Dòng sự kiện:
Đồng euro sau 20 năm thăng trầm
16/01/2019 09:00:07
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày đồng euro ra đời (1/1/1999 - 1/1/2019), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã dành lời ca ngợi đồng tiền chung này, coi đây là 'một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của EU'.

Kiểm đồng 20 euro tại một điểm giao dịch hối đoái ở thủ đô London. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani nhận định đồng euro ngày nay đã trở nên phố biến hơn với 3/4 công dân châu Âu và mang lại lợi ích kinh tế. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh đến sự trưởng thành của đồng euro sau 20 năm thăng trầm để giờ đây trở thành "biểu tượng sức mạnh của EU với tư cách là lực lượng kinh tế, chính trị trên thế giới", bất chấp cú sốc của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thành tựu và kỳ vọng 

Ra đời ngày 1/1/1999, đồng euro ban đầu chỉ tồn tại như một dạng tiền ảo được sử dụng trong các giao dịch tài chính và kế toán. Ba năm sau đó, năm 2002, đồng tiền này mới chính thức được đưa vào lưu hành và sử dụng. Hiện có hơn 340 triệu người tại 19 nước thuộc EU đang sử dụng đồng tiền này trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày dưới dạng tiền giấy và tiền xu.

Ở thời kỳ đầu, đồng tiền này đã không giành được thiện cảm của người dân châu Âu bởi sự xuất hiện của nó kéo theo tình trạng tăng giá ngoài mong muốn. Tại Đức, euro thậm chí còn được nhắc đến với cái tên "teuro" vốn được dùng để mô tả sự đắt đỏ. Tuy nhiên, việc chi tiêu dễ dàng trong qua trình đi lại hay giao dịch thương mại xuyên biên giới mà không cần tiến hành chuyển đổi tiền tệ đã nhanh chóng giúp đồng tiền này có được "điểm cộng" trong lòng người dân châu Âu.

Theo hãng tin AFP (Pháp), dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu, nhưng đồng euro vẫn còn là “một người khổng lồ yếu ớt”. Trong 10 năm đầu tiên, đồng euro đạt được những thành công tức thì. Nhưng 10 năm kế tiếp, đồng euro phải trải qua một cuộc khủng hoảng “trưởng thành” dài hơi và dữ dội. Ngay giữa mùa Hè năm 2012, đồng euro suýt bị cuốn trôi theo cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu.

Chính những sự kiện đó đã cho thấy những “khiếm khuyết ban đầu” trong quá trình hình thành đồng tiền chung euro, đó chính là thiếu sự đoàn kết về ngân sách chung châu Âu thông qua biện pháp tương trợ nợ công, đầu tư. Bên cạnh đó là các rủi ro, cách biệt sâu sắc giữa các thị trường, thiếu một định chế cung cấp tín dụng trong trường hợp khẩn cấp khi một nước gặp khó khăn…

Nhằm ngăn chặn Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị tan rã, một loạt biện pháp đã được đề ra như thiết lập chương trình mua lại nợ công có điều kiện của một nước thông qua việc phát hành trái phiếu châu Âu, giảm lãi suất xuống mức thấp nhất… Tổng cộng trong giai đoạn này châu Âu đã mua lại 2.600 tỷ euro nợ công.

Theo nhận định của cựu Bộ trưởng Tài chính Hà Lan và cũng là người đứng đầu Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) giai đoạn 2013-2018, ông Jeroen Dijsselbloem, Eurozone hiện đã có sự chuẩn bị tốt hơn với những quy định và quy tắc tài chính hoàn thiện hơn, các thể chế tài chính và quỹ hoạt động hiệu quả hơn và nhờ đó euro là "cội nguồn ổn định" trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng đồng tiền này cần được củng cố sức mạnh thông qua việc hoàn thiện liên minh ngân hàng và liên minh thị trường vốn thực sự để có thể chống đỡ những "cú sốc" trong tương lai.

Hiện nay, đồng euro ngày càng được ưa chuộng hơn. Theo khảo sát hồi tháng 11/2018 của ECB, 74% công dân Eurozone cho rằng đồng euro mang đến lợi ích cho EU, trong khi có 64% ý kiến cho rằng đồng tiền này mang đến lợi ích cho các quốc gia thành viên. Hiện euro là đơn vị tiền tệ được lưu hành phổ biến thứ hai thế giới, sau đồng bạc xanh của Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Nicolas Veron lạc quan cho rằng với các biện pháp trong sạch hóa hệ thống ngân hàng, nợ công, cùng với chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng euro “kể từ giờ là người khổng lồ đứng trên đôi chân bằng gạch hơn là đất sét”.

Theo thống kê, các nhà kinh tế của EC nhận thấy rằng đồng euro đang được 60 quốc gia sử dụng và là loại tiền tệ quan trọng thứ hai thế giới cả trên phương diện đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế, ngay sau đồng USD.

Những khó khăn phía trước 

Nguồn tin EC cho biết châu Âu không có tham vọng về việc đồng euro sẽ vươn lên thay thế đồng USD, nhưng muốn đưa ra sự lựa chọn giữa hai loại tiền tệ. Các lập luận ủng hộ đồng euro cũng xuất phát từ tính ổn định của đồng tiền này. Trong hơn 20 năm, đồng euro đã tỏ ra ổn định hơn so với đồng USD vốn luôn chịu áp lực rủi ro lớn hơn cả khi tăng hay giảm giá.

Ý tưởng về đồng tiền chiến lược nhận được sự ủng hộ của Pháp. Đây là lần đầu tiên EC nghĩ tới đồng euro như một công cụ chiến lược, chứ không chỉ đơn giản là một công cụ để tạo thuận lợi cho hoạt động của nền kinh tế. Trong thông điệp liên minh, Chủ tịch EC Jean Claude Juncker nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng đồng euro có thể đóng một vai trò thực sự trên trường quốc tế.

Pháp vốn rất tán thành giả thuyết trên và vì tình trạng thiếu cân bằng thương mại nên đã tích cực ủng hộ ý tưởng về một đồng tiền mạnh, cho phép hạn chế hậu quả của sự mất cân bằng thương mại. Tuy vậy, EC sẽ không đi quá xa với việc chỉ đơn thuần kêu gọi hoàn thiện liên minh kinh tế và tiền tệ để củng cố uy tín của đồng euro và đề xuất các giải pháp nhằm khuyến khích các chủ thể kinh tế sử dụng đồng euro.

Về phương tiện thanh toán, trao đổi thương mại quốc tế bằng đồng euro đã giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính. Bối cảnh hiện nay cho thấy tính độc lập của đồng euro và các chính sách kinh tế của châu Âu dường như không chắc chắn được bảo đảm so với đồng USD “toàn năng”.

Trong khi đó, EU hiện coi năng lượng là lĩnh vực then chốt có thể đảm bảo cho đồng euro. EC cũng đang xem xét yêu cầu các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu trong các thỏa thuận liên Chính phủ về năng lượng và phải giải thích nếu họ không sử dụng đồng tiền này. Tuy vậy, ngành năng lượng, vốn nhập khẩu nhiên liệu trị giá 300 tỷ euro mỗi năm vẫn được giao dịch bằng USD, đặc biệt phải đối mặt với sự biến động của đồng tiền này và đây là một yếu tố rủi ro. EU hiện có kế hoạch bắt đầu tham khảo ý kiến của các chủ thể kinh tế về vấn đề nhạy cảm này.

Ông Gilles Moec, chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch, nhắc lại mục tiêu ban đầu khi cho ra đời đồng euro. Trong những năm 1990, “điều quan trọng nhất đối với châu Âu trên bình diện kinh tế là cung cấp cho thị trường một đồng tiền duy nhất nhằm chấm dứt các biến động tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên và trên bình diện chính trị là giúp nước Đức thống nhất có cùng nhịp chèo với Tây Âu”.

Trong những năm qua, các nền kinh tế Eurozone đã nỗ lực hồi phục từ cuộc khủng hoảng nợ từng một thời đe dọa sự sống còn của đồng euro. Nhưng đà hồi phục này dường như đã có dấu hiệu chững lại. Số liệu mới nhất do công ty cung cấp dịch vụ thông tin tài chính toàn cầu IHS Markit công bố cho thấy Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) trong cả ngành chế tạo lẫn dịch vụ của Eurozone ở mức 51,1 trong tháng 12/2018. Dù con số này vẫn trên 50 (mốc phản ánh chiều hướng tăng trưởng), nhưng đã giảm so với 52,7 của tháng 11/2018. Chỉ số PMI về các hợp đồng tương lai cũng giảm từ 59,5 xuống mức thấp nhất trong hơn bốn năm là 59,1 vào cùng giai đoạn. Điều này cho thấy các nền kinh tế Eurozone nhiều khả năng sẽ "giảm tốc" hơn nữa trong năm 2019.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến