Dòng sự kiện:
Những ngân hàng có lợi nhuận khiêm tốn
12/08/2018 07:02:31
Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng chưa bao giờ sáng như hiện nay. Số ngân hàng đạt lợi nhuận trên 1.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2018 là 12 ngân hàng, tăng năm ngân hàng so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng lợi nhuận đạt trên 50% trở thành chuyện bình thường. Tại nhiều ngân hàng, mức tăng trưởng lợi nhuận phải tính bằng lần.

Ba ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và một ngân hàng khác đang bị kiểm soát đặc biệt nhiều năm liền không công bố báo cáo tài chính. Ảnh: T.L

Nhưng niềm vui không chia đều cho tất cả. Vốn pháp định của ngân hàng là 3.000 tỉ đồng nhưng lợi nhuận của một số ngân hàng vẫn lẹt đẹt ở mức vài chục tỉ đồng đến trên 100 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, chi phí dự phòng quá cao và sức cạnh tranh yếu.

Chuyện chi phí dự phòng ăn mòn lợi nhuận phải nói đến ngân hàng S đầu tiên. Là một trong những ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống nhưng lợi nhuận của ngân hàng S trong nửa đầu năm 2018 chưa đến 100 tỉ đồng, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) chỉ đạt 1,1%. Được biết, ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu với lượng trái phiếu VAMC thuộc hàng “khủng”. Lợi nhuận của ngân hàng S nhiều năm nay luôn thấp như vậy, theo lý giải của ban lãnh đạo là do phải tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong sáu tháng đầu năm 2018 bằng 96,6% lợi nhuận trước dự phòng, tức là phần lớn lợi nhuận làm ra đã được dành để trích lập dự phòng trái phiếu VAMC.

Lợi nhuận trước thuế trên sổ sách trong trường hợp này chỉ mang tính chất tượng trưng. Điều tích cực trong kết quả kinh doanh của ngân hàng S là lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tăng đến 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017, trong đó lợi nhuận từ các hoạt động ngoài lãi tăng rất mạnh và bám sát nhóm ngân hàng dẫn đầu.

Một ngân hàng khác cũng đang chật vật tái cơ cấu là ngân hàng Q. Vốn là một ngân hàng niêm yết khá sớm nhưng lại lọt vào nhóm chín ngân hàng yếu kém (phải tái cơ cấu bắt buộc từ năm 2011), ngân hàng Q hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lợi nhuận ở vùng chót bảng. Lợi nhuận sáu tháng đầu năm 2018 của ngân hàng này chỉ đạt 15,6 tỉ đồng. ROE chỉ đạt 0,97%, thấp nhất trong tất cả các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (BCTC). Đáng chú ý, mặc dù dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 9,8% nhưng thu nhập lãi thuần chỉ tăng 3,8%, cho thấy nhiều khả năng ngân hàng đã thoái lãi dự thu (do nợ quá hạn tăng) hoặc giảm biên độ lãi suất cho vay - huy động trước áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng khác.

Dù đã niêm yết, ngân hàng này chỉ công bố BCTC tóm tắt nên không rõ chất lượng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6-2018. Theo thuyết minh BCTC gần nhất (cuối năm 2017), tỷ lệ nợ xấu là 1,53%, tuy nhiên nếu cộng luôn trái phiếu VAMC và nợ nhóm 2 thì tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm tàng thành nợ xấu lên đến 21,57%. Không chỉ công bố BCTC nửa vời và chất lượng tín dụng gây lo lắng cho cổ đông, các hoạt động ngoài lãi như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán của ngân hàng Q đều chậm phát triển và đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận. Số dư huy động khách hàng của ngân hàng này thậm chí còn giảm 1,7% so với đầu năm 2018.

Trong quí 2-2018 cũng đã xuất hiện ngân hàng lỗ. Đó là ngân hàng B với mức lỗ 33,5 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ là do chi phí dự phòng tăng vọt lên 118 tỉ đồng, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ quí 1-2018 có lãi gần 87 tỉ đồng (quí 1 không trích chi phí dự phòng rủi ro), ngân hàng B vẫn có lãi trước thuế 53 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2018.

Những trường hợp như ngân hàng Q và ngân hàng B thực sự không hiếm. Đó là những ngân hàng có quy mô nhỏ, mạng lưới thưa và không được nhiều người biết đến. Tìm kiếm sự bứt phá tại các ngân hàng này là rất khó khi mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008-2011 dù đã qua đi nhiều năm nhưng di chứng để lại vẫn rất lớn. Nợ xấu tạm gửi tại VAMC, các khoản phải thu còn tồn đọng, năng lực cạnh tranh yếu đang là những rào cản trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận. Hướng đi nhanh nhất cho các ngân hàng này có lẽ là phương án sáp nhập vào một ngân hàng khác (như PGBank đang làm thủ tục sáp nhập vào HDBank). Nếu không, họ cần nhanh chóng xử lý nợ xấu và có một chiến lược kinh doanh thực sự đột phá.

Trên đây chỉ nói đến ba ngân hàng đã công bố BCTC sáu tháng đầu năm 2018. Danh sách các ngân hàng có lợi nhuận khiêm tốn có lẽ còn dài hơn nhiều nếu tính luôn các ngân hàng chưa công bố BCTC, bao gồm một số ngân hàng có lợi nhuận năm 2017 rất thấp như ngân hàng SG (lãi 70 tỉ đồng cả năm 2017), ngân hàng P (lãi 80 tỉ đồng), ngân hàng SB (lãi 145 tỉ đồng), ngân hàng B1 (lãi 147 tỉ đồng), ngân hàng V (lãi 149 tỉ đồng), ngân hàng M (lãi 166 tỉ đồng). Theo lẽ thường, các ngân hàng có lợi nhuận thấp (hoặc lỗ) sẽ không muốn công khai kết quả kinh doanh. BCTC của các ngân hàng này hầu như chỉ được công bố một lần/năm, thậm chí chỉ được cung cấp bản giấy cho các cổ đông trực tiếp dự đại hội cổ đông.

Về chuyện công bố BCTC, không thể không nhắc đến ba ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và một ngân hàng khác đang bị kiểm soát đặc biệt. Các ngân hàng này nhiều năm liền không công bố BCTC, tuy nhiên, qua thông tin rời rạc (chủ yếu từ các phiên toà hoặc các quyết định khởi tố) thì những ngân hàng này liên tục lỗ trong các năm qua. Mức lỗ lũy kế của từng ngân hàng đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

Lối thoát cho bốn ngân hàng này là những cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với ngân hàng yếu kém được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2017. Mặc dù vậy, việc phục hồi một ngân hàng lỗ lũy kế gấp 3-5 lần vốn điều lệ sẽ là một kỳ tích. Cần nói thêm rằng, lộ trình phục hồi của các ngân hàng này có lẽ chỉ bắt đầu sớm nhất từ năm 2019 vì cho đến nay, phương án tái cơ cấu vẫn còn đang trong giai đoạn trình duyệt.

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng đã sáng hơn trước nhưng vẫn còn những điểm tối. Điểm tối ấy có thể xuất phát từ sự hạn chế về quy mô, thương hiệu và năng lực quản trị, hoặc cũng có thể là những tồn tại từ giai đoạn trước đây. Những tồn tại ấy nếu đang được giải quyết theo lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thì các cổ đông sẽ phải tiếp tục cắn răng chờ đợi.

Điều đáng lo ngại hơn là cả cơ quan chức năng lẫn ban lãnh đạo ngân hàng đều chưa tìm được phương án giải quyết tối ưu cho các tồn tại, hoặc ngân hàng đi chệch hướng so với phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt, dẫn đến tình hình tài chính - thanh khoản ngày càng xấu đi. Nếu điều đó xảy ra, tác động dây chuyền có thể khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới.

Theo Thesaigontimes

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến