Dòng sự kiện:
Diễn biến mới vụ chồng cầu cứu khắp nơi để giải cứu vợ bặt vô âm tín ở Ả Rập Xê Út
02/09/2020 09:30:30
'Tôi đã hi vọng nhiều lần rồi lại thất vọng với những lời hứa hẹn. Giờ đây chỉ mong phía công ty có trách nhiệm, giữ đúng cam kết can thiệp để đưa vợ tôi sớm trở về an toàn'.

Vừa qua, ANTT có đăng tải bài viết: Chồng gửi đơn cầu cứu khắp nơi để giải cứu vợ 'bặt vô âm tín' ở Ả Rập Xê Út. Nội dung đề cập về việc anh Quách Văn Điệp, ở thôn Bãi Hưng, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) phản ánh, hơn một năm qua anh đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi để giải cứu vợ là chị Cao Thị Huyền (29 tuổi) đang mắc kẹt ở Ả Rập Xê Út về nước nhưng bất thành.

Không chỉ anh Điệp mà ông Quách Văn Mẹo ở xã Mậu Lâm (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cũng nhiều lần làm đơn đến cơ quan chức năng phản ánh việc vợ là Trương Thị Quế (44 tuổi), mất tích suốt 1 năm khi làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út.

Thông qua công ty Vĩnh Cát, chị Huyền và bà Quế đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út trong 2 năm, với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng, nhà chủ cố tình nợ lương và không mua vé máy bay cho về nước. Họ bị chủ đối xử tệ, bị đánh đập, chửi mắng thường xuyên, không được sử dụng điện thoại để liên lạc với gia đình. 

Trước cầu cứu của gia đình, mới đây, Công ty CPĐT Vĩnh Cát (Hà Nội) và đại sứ quán Việt Nam đã có những động thái để can thiệp giải cứu người lao động.

Theo báo cáo của Công ty Vĩnh Cát, chị Huyền xuất cảnh tháng 6/2017, được bố trí làm giúp việc trong nhà chủ đúng hợp đồng. Khi hết hạn hợp đồng tháng 6/2019, nhà chủ không thanh toán lương và làm thủ tục cho chị Huyền về nước.

Anh Điệp thất vọng vì vẫn chỉ nhận được những lời hứa

Trước việc này, công ty môi giới ở Ả rập đã liên hệ với nhà chủ yêu cầu trả lương và mua vé máy bay cho chị Huyền. Cùng với sự tác động của Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập, tháng 1/2020 chị Huyền được chủ đưa ra cơ quan cảnh sát để trả lương và làm thủ tục về nước. Tuy nhiên, khi được nhà chủ đề nghị quay về làm việc và hứa sẽ mua vé máy bay sau 2 tuần thì nữ lao động nghe theo.

“Sau đó, nhà chủ không thực hiện lời hứa mà giữ chị Huyền lại làm việc. Đến nay, vẫn còn nợ 4 tháng lương”, công ty Vĩnh Cát lý giải.

"Đây là sự việc ngoài khả năng của công ty và phải nhờ đến cơ quan chức năng tại Việt Nam và Ả rập giúp can thiệp giải quyết", ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Cát cũng hứa sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm đưa 2 lao động hồi hương.

Anh Điệp, chồng chị Huyền, tỏ ra thất vọng khi những gì anh nhận được vẫn chỉ là những lời hứa chưa biết bao giờ thành hiện thực. 

“Tôi đã chờ đợi suốt hơn 1 năm qua, tôi không biết sẽ còn chờ đến khi nào, chỉ mong phía công ty giữ đúng cam kết, sớm can thiệp để đưa mẹ của các con tôi an toàn trở về”, người chồng nói.

Về trường hợp bà Trương Thị Quế (44 tuổi), ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, Công ty Vĩnh Cát xác nhận lao động này đã hết hợp đồng 8 tháng. Công ty nhiều lần yêu cầu chủ sử dụng trả lương và làm thủ tục cho nữ lao động về nước. “Nhưng hiện tại do dịch Covid-19 phức tạp nên bà Quế vẫn chưa thể về”, công ty nêu lý do.

Trước tình cảnh khó khăn của lao động tại nước sở tại, vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập đã gửi công văn đến Bộ Ngoại giao vương quốc này đề nghị can thiệp, hỗ trợ xác minh thông tin hiện tại của người lao động, xử lý các phát sinh liên quan căn cứ theo hợp đồng lao động đã ký và quy định hiện hành.

“Qua đó nhằm tránh các phát sinh đáng tiếc có thể xảy ra với người lao động hoặc tránh trường hợp lao động phải trốn chạy ra ngoài trở thành cư trú bất hợp pháp”, công văn nêu.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến