Cục Hàng không thắt chặt kiểm soát an ninh, phòng ngừa trộm cắp ở sân bay
07/08/2015 18:51:06
ANTT.VN – Theo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua việc phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi bằng đường hàng không có chuyển biến tuy nhiên do các đơn vị triển khai chưa đồng đều nên chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng này nên việc mất cắp tại cảng hàng không, sân bay vẫn xảy ra.

Tin liên quan

Ảnh minh họa (nguồn: phapluattp.vn)

Cục Hàng không đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện các giải pháp phòng, chống mất cắp tại cảng hàng không, sân bay. Theo đó, Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại cảng phân định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa; xem xét, đánh giá, quy trách nhiệm của đơn vị khi xảy ra vụ việc mất cắp; Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ các cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát.

Lập các “Hòm thư tố giác hành vi trộm cắp tài sản” tại các vị trí thuận tiện cho việc tố giác tội phạm của người lao động và hành khách. Hàng tuần tiến hành kiểm tra hòm thư để kịp thời kiểm tra, xác minh các đơn thư tố giác.

Theo dõi, đôn đốc các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ hành lý, hàng hóa trong đó gắn trách nhiệm của nhân viên, của đội ngũ cán bộ các bộ phận đến người lãnh đạo các đơn vị.

Tổ chức kiểm tra trực quan đột xuất đối với nhân viên an ninh, bốc xếp, vệ sinh, lái xe ngay sau khi hoàn thành công việc bốc xếp tại cửa hầm hàng tàu bay, khu vực phân loại hành lý, tại điểm kiểm tra an ninh ra vào sân đỗ tàu bay, khu bay…

Giám sát chặt chẽ việc xử lý, giải quyết các khiếu nại, phản ảnh của khách bị mất tài sản trong hành lý, hàng hóa. Xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình phục vụ hành khách, hành lý, hàng hoá nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, kỷ luật, kỷ cương của nhân viên hàng không.

Khi phát hiện vụ việc nhân viên hàng không có hành vi trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản của hành khách để quên phải tiến hành thu Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay, tạm thời đình chỉ hoạt động của nhân viên hàng không liên quan để điều tra, làm rõ; phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, xác minh; xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan công an điều tra làm rõ; theo dõi chặt chẽ, liên tục quá trình điều tra, xử lý của cơ quan công an để nắm tình hình, phối hợp và có kiến nghị xử lý thích hợp theo đúng quy định của pháp luật. Đối với vụ việc liên quan đến chuyến bay quốc tế, Cảng vụ phải gửi văn bản đến cơ quan Hải quan, Quản lý xuất nhập cảnh tại cảng đề nghị phối hợp, hỗ trợ trong quá trình điều tra, xác minh; kịp thời báo cáo Cục Hàng không Việt Nam những trường hợp vướng mắc để xử lý.

Hàng ngày phải cử cán bộ kiểm tra, giám sát các khu vực băng chuyền, đảo hành lý, khu vực kiểm tra, giao nhận hành lý…, Hàng tháng Cảng vụ hàng không phải cử cán bộ có chuyên môn để phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trong việc nắm tình hình địa bàn và nắm thông tin các đối tượng có nghi vấn.

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không VN, tiếp tục hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ thống hàng rào an ninh tại các cảng hàng không, sân bay theo Đề án nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý kết cấu hạ tầng hàng không, đầu tư lắp đặt bổ sung camera giám sát tại các Cảng hàng không, sân bay thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2015.

Với các cảng hàng không, sân bay, Cục Hàng không yêu cầu chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp phòng chống mất cắp hành lý, hàng hóa giữa các cơ quan, đơn vị liên quan tại cảng, phân định rõ trách nhiệm, trong đó có xác định trách nhiệm cá nhân lãnh đạo các cấp từ ca, kíp, tổ đội cho đến người đứng đầu đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát để xử lý nếu để xảy ra mất cắp tại vị trí giám sát của mình…, Ban hành quy định cụ thể danh mục các đối tượng được phép ra vào cho từng cổng, cửa, lối đi cụ thể, người phương tiện vào cửa nào phải ra tại cửa đó, không đi chung với lối đi của hành khách, trừ những trường hợp đặc biệt; quy định các loại nhân viên không được mang theo người và sử dụng điện thoại di động khi vào làm việc tại các khu vực hạn chế.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ các cấp, thành lập các Tổ kiểm tra đặc biệt tổ chức tuần tra, kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất nhân viên ANHK và nhân viên các đơn vị trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa. Nhân viên an ninh giám sát an sân đỗ, tàu bay và đảo hành lý tiến hành kiểm tra trực quan nhân viên bốc xếp tại hầm hàng tàu bay, đảo hành lý, nhân viên lái xe đầu kéo, nhân viên vệ sinh.

Rà soát điều chỉnh các lối đi nội bộ; tăng cường nhân viên nữ tại các lối đi nội bộ tiến hành kiểm thể 100% người ra/vào tại lối đi nội bộ; lập sổ theo dõi đồ vật mang vào/ra tại các lối đi nội bộ, luân chuyển ngẫu nhiên, đột xuất vị trí làm việc của nhân viên an ninh hàng không; phối hợp với Cảng vụ hàng không và các đơn vị phục vụ hàng hóa, phục vụ mặt đất tiến hành kiểm tra đột xuất tủ đựng đồ cá nhân, vị trí tập kết rác để phân loại của bộ phận vệ sinh tàu bay, khu vực tập kết trang thiết bị phục vụ hành lý, hàng hóa.

Với các công ty phục vụ mặt đất, phục vụ hàng hoá, các Trung tâm phục vụ mặt đất của Jetstar Pacific Airlines, tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên của đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thẩm tra, xác minh nhân thân trước khi tuyển dụng người lao động. Thường xuyên tiến hành rà soát đánh giá đối với tất cả nhân viên liên quan đến công tác phục vụ hành lý, hàng hóa và thực hiện định kỳ đánh giá, phân loại để bố trí công việc phù hợp.

Rà soát quy định về hợp đồng lao động của đơn vị đối với nhân viên bốc xếp, vệ sinh tàu bay theo hướng ký ngay hợp đồng dài hạn đối với các trường hợp có ý thức kỷ luật tốt, trung thực… Rà soát toàn bộ quy trình, nội quy, quy định liên quan đến việc giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hoá trong dây chuyền phục vụ để sửa đổi, bổ sung trong đó quy định rõ trách nhiệm, hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm liên đới.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ các cấp; phối hợp với lực lượng an ninh giám sát sân đỗ, tàu bay thực hiện kiểm tra trực quan 100% nhân viên bốc xếp, vệ sinh tàu bay khi làm xong công việc tại cửa tàu bay, cửa hầm hàng và khu vực phân loại hành lý.

Ban hành quy định về đồ vật cá nhân, tiền bạc … được phép mang vào khu vực hạn chế; gửi Cảng vụ hàng không, Trung tâm an ninh hàng không để kiểm tra, giám sát; may trang phục của nhân viên bốc xếp, vệ sinh, lái xe đầu kéo hành lý, hàng hoá không có túi; áo có số kể cả áo phản quang để thuận lợi cho việc quan sát, xác định khi cần thiết.

Cục Hàng không yêu cầu, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Facific, Vasco rà soát lại quy trình, nội quy, quy định của đơn vị trong đó quy định rõ trách nhiệm của tiếp viên trong việc giám sát hành khách trên tàu bay không để hành khách lấy trộm đồ trong hành lý, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế; tuyên truyền cho hành khách về các quy định vận chuyển đồ vật có giá trị cao trong hành lý ký gửi; các quy định, thủ tục khai báo, khiếu kiện và đền bù trong trường hợp bị mất mát, thất lạc hành lý trong quá trình vận chuyển.

Phối hợp chặt chẽ với các đối tác tại các cảng hàng không nước ngoài có liên quan để trao đổi, kiểm tra, xác minh kịp thời các trường hợp khách khiếu nại, phản ảnh bị mất tài sản trong hành lý, hàng hoá trên các chuyến bay quốc tế và bảo đảm quyền lợi của hành khách.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến