế, không loại trừ sử dụng tới “vũ khí” năng lượng. Tuy nhiên liệu Điện Kremli có sẵn sàng mạo hiểm với chính “nồi cơm” của mình hay không thì hãy còn phải xét!

Tin liên quan

Mối quan hệ Nga - Thổ chưa bao giờ lặng sóng trong suốt chiều dài lịch sử hai quốc gia này. Ảnh: AFP

Phụ thuộc nhau

Mới chỉ năm ngoái, Tổng thống Nga Putin còn bay tới Ankara để bàn về một “mối quan hệ chiến lược” với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tuần trước, người ta còn ghi lại được cảnh hai ông bắt tay nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20.

Vậy mà giờ đây, tất cả những gì Ankara nhận được chỉ là những “tiếng gầm gừ” từ gã không lổ phương bắc: “Người Thổ sẽ phải nhận lấy những hậu quả thích đáng” – Putin.

Ngay sau vụ việc hôm 24/11, Điện Kremli đã dọa sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Ankara, đồng thời xem xét cấm vận kinh tế, không loại trừ ngắt nguồn cung năng lượng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên đây phải chăng chỉ là “đòn gió” của người đàn ông quyền lực nhất thế giới, nhằm xoa dịu làn sóng bài Thổ đang ngày càng dâng cao trong nước khi mà sự đã rồi.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện phụ thuộc tới 3/5 nhu cầu khí đốt vào nguồn nhập khẩu từ Nga. Điều này có nghĩa rằng, mặc dù giấc mơ về “một mối quan hệ chiến lược” có thể đã tan biến sau vụ việc vừa qua, tuy nhiên Moscow sẽ khó lòng gạt đi một trong những khách hàng lớn nhất của mình, trong bối cảnh giá năng lượng thấp đã và đang làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu nhiên liệu của nước này.

Đấy là còn chưa kể đến việc Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít những quốc gia phương Tây từ chối áp dụng các biện pháp cấm vận đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình hồi tháng Ba năm ngoái. Thay vào đó, Ankara lại coi đây là cơ hội tuyệt vời để mở toang thị trường Nga cho các nhà xuất khẩu trong nước.

“Sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ hai mà chiến lược phát triển của Nga hướng tới”, Sijbren de Jong, chuyên gia tại Hague Center, nhận định.”Liệu họ có đủ dũng cảm để vứt bỏ một trong số những cái phao ít ỏi còn sót lại hay không? Tôi thực sự không nghĩ vậy. Năng lượng là thứ vũ khí hai nòng đối với cả Moscow lẫn Ankara tại thời điểm này”.

Trong khi đó, không nhiều người biết rằng chính phủ Erdogan mới là bên đe dọa cắt đứt mối quan hệ năng lượng giữa hai quốc gia này trước, sau khi Nga liên tục oanh kích các mục tiêu ở ngay sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực vốn là nơi đốn trú của lực lượng phiến quân người Turk thân Ankara và phương Tây.

Tương tự như Moscow, đây gần như chỉ là một “hành động” lên gân của chính phủ Erdogan bởi với đặc thù địa - chính trị trong khu vực, Nga là một trong số ít nguồn cung năng lượng đáng tin cậy đối với nền kinh tế đang khát nhiên liệu hơn bao giờ hết của Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất là trong ngắn hạn.

Ngoài ra, Nga cũng đã kí thỏa thuận xây dựng một nhà máy điện hạt nhân và cung cấp khoản tài chính trị giá tới 20 tỉ USD nhằm giúp Thổ Nhĩ Kỳ bắt kịp nhu cầu năng lượng đang lên của nước này.

Turkish Stream - siêu dự án dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu - có thể sẽ bị trì hoãn vô thời hạn sau biến cố hôm 24/11. Ảnh: Reuters

Vì đâu nên nỗi?

Moscow và Ankara có thể có nhiều điểm chung về mặt lợi ích kinh tế, tuy nhiên nếu xét về khía cạnh chính trị thì lại là một câu chuyện khác, khi mà hai nước này đặc biệt phân rẽ sâu sắc về vấn đề khủng hoảng Syria.

Trong khi Erdogan muốn hạ bệ chính phủ của Tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad, thì Putin lại mạnh mẽ ủng hộ chế độ này, coi chính quyền Assad - bên cạnh Iran - là yếu tố sống còn đối với chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Nga ở khu vực Trung Đông.

Và khi Damascus đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi cả IS lẫn phiến quân được hậu thuẫn bởi phương Tây, thì Nga - mượn cớ tiễu trừ IS - đưa quân đội trực tiếp tham chiến ở Syria, mà với mục đích lớn nhất là gì thì chắc không khó để nhận ra.

Những mâu thuẫn lợi ích này đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 24 vừa qua, khi hai chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga tại rìa biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, với cáo buộc vi phạm không phận nước này.

Ngay sau đó, Tổng thống Putin đã gọi hành động của Ankara là “nhát dao đâm sau lưng từ những kẻ đồng lõa với khủng bố”, Bộ trường Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngay lập tức hủy chuyến công du tới Ankara, đồng thời kêu gọi người dân nước này tránh đi tới Thổ Nhĩ Kỳ nếu không cần thiết.

Trong lúc này, phong trào phản đối Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng ở Nga. Một vài công ty lữ hành đã bỏ gói du lịch tới nước này. Nhiều chính khách cũng đề xuất hủy tất cả các chuyến bay giữa hai nước.

“Chúng tôi đã thu thập được chứng cứ cho thấy một lượng lớn dầu thô từ lãnh thổ do IS chiếm đóng đang chảy vào Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này giải thích nguồn ngân quỹ không bao giờ cạn của nhóm khủng bố này” , Putin nói với nhà vua Jordan – Hussein tại Sochi ngay sau vụ việc.

IS được cho là kiếm từ 250.000 đến 1,5 triệu USD mỗi ngày từ bán dầu và các sản phẩm lọc từ dầu, cả ở Syria lẫn dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lý do tại sao các cơ sở lọc dầu luôn là mục tiêu số 1 trong các cuộc không kích của Mỹ, Nga cùng một số nước khác.

“Cáo buộc của Putin không khác nào một cú đấm giáng xuống mặt Ankara”, Emre Tuncalp, cố vấn cao cấp tại Sidar Global Advisors, nói.

Các nhóm dân tộc thiểu số bài Thổ sẽ là quân bài trong tay Moscow. Ảnh: AP

Người Thổ sợ gì?

Ngoài chính sách trừng phạt về kinh tế, Điện Kremli còn có một sự lựa chọn nữa, thậm chí còn gây có chịu hơn nhiều cho người Thổ, là tăng cường hỗ trợ cộng đồng người Kurd - vốn “không đội trời chung” với Ankara ở miền bắc Syria.

Thực ra, trong gần 200 năm qua, Nga luôn duy trì một mối quan hệ hữu hảo với dân tộc này. Thậm chí dưới thời Xô Viết, họ còn giúp đỡ thành lập nên Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu và Mỹ hiện này đều coi PKK như một tổ chức khủng bố.

“Putin từ trước tới nay luôn ủng hộ người Kurd như một lực lượng đồng minh trong cuộc chiến chống lại IS. Do vậy tăng cường hỗ trợ PKK cùng những nhóm thiểu số có cùng quan điểm sẽ là một cách tiếp cận dễ dàng hơn để Nga có thể kiềm tỏa Thổ Nhĩ Kỳ”, Michael Reynolds, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Cận Đông, đại học Princeton, nhận định.

Tuy nhiên, chính quyền Ankara không phải những kẻ ngu ngơ, đặc biệt khi giới quan sát quốc tế luôn đánh giá những người hậu duệ của Đế quốc Ottoman này luôn mang trong mình dã tâm bá chủ Trung Đông từ cha ông họ.

Và trên thực tế, tư tưởng thù hận đối với người Kurd đã được Erdogan sử dụng như một công cụ hiệu quả thu hút sự ủng hộ trong nước, giúp ông ta giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử đầu tháng nay.

Bên cạnh đó, nếu Điện Kremli tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức chống đối Ankara, thì người Thổ cũng hoàn toàn có thể áp dụng chiến thuật tương tự đối với các nhóm phiến quân chống Moscow ở Bắc Kavkaz.

“Những hành động trả đũa giữa hai bên rồi sẽ chẳng đi tới đâu hết. Cả Erdogan và Putin đều biết điều này”, chuyên gia De Jong nhận định.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến