Dòng sự kiện:
Cháy hàng loạt chung cư: Việt Nam có 100 xe thang chữa cháy
13/11/2015 08:51:55
ANTT.VN – Sau vụ cháy ở tòa nhà CT4 Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội) vào tối 11.10, Sở Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết tòa nhà CT4 Khu đô thị Xa La đã có thẩm định nhưng chưa được nghiệm thu về phương án PCCC. Dư luận tỏ ra hoang mang không biết còn bao nhiêu nhà chung cư cao tầng ở Hà Nội đang bỏ qua những quy định về an toàn cháy nổ.

Tin liên quan

ANTT.VN đã có cuộc phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C66 – Bộ Công an) – Đại tá Đoàn Hữu Thắng về vấn đề trên.

Thưa ông, gần đây dư luận đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn cháy nổ của các chung cư cao cấp, vì xu hướng người dân chuyển đến ở chung cư ngày càng phổ biến, nhất là sau vụ hỏa hoạn ở chung cư Xa La. Xin ông đánh giá hệ thống trang thiết bị PCCC của một chung cư cao cấp cần đảm bảo những tiêu chí gì?

Trước hết phải khẳng định khái niệm “chung cư cao cấp” chỉ là tên gọi do các chủ đầu tư đặt ra và người dân dùng thành quen chứ trong luật không có khái niệm này. Luật chia tòa nhà thành các loại: nhà thấp tầng, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng… Tuy nhiên, dù là tòa nhà có quy mô như thế nào thì vấn đề an toàn PCCC đều phải được đảm bảo vì sinh mệnh con người là như nhau.

Cục phó Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (C66 - Bộ Công an) - Đại tá Đoàn Hữu Thắng (ảnh: Diệp Chi)

Về nguyên tắc, khi một công trình được xây dựng theo thiết kế xong thì phải được kiểm tra, nghiệm thu về hệ thống PCCC, cụ thể là: hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát nạn, chiều rộng bậc thang, hệ thống đèn thoát nạn, hệ thống chống tụ khói… Sau khi kiểm tra xong, cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC sẽ cùng với chủ đầu tư ký một biên bản nghiệm thu hệ thống PCCC này.

Tuy nhiên, không phải ký xong biên bản nghiệm thu này là công trình đã đi vào sử dụng được, mà công trình đó còn phải đảm bảo những điều kiện về PCCC khác theo đúng quy định của pháp luật.

Đó là công trình phải có ban quản lý, người đứng đầu tổ chức PCCC, ở khu dân cư thì đó là đội dân phòng PCCC để phòng ngừa và chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Tổ chức đó phải được thường xuyên tập luyện để có thể dùng được bất cứ lúc nào. Ngoài ra cần có phương án PCCC được phê duyệt bởi đơn vị quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Vấn đề này Điều 7 Nghị định 79 đã quy định rất chi tiết.

Theo Nghị định 35/2003/NĐ-CP thì một số chung cư như Xa La,… nằm trong danh mục những chung cư phải được nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng. Nhưng thực tế chủ đầu tư đã vi phạm quy định này. Xin ông cho biết sai phạm này sẽ bị xử lý như thế nào?

Khoản 6, Điều 36, Nghị định 167  quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

Sau khi xử phạt, cơ quan quản lý Nhà nước buộc chủ đầu tư phải khắc phục những điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Nếu vi phạm nhiều lần có thể bị đình chỉ công trình, nếu để xảy ra cháy nổ gây hậu quả thì thậm chí có thể bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Được biết đến quý II/2015 toàn thành phố Hà Nội đã có 779 công trình nhà cao tầng đi vào sử dụng (trên tổng số 891 công trình), trong đó 121 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. Nguyên nhân là gì, thưa ông?

Như trên đã nói, một tòa nhà sau khi thiết kế xong cần phải được nghiệm thu hệ thống PCCC với những tiêu chí, quy định cụ thể. Những công trình chưa được nghiệm thu là do còn thiếu sót một vài điều kiện nào đó cần phải bổ sung.

Sau khi xảy ra một loạt vụ cháy nổ liên quan đến chung cư khiến người dân rất bất an, xin ông đánh giá chất lượng hệ thống PCCC của các chung cư hiện nay ra sao?

Chất lượng PCCC ở các chung cư Việt Nam ở các chung cư đã được kiểm tra nghiệm thu đa số là tốt. Đa số chủ tòa nhà, ban quản lý công trình đã có ý thức chấp hành các quy định về PCCC. Tuy nhiên, ở một vài nơi, công tác duy trì chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến một số vi phạm như lấn chiếm hành lang thoát hiểm, làm hỏng chuông báo cháy… Chẳng hạn như bãi đỗ xe ở chung cư Xa La đã vi phạm khoảng cách, hàng lối để xe do quá tải, do đó khi xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa gặp khó khăn khi tiếp cận đám cháy để cứu hộ.

Tại Hội thảo quốc tế "Hỏa hoạn đô thị - kinh nghiệm từ Pháp và ASEAN" tổ chức ở HN hồi tháng 7, có thông tin cho biết: hệ thống PCCC ở VN hiện nay rất yếu kém, cụ thể cả nước mới có 10 xe thang và mới vươn tới được tầng 17. Nhưng hiện nay nhiều tòa nhà cao hơn 70 tầng, việc đó có là một bất cập trong công tác PCCC hay không, thưa ông?

Số lượng xe thang ở Việt Nam hiện nay là gần 100 cái. Phát biểu vừa rồi chỉ đơn thuần đánh giá về mặt phương tiện PCCC, trong khi công tác PCCC là một khái niệm có nội hàm rất rộng, bao gồm từ tuyên truyền, trang bị lực lượng, nghiên cứu khoa học, trang bị phương tiện đến hệ thống cơ sở PCCC bao gồm giao thông, thoát nước, người dân lẫn đội cứu hỏa chuyên nghiệp…

Tuy nhiên về cơ bản đất nước ta còn nghèo, trang thiết bị cho PCCC khá tốn kém, có lẽ phải vài chục năm nữa ta mới đáp ứng được.

Thế nhưng thưa ông, đến khi xảy ra hỏa hoạn thì người dân không quan tâm có bao nhiêu thông tư, nghị định hay pháp lệnh quy định thế nào, mà chỉ quan tâm làm thế nào chữa cháy. Trong khi thực trạng hiện nay nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, quy mô càng cao mà hệ thống trang thiết bị PCCC hạn chế như vậy thì giải pháp nào để khắc phục?

Việc PCCC không chỉ phụ thuộc vào lực lượng, trang thiết bị chữa cháy mà trước tiên phải được đảm bảo ngay từ trong kết cấu xây dựng của mỗi công trình.

Khi xây dựng một tòa nhà từ 10 tầng (tương đương khoảng 25m) trở lên thì theo quy chuẩn tiêu chuẩn, công trình đó phải tự bảo đảm được an toàn PCCC cho người sinh sống ở đó.

Điều 23 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 đã quy định rõ: Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, lan truyền khói, chống tụ khói và hơi độc do khói sinh ra; Đảm bảo các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người và tài sản khi có cháy ra xảy ra; Trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, tự chữa cháy,  sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy…

Tôi lấy ví dụ, tại các tòa nhà có các cửa thoát hiểm, khi người vào thì cửa đóng chặt lại đồng thời có hệ thống quạt tăng áp đẩy khói bụi ra ngoài để chống ngạt, khi có hiệu lệnh báo cháy thì lối thoát hiểm sẽ có đèn thoát nạn bật lên, giữa các hành lang có cửa chống cháy để cháy bên này không lan sang được bên kia…

Tuy nhiên vấn đề ở chỗ nhiều khi để tối đa hóa lợi nhuận, một số chủ đầu tư đã không thực hiện đúng các yêu cầu này.

Ngoài các hạn chế về công nghệ, thiết bị, ông có thể cho biết công tác PCCC đối với các chung cư, tòa nhà cao tầng hiện nay còn gặp khó khăn gì?

Cơ sở hạ tầng của chúng ta còn hạn chế, ví dụ như phố cổ chật hẹp nên khi xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa rất khó tiếp cận đám cháy.

Xe thang cứu hỏa trang bị rất đắt tiền, có cái lên tới 1 triệu đô la, thế nhưng khi có rồi, hạ tầng cơ sở lại không đáp ứng được. Cách đây khoảng 20 năm, Việt Nam đã mua 1 xe thang 72m của Mỹ, tuy nhiên đặc điểm của xe thang này là nó nặng 30 tấn, di chuyển trên đường phố sẽ bị hỏng nắp cống, tải trọng nặng như vậy nên đi qua cầu yếu thì cầu không chịu được...

Thứ hai, ý thức của người dân về PCCC còn chưa cao. Để tận dụng không gian sống, nhiều người cơi nới chỗ ở, để vật dụng không dùng ra ngoài hành lang thoát nạn, mở cửa thoát hiểm để thoáng gió nên đến khi hỏa hoạn thì cửa thoát hiểm mất tác dụng, rồi là dỗ trẻ con bằng cách bấm vào chuông báo cháy dẫn đến hỏng chuông, khi cần không báo động được, vv...

Trong lúc công tác PCCC còn gặp nhiều khó khăn hạn chế như vậy, đề nghị ông đưa ra một vài khuyến cáo đối với người dân để giảm thiểu những rủi ro về cháy nổ khi sống tại các chung cư, nhà cao tầng.

Trước hết, người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức về các điều kiện an toàn PCCC trước khi quyết định mua nhà chung cư. Cách nhận biết chung cư đó có đảm bảo các điều kiện PCCC hay không, chúng tôi đã đăng tải trên trang web của Cục Cảnh sát PCCC, người dân có thể tra cứu. Căn cứ vào đó, người dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà thực hiện đúng các quy định PCCC để đảm bảo điều kiện sống an toàn.

Ngoài ra, mỗi người đều phải có ý thức và tham gia tích cực vào công tác PCCC và khi phát hiện sai phạm cần báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC để xử phạt nghiêm khắc.

Xin cảm ơn ông!

Diệp Chi (thực hiện)

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến