Dòng sự kiện:
Đến 2020 hoàn tất tăng vốn nhóm quốc doanh để đạt chuẩn Basel II
13/08/2018 05:21:27
Mục tiêu giai đoạn 2018-2020, Nhà nước vẫn sẽ nắm vai trò chi phối, giữ tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đối với ba ngân hàng có vốn Nhà nước.

Theo tính toán của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, tới cuối năm 2020, các nhà băng sẽ phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 – 2 lần mới có thể đáp ứng quy định của Basel II mà cụ thể đã luật hóa tại Việt Nam qua Thông tư 41. Cách thức tính đã có nhiều thay đổi nên dù hệ số CAR tối thiểu được kéo xuống từ 9% còn 8%, nhu cầu vốn của các ngân hàng vẫn rất lớn.

Điển hình của việc thay đối cách tính là quy định loại trừ phần nợ thứ cấp do TCTD khác phát hành khỏi cấu phần tính vốn cấp 2. Việc mua công cụ nợ TCTD khác phát hành lẫn nhau để tăng vốn ảo do đó sẽ không còn ý nghĩa.

Một áp lực khác đến từ chính nhu cầu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng với tăng trưởng tín dụng bình quân đề ra cho năm tới là 17%. Để đảm bảo hệ số CAR khi liên tục tăng tài sản có rủi ro, việc tăng vốn là cấp thiết.

Nếu như trước đây, việc tăng vốn của các ngân hàng thường chủ yếu nhờ vào nguồn vốn chủ sở hữu của các ngân hàng (chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu…) thì năm 2017 vừa qua một số ngân hàng đã huy động tiền mới thành công từ các thương vụ phát hành riêng lẻ hay chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Nới room và việc đưa cổ phiếu lên sàn được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy giao dịch thứ cấp cổ phiếu nhà băng. Nhìn lại một năm trở lại đầy ấn tượng vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã thiết lập lên một mặt bằng giá mới cùng mức thanh khoản lên tới hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Thành công trên thị trường thứ cấp qua đó sẽ là bàn đạp cho hoạt động phát hành cổ phiếu. Thời gian chính thức áp dụng Basel II chỉ còn 2-3 năm nữa cũng đồng thời với việc các ngân hàng cần nhanh chân hơn trong cuộc đua này.

Với mục tiêu giai đoạn 2018-2020, Nhà nước vẫn sẽ nắm vai trò chi phối, giữ tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đối với ba ngân hàng có vốn Nhà nước. Cổ đông chiến lược được lựa chọn là tổ chức uy tín, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị.

Sau giai đoạn này, tới năm 2025, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước chỉ còn cần đảm bảo ở mức 51%.

Ngay trong giai đoạn 2018-2020, "tam trụ" ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II. Định hướng tới giai đoạn 2021 - 2025, nhóm ngân hàng vốn Nhà nước đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao.

Không dừng lại ở việc đề ra các mục tiêu, quyết định của Thủ tướng đưa ra các hành động cụ thể. Theo đó, NHNN sẽ phải phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH & ĐT trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II. Bộ Tài chính cũng được giao bố trí nguồn để tăng vốn.

Ngoài ra, 3 ông lớn ngân hàng còn được Nhà nước đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Giai đoạn 2018-2020 sẽ là khoảng thời gian chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết sàn ngoại.

Riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triên nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng này được định hướng giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại theo mô hình đa năng; triển khai cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ. Giai đoạn 2021-2025, Agribank sẽ thực hiện niêm yêt cổ phiếu trong nước.

Thu Hà (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến