Dòng sự kiện:
Dự án đuổi chim bị chê đắt, Cục Hàng không nói gì?
06/04/2017 16:55:13
Cục Hàng không trả lời ra sao trước câu hỏi của một số chuyên gia về việc chỉ cần 500 tỉ là có thể triển khai dự án đuổi chim tại sân bay trong khi Cục đề xuất gần 1.000 tỉ đồng?

Tin liên quan

Trả lời báo chí, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng đã có chủ trương thực hiện từ lâu.

Theo ông Thanh, hai sân bay quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài cần có hệ thống phát hiện vật thể lạ, đảm bảo an toàn hàng không. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật để thay thế cho nguồn nhân lực hiện cứ phải thay nhau kiểm tra là cần thiết.

Ông Thanh cho biết, hiện nay trên thế giới, các nhà sản xuất cung cấp hệ thống phát hiện sinh vật lạ không nhiều và Cục đã nhận được 3 bảng báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài và đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét.

"Tôi cũng xin nói thêm, 3 bảng báo giá này chưa được kiểm chứng. Số tiền này cũng không phải là giá chính thức khi triển khai. Bởi khi thực hiện, chắc chắn Cục hàng không sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế”, ông Thanh nói.

Dự án đuổi chim bị chê đắt, Cục Hàng không nói gì?

Theo ông Thanh, ngoài việc tiếp nhận 3 bảng báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài, Cục cũng đang phối hợp với các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu hệ thống phát hiện vật thể lạ và các nhà khoa học cho rằng không quá khó để sản xuất loại máy này.

"Nếu các nhà khoa học có thể sản xuất được, Cục Hàng không sẽ lắp đặt thử nghiệm ở một đường băng. Chắc chắn hệ thống trong nước sản xuất sẽ rẻ hơn so với giá của 3 nhà sản xuất nước ngoài", ông Thanh cho biết.

Ông Thanh nhấn mạnh, hiện Cục đang tích cực đi theo hướng này. Trong trường hợp thử nghiệm thành công sẽ cho phép tham gia đầu thấu còn nếu chưa có sản xuất trong nước thì bắt buộc sẽ đấu thầu quốc tế một cách bình đẳng.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Dự án này có mục tiêu hạn chế và loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất-hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập và dự kiến triển khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM và Nội Bài - Hà Nội.

Theo thống kê, từ năm 2014 - 2016, đã có 156 vụ vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong đó riêng năm 2016, có tới 20 sự cố xảy ra do chim va và máy bay bị cắt lốp.

Cục Hàng không cho biết, đề xuất đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường cất-hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất không ngoài mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và máy bay đồng thời giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập.

Tổng mức đầu tư cho Dự án được đề xuất là gần 1.000 tỉ đồng, trong đó hệ thống tại Nội Bài là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất là gần 510 tỉ đồng. Do vốn ngân sách khó khăn nên Cục đề xuất 2 phương án Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư hoặc xã hội hoá theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong đó kiến nghị ưu tiên phương án giao ACV làm chủ đầu tư dự án. Cục Hàng không cho rằng ACV có thể sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để triển khai dự án hoặc kêu gọi đầu tư và thu xếp hoàn trả dần cho nhà đầu tư.

Về phương án hoàn vốn, theo Cục Hàng không, người khai thác phải trả tiền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bằng kinh phí trích từ doanh thu dịch vụ cất, hạ cánh hàng năm để cơ quan này trả cho nhà đầu tư. Mức kinh phí này được xác định dựa trên tổng mức đầu tư ban đầu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến 11%/năm) và thời gian khai thác hệ thống (tối thiểu 10 năm).

Theo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến