Dòng sự kiện:
Chuyển giao gần 2.700 tỷ đồng vốn nhà nước tại Vinatex về SCIC
24/11/2018 14:00:09
Gần 2.700 tỷ đồng, tương đương gần 53,5% vốn điều lệ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Lễ chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước tại Vinatex từ Bộ Công Thương về SCIC đã được diễn ra vào ngày 23/11 tại Hà Nội.

SCIC tiếp nhận bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Vinatex từ Bộ Công thương. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo đó, gần 2.700 tỷ đồng, tương đương gần 53,5% vốn điều lệ Vinatex sẽ được chuyển giao về SCIC. Vinatex đã hoàn thành cổ phần hóa và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 29/1/2015. Tập đoàn có 15 công ty con và 19 công ty liên kết.

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, Vinatex là tập đoàn lớn có vai trò quan trọng trong phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Do đó, để chuyển giao có hiệu quả, Bộ Công thương và SCIC đã làm việc để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ quy định.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết do đây là tập đoàn lớn nên cần xác định rõ ràng các vấn đề liên quan, làm cho chặt chẽ, đặc biệt là việc thanh quyết toán tại các đơn vị thành viên.

"Các vấn đề liên quan kỹ thuật, thị trường, phát triển thị trường... rất mong với sự quản lý SCIC, quá trình thoái vốn cần lưu ý tính liên kết của tập đoàn, phát triển thương hiệu, thị trường", ông Hưng nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết Vinatex không những là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, mà còn có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến xã hội. Cũng bởi do đây là ngành nghề đặc thù, có số lao động đông, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa đã giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động.

Do đó, ông Chi nhấn mạnh hiệu quả vận hành của Vinatex không chỉ ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh chung của tập đoàn mà còn ảnh hưởng xã hội. Vì vậy, chủ tịch SCIC khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Vinatex để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

"SCIC hứa tiếp nhận với trách nhiệm cao nhất, kinh nghiệm và năng lực quản lý, quản trị hiệu quả phần vốn nhà nước và doanh nghiệp, phối hợp tạo điều kiện tối đa cho tập đoàn phát triển", ông Chi nói.

ông Chi cũng đề nghị Bộ Công thương cần tiếp tục coi Vinatex là "người con tinh thần", mặc dù đã chuyển giao sang SCIC nhưng ông "vẫn mong bộ hỗ trợ và giúp đỡ Vinatex", đặc biệt liên quan đến các vấn đề quản lý nhà nước thì có quan tâm giải quyết sớm nhất và kịp thời nhất để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển.

Với việc chuyển giao về SCIC, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex đưa ra bốn kiến nghị chính, bao gồm: Các bộ ngành liên quan có hướng dẫn để tập đoàn tăng vốn nhà nước bằng quyền chuyển đổi sử dụng đất để chi trả quyền lợi cổ đông phù hợp quy định; Có cơ chế rõ ràng liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tập đoàn; Thực hiện thoái vốn 15 doanh nghiệp trực thuộc theo đúng kế hoạch; Phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2 của tập đoàn, trong đó có việc xây dựng trụ sở.

Kết quả kinh doanh 9 tháng của Vinatex, luỹ kế doanh thu đạt hơn 36.400 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với cùng kỳ. Các đơn vị phụ thuộc và công ty do Vinatex sở hữu trên 50% vốn đóng góp gần 15.500 tỷ đồng doanh thu, còn lại đến từ công ty liên doanh – liên kết. Riêng trong tháng 9, doanh thu của tập đoàn đạt gần 4.500 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt trên 2 tỷ USD và 950 triệu USD. Sản lượng sợi, vải và may các loại cũng duy trì tăng trưởng từ 2-8%. Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu năm nay hơn 48.250 tỷ.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến