Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp có 'xí phần' đất dự án
29/11/2018 08:17:28
Những năm qua, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Kon Tum xây dựng đề án phát triển nông nghiệp gắn với chế biến và kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, khi thực hiện đề án đã nảy sinh nhiều bất cập.

Nhiều diện tích rừng thông đã được chính quyền thu hồi giao cho DN đầu tư, nhưng không phát huy hiệu quả thiết thực

Đơn cử, tại huyện Kon Plông, hàng nghìn hecta đất rừng trên địa bàn được chuyển đổi để lấy quỹ đất mời gọi nhà đầu tư. Song nhiều DN đầu tư theo kiểu “xí phần”, hoạt động đầu tư chậm trễ, gây hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất.

Theo đề án của tỉnh, huyện Kon Plông được chọn là một trong 3 vùng kinh tế động lực. Đây là địa phương có nhiều thuận lợi về thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp. Để thu hút DN, chính quyền địa phương đã thực hiện quy hoạch hơn 1.300ha đất, trong đó có nhiều diện tích dành cho dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời, miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, nên thu hút được nhiều DN vào đầu tư.

Hiện địa phương này có gần 100 DN đầu tư, với tổng số vốn trong các dự án đạt hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó, có 44 dự án rau, hoa quả xứ lạnh. Có thể kể ra như dự án Nông trại hữu cơ (Hàn Quốc), dự án nuôi bò sữa của Tập đoàn Vinamilk; dự án rau hoa xứ lạnh do Công ty TNHH Kon Tum BELLEST làm chủ đầu tư; dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum Măng Đen của Công ty cổ phần Tập đoàn VinGroup với số vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng…

Đến nay, nhiều dự án đã được triển khai, hàng chục ngàn mét vuông nhà lồng, nhà kính được lắp đặt. Bước đầu đã có những sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại địa phương được đưa vào hệ thống các siêu thị.

Điều đáng nói, bên cạnh một vài dự án làm ăn hiệu quả, còn có các DN lợi dụng cơ chế ưu đãi lập dự án đầu tư để “xí phần” đất rồi bỏ hoang, bán dự án hay rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Ví như, dự án trồng cây mắc ca do Công ty TNHH Đăng Vinh (Bình Định) làm chủ đầu tư. Để có quỹ đất sạch, tháng 1/2017 tỉnh Kon Tum thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng trên 200ha đất rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Kon Plông quản lý tại tiểu khu 481, xã Đắk Long (Kon Plông) để giao cho DN nói trên thực hiện dự án.

Thế nhưng, dự án với số vốn đầu tư khoảng 47 tỷ đồng được cam kết này đang rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, gần như không hoạt động. Cuối tháng 5/2018, liên ngành chức năng của tỉnh Kon Tum và UBND huyện Kon Plông tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai dự án và khẳng định: các hạng mục thực hiện dự án còn chậm. Chủ đầu tư lấy lý do địa hình đồi núi, khó khăn cho trồng trọt, chi phí cao nên xin giãn tiến độ đầu tư, xin điều chỉnh một phần dự án sang trồng cây...

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng đã có văn bản đôn đốc, báo cáo lên tỉnh, các sở, ngành liên quan. Chính quyền huyện Kon Plông cũng sẽ cương quyết xử lý các DN, cá nhân xin đất làm dự án mà không triển khai, thực hiện như cam kết.

Thực tế tại địa phương này cho thấy, trên địa bàn còn có hàng chục dự án như thế. Điều đáng nói, nhiều dự án trong số này là đất rừng. Ví như, dự án trồng sim của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn; dự án trồng rau, hoa, cây ăn quả, dược liệu dưới tán rừng của HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông... Để có đất cấp cho các dự án, chính quyền địa phương đã phải thực hiện chuyển đổi từ đất rừng sang đất sản xuất. Đồng nghĩa với việc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta rừng mất đi nhường chỗ cho dự án.

Đây thực sự là vấn đề cấp bách, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương để đôn đốc đưa vào khai thác, hoặc nếu không thực hiện thì kiên quyết thu hồi để cấp cho nhà đầu tư mới.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến