Dòng sự kiện:
Gian lận thi cử: 'Địa phương mà xử nghiêm có khác gì tự đánh vào mặt nên họ chần chừ'
16/05/2019 09:09:17
Vụ gian lận thi cử ở các tỉnh như: Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang… đã từng “dậy sóng” dư luận. Thế nhưng, cho đến nay dư luận đang cảm thấy vụ việc như lại đang lắng xuống…

“Tự đánh vào mặt mình”

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến vụ việc gian lận thi cử được truyền thông đưa tin. Theo đó, danh sách các thí sinh được nâng điểm cũng đã được công bố, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Thế nhưng, đến nay, nhiều người cảm nhận rằng dường như vụ việc đang lắng xuống, cũng không thấy địa phương nào ráo riết truy ra những phụ huynh có con được nâng điểm trong khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019 đang đến gần.

Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng các địa phương đang thiếu tinh thần làm quyết liệt việc này?

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học bày tỏ: “Thực tế, nếu địa phương làm mạnh chuyện này chẳng khác nào địa phương tự đánh vào mặt mình, cho nên địa phương chần chừ, nấn ná. Nhưng, tôi nghĩ rằng bộ Công an đã vào cuộc thì cần xúc tiến việc điều tra. Như Thủ tướng chỉ đạo đến ngày 25/5 phải có kết luận công bố những phụ huynh, những người liên quan đến vụ việc này.

Trên thực tế, cần phải có chứng cứ mới có thể làm tới được. Nhưng, chứng cứ cụ thể thì bộ Công an cần phải xúc tiến có kết quả điều tra. Khi đã có kết quả điều tra thì cần xử lý sau đó bộ GD&ĐT cũng mới xử lý được. Nên, hiện nay vẫn cứ phải chờ đến ngày 25/5”.

Danh sách 15/64 thí sinh Hòa Bình bị nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

TS. Lê Viết Khuyến cũng bày tỏ nỗi trăn trở của mình: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 cần làm cho tốt, tôi chưa thật yên lòng, mặc dù các giải pháp kỹ thuật đưa ra rất nhiều. Có hai điểm tôi đề nghị nhiều nhưng chưa ổn:

Thứ nhất, phải khẳng định trách nhiệm người đứng đầu thuộc về địa phương nếu để xảy ra việc khuất tất trong chuyện tổ chức thi. Những người đứng đầu địa phương chẳng ai chịu nhận, kể cả có liên quan đến con mình thì người đứng đầu vẫn có những lý do, nhưng không hề nhận trách nhiệm, hình thức kỷ luật. Bởi, việc tổ chức thi phân cấp về các địa phương, những chuyện diễn ra công khai, sửa điểm, móc nối nhau là do địa phương nên người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.

Thứ hai, giám sát xã hội chưa rõ ràng, có đặt camera nhưng kết quả báo cáo lại chỉ cho bộ Công an, bộ GD&ĐT, tất cả điều này là giám sát nội bộ. Vì thế, tôi đề nghị cần công khai nơi chấm thi, hội đồng thi, hình ảnh camera phải được phát cho những ai muốn tìm hiểu. Điều này sẽ có lợi khiến người dân cảm thấy minh bạch và người làm gian dối không dám làm chuyện ngang ngược. Nếu làm được 2 điều này, mùa thi năm nay mới thực sự yên ổn”.

Cũng nói về những giải pháp được đưa ra để chống gian lận thi cử, trong đó có việc đưa những giảng viên đại học ở các trường về coi, chấm thi. TS. Lê Viết Khuyến cho rằng việc này không ổn: “Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ xưa đến nay giao cho các trường THPT, các sở GD&ĐT, chứ không phải giao cho các trường đại học. Làm như vậy, đối với những giáo viên trước đây đi coi thi bị xúc phạm. Tôi chưa nói đến chuyện tốn kém tiền của. Nên, tôi nghĩ rằng giải pháp thực chất chỉ mang tính hình thức, chưa giải quyết triệt để”.

Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, Chuyên gia văn hoá, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh cũng cho biết ông cũng có cảm giác vụ việc gian lận này nóng được một thời gian, cho đến nay dường như lại đang “im ắng”.

“Việc gian lận thi cử thời gian qua được đưa ra trước công luận một thời gian, nhưng mấy nay lại không thấy nói gì, sau một thời gian lại chìm xuồng. Không chỉ có vụ này mà trước đó còn nhiều vụ việc khác, điều này khiến người dân mất niềm tin, cho rằng “đánh trống bỏ dùi””, ông Lương Ngọc Huỳnh cho biết.

Nói lên quan điểm của mình về vụ việc gian lận thi cử, ông Lương Ngọc Huỳnh cho hay vừa qua các trường có thí sinh gian lận điểm cũng đã công bố, phạt một số sinh viên.

Ông Huỳnh phân tích: “Thế nhưng, dư luận đang quan tâm đến việc khi khui ra điều này rồi hình thức xử lý sẽ như thế nào? Thời gian dài chưa thấy truy tố được phụ huynh của các học sinh được nâng điểm, chạy bao nhiêu tiền, ở đâu?

Điều này có phải các địa phương không ráo riết? Tôi cho rằng không phải không ráo riết nhưng ở đây vướng mắc hai vấn đề. Thứ nhất: Bệnh thành tích, địa phương nào cũng muốn giữ cho mình thành tích trong sạch… Nhưng, khi xảy ra vấn đề, truy đến cùng sẽ mất thành tích ảnh hưởng đến việc thăng tiến. Thứ hai, không loại trừ khả năng những người gian lận đang tìm cách chạy trọt để tránh ta tiếng.

Như vậy, để làm việc này, bản thân cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phải trong sạch trước. Tôi cho rằng, sự việc này nhiều cấp cần lên tiếng, để làm sao quyền giám sát của người dân đối với cơ quan Nhà nước được nâng lên. Quan điểm của tôi là hoàn toàn không đồng tình việc chậm đưa những tội danh về gian lận thi cử ra trước công chúng. Tôi cũng mong muốn các cơ quan có liên quan vào cuộc nhanh và sớm trả lại công bằng cho những thí sinh bị đánh thấp điểm xuống. Đồng thời, trả lời trước công luận về vấn đề này”.

Từ vụ việc trên, ông Huỳnh bày tỏ sự lo lắng: “Nếu không làm được điều này thì người dân sẽ mất niềm tin. Giáo dục là để giáo dục con người, nhưng nếu không có phương pháp giáo dục tốt thì đạo đức, lối sống của con người sẽ càng ngày càng tệ”.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến