Dòng sự kiện:
Chuyện về những người đến trước về sau nơi tâm bão
26/09/2017 08:15:02
Cơn bão số 10 đã qua đi, để lại biết bao đau thương mất mát. Nhưng trong trái tim người dân, lực lượng BĐBP đúng là tình quân dân như cá với nước. Nhờ họ "đi trước về sau", cuộc sống người dân trước - sau bão đã ổn.

 

 

 

Đang dẫn đoàn từ thiện đi trao quà cho các gia đình thiệt hại nặng nề sau bão, bất ngờ, chúng tôi gặp Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng BCH BĐBP Hà Tĩnh. Khi hỏi về cơn bão, anh nói ngay: Đó là trận đánh lớn.

Cơn bão lạ

Đại tá Võ Trọng Hải kể: “Những cơn bão trước, việc kêu gọi tàu thuyền hết sức khó khăn vì theo kinh nghiệm của người đi biển, trước bão theo luồng cá sẽ trúng quả. Tuy nhiên, lần này khi nghe tin gọi của Biên phòng, đồng loạt ngư dân đều vào bờ”.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ (52 tuổi) TB 2/4 ở tổ dân số Ba Đồng, phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) kể: “Thông thường trước cơn bão, trời lặng gió. Những cơn bão trước, thời gian bão quần thảo trên biển Đông rất lâu. Lần này, khi nghe tin bão vào biển Đông đã thấy trời lặng gió, luồng cá cũng khác thường. Chúng tôi dự cảm được đây là một cơn bão mạnh, vận tốc di chuyển nhanh, không ai bảo ai đều vào bờ sớm hơn những cơn bảo trước cả ngày trời”.

“Trước những hiện tượng bất thường đó, tôi báo cáo ngay cho Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh, Ban PCTT – TKCN tỉnh đồng thời tham mưu phải có phương án đối phó khẩn cấp hơn dự tính ban đầu. Riêng lực lượng BĐBP tôi thực hiện ngay phương án tác chiến”, Đại tá Võ Trọng Hải kể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng họp cùng các LLVT để bàn thống nhất phương án đối phó cơn bão số 10

Chuyển quân tác chiến

Phương án tác chiến với bão số 10 lúc này của Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh là gì? Phương án chính hay dự phòng?, chúng tôi hỏi.

Đại tá Võ Trọng Hải với vẻ quắc thước, giọng đanh gọn: “Phải nói chính xác đó là phương án tác chiến hướng chủ yếu có bổ sung một phần phương án dự phòng. Bởi tất cả các tình huống đã được chúng tôi đưa ra từ trước, chỉ là cấp bách hơn, thần tốc và táo bạo hơn mới kịp”.

Vậy thì phương án đó là gì?

Vẫn với giọng cương quyết, Đại tá Võ Trọng Hải cho biết: “Với quyền hạn, một mặt báo cáo xin ý kiến cấp trên, một mặt tôi lệnh ngay cho các lực lượng Tiểu đoàn huấn luyện, Đại đội cơ động và lực lượng các đồn không nằm trong vùng xung yếu chuẩn bị hành quân ngay về tâm và rìa bão. Khi nhận được ý kiến đồng ý của Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh, tôi kí lệnh ngay và toàn lực lượng gấp rút lên đường, lực lượng nào đến địa điểm nào, nhiệm vụ cụ thể đã được phân công rất rõ ràng”.

Vậy thì nhiệm vụ đó là gì, thưa Chỉ huy trưởng?.

“Nhiệm vụ trước hết là tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền ở địa bàn nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn, neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn và chằng chống nhà cửa trong thời gian sớm nhất. Đồng thời cùng với Chính quyền ở đó kiên quyết đưa người già, phụ nữ, trẻ em về nơi trú ẩn oan toàn. Để sơ tán được hơn 10.000 dân là một việc lớn. Mặt khác, cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai ngay phương án tác chiến 4 tại chỗ. Chưa bao giờ việc phòng chống bão lại đẩy lên đến đỉnh điểm như thời khắc ấy. Tất cả đều căng như dây đàn nhưng rất bình tĩnh, quyết đoán”.

 Những giây phút cam go, nghẹt thở

Đến xã, phường Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Phương, khi hỏi đến cầu Hòa Lộc (cũ), rất nhiều người dân đi biển sẽ nói câu tiếc nuối: “Ước chi cầu được phá sớm hơn mươi tiếng. Nhưng chừng ấy, chúng tôi cũng cũng biết ơn BĐBP lắm rồi”.

Ông Lê Văn Luyện, chủ tịch UBND xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) kể: “Lạch Kỳ Hà dẫu chưa có âu thuyền nhưng là nơi trú tránh an toàn cho tàu thuyền từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, trước siêu bão thì đó có thể là một thảm họa, nếu chủ quan. Sáng 14/9, Đại tá Võ Trọng Hải có mặt tại cầu Hòa Lộc hội ý chớp nhoáng với chúng tôi (lãnh đạo phường Kỳ Trinh - PV) và đưa ra một ý định táo bạo “Phải phá dỡ ngay một vài nhịp cầu Hòa Lộc cũ” để tàu vào sâu hơn. Nếu để nó chúng ta sẽ trả giá đắt khi phía ngoài cầu có hơn 500 thuyền mắc kẹt.

Nói thật, khi anh Hải hỏi tôi “Các anh có dám ra quyết định không?” thì tôi chùn. Chùn bởi đó là một câu chuyện khá nhạy cảm. Mặc dầu cầu Hòa Lộc mới cách đó vài chục mét rộng thênh thang, khẩu độ cao nhưng để nói phá cầu cũ thì tôi không đủ can đảm”.

Nhờ quyết đoán và chịu trách nhiệm phá một nhịp cầu Hòa Lộc (cũ) mà hàng trăm tàu thuyền của bà con ngư dân thoát hiểm

Đưa câu chuyện về việc phá cầu, cứu tàu hỏi Đại tá Võ Trọng Hải, anh kể: “Nhìn hơn 500 chiếc tàu lớn nhỏ đậu san sát chỗ cửa biển với dự đoán có thể sóng cao đến 10m thì không thể cầm lòng phó mặc. Khi Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà và phường Kỳ Trinh không thể quyết thì tôi báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND thị xã và tỉnh Hà Tĩnh và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm cá nhân khi phá cầu.

Được UBND tỉnh chấp thuận, tôi huy động ngay lực lượng bắt đầu phá dỡ 1 nhịp cầu từ 16h chiều ngày 14/9. Mãi đến gần 24h mới xong. Khó nhất là lúc này tàu thuyền đã neo đậu, nhiều chủ tàu đã lên bờ nên suốt đêm đó mọi người phải căng mình để đưa được tàu, thuyền qua. Mỗi chiếc qua được, chúng tôi lại thở phào. Tuy nhiên, trong thời gian còn lại không thể đưa hết được vào và hậu quả đã xảy ra. Hàng chục chiếc tàu, thuyền bị sóng đánh vỡ, hất tung lên đê. Xót lắm nhưng đành bất lực”.

Hàng chục tàu thuyền bị những cơn sóng cao 5-10m "nhấc bổng", vượt qua kênh thủy lợi gần chân cầu Hòa Lộc

Những giây phút cam go mà Đại tá Võ Trọng Hải kể cho chúng tôi nghe còn là lúc cùng các đồng chí ở Cục cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng "trực chiến" nơi tâm bão.

"Nhìn lên máy quét thấy rõ hình ảnh tâm bão gần như đứng yên giày xéo hai phía Đèo Ngang trong nhiều giờ mà thấy xót xa, nóng ruột. Những trận gió giật liên hồi từ cấp 12 - 15 cứ hiện lên đậm nét trên màn hình khiến chúng tôi ai cũng chợt nghĩ, xem như là chấm hết cho những ngôi nhà cấp 4 của nhân dân.

Ân tình Bộ đội Biên phòng

Mặc dù, ngay sau bão, nhiều đồn của BĐBP cũng bị tan hoang, nhưng một lần nữa, Đại tá Võ Trọng Hải cương quyết ra lệnh: “Tất cả các đơn vị để nguyên những thiệt hại, chỉ cần cán bộ chiến sỹ có chỗ ăn, ở tạm trong đồn. Tất cả lực lượng phải xuống bám dân để giúp đỡ. Bao giờ khắc phục xong cho dân thì đơn vị mới được rút quân về tu sửa doanh trại”.

Tình quân dân gắn liền một dải

Đúng như mệnh lệnh của thủ trưởng, khi chúng tôi có mặt tại các đồn BĐBP Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), Cảng Vũng Áng, Đèo Ngang (TX Kỳ Anh) hay đồn BĐBP Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), gần 10 ngày sau bão nhưng ở các đồn chỉ có bộ phận chuyên môn trực ban còn hầu hết cán bộ, chiến sỹ đều chia từng tốp từ 5 – 10 người cắm chốt ở các địa bàn có nhiều nhà dân bị thiệt hại để tu sửa cho hàng trăm ngôi nhà của dân, hàng chục ngôi trường và trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Nhân (79 tuổi), bà Mai Thị Đồng (81 tuổi) ở tổ dân phố Ba Đồng, phường Kỳ Phương kể: “Con cái đi làm xa, nhà chỉ có hai ông bà trên dưới 80 tuổi thấy nhà tốc mái mà bất lực. Làng xóm ai cũng thiệt hại nên cũng không thể nhờ cậy.

Được 5 cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Đèo Ngang đến giúp khiến chúng tôi cảm động vô cùng. Con tôi là linh mục ở TP Hồ Chí Minh gọi điện về bảo thầy mẹ phải nấu cơm cho BĐBP ăn uống nhưng các chú ấy không cho nấu. Thương quá! Làm từ sáng tinh mơ đến đứng bóng tròn, về đơn vị ăn xong lại đến làm tiếp”.

Từng hành động nhỏ của BĐBP Hà Tĩnh luôn để lại niềm tin yêu trong nhân dân

Ông Nguyễn Tiến Sỹ cùng tổ dân phố với ông Nhân (TB 2/4) khẳng định: “Tôi tin là mỗi người dân nơi đây sẽ là một chiến sĩ biên phòng đặc biệt để đảm bảo an ninh biên giới”.

Còn ông Chu Văn Cảnh ở thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh thì xúc động: “Tàu bị sóng đánh lên bờ, mắc cạn. Chưa biết phải làm gì thì Sở GTVT cho máy cẩu đưa lên bờ. Cùng lúc cán bộ BĐBP có mặt tặng 5 triệu. Thế là có tiền thuê xe chở tàu về lại cảng Vũng Áng hạ thủy. Sửa xong tàu, chúng tôi lại ra khơi bám biển vừa lao động sản xuất vừa đảm bảo chủ quyền biển đảo”.

Ngay trong ngày 16/9, Đại tá Võ Trọng Hải đã đến trực tiếp thăm hỏi, hỗ trợ ngư dân bị chìm, hỏng tàu mỗi gia đình 5 triệu đồng.

Được biết, ngay sau bão, BĐBP Hà Tĩnh là đơn vị đầu tiên trong tỉnh Hà Tĩnh tổ chức phát động toàn bộ lực lượng quyên góp ủng hộ mỗi người 1 ngày lương để ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại nặng nề vì bão.

Nói về BĐBP, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh chia sẻ: “Trước thiệt hại quá nặng nề, TX Kỳ Anh nhận được nhiều sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang của Quân khu 4, của tỉnh và các lực lượng đoàn thể, cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, với BĐBP đúng là lực lượng đi trước về sau. Chúng tôi thật sự biết ơn!”.

Còn với chúng tôi, câu chuyện về hình ảnh BĐBP trong bão số 10 là một trận đánh lớn. Trận đánh mang tên Doksuri,

Chia tay chúng tôi, Đại tá Võ Trọng Hải cứ dặn đi dặn lại: “Nếu viết về BĐBP thì hãy viết những gì bình thường nhất vì đó chỉ là một trong những nhiệm vụ của lực lượng”.

Quốc Hiệp – Quốc Hoàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến