Dòng sự kiện:
Gỡ rào cản cơ chế để đẩy nhanh xử lý nợ xấu
08/06/2020 19:00:46
Lãnh đạo VAMC cho biết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tranh thủ hỗ trợ tối đa từ các Bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu.

Lo ngại nợ xấu tăng do Covid

NHNN cho biết tình hình xử lý nợ xấu (XLNX) qua VAMC đã đạt được những kết quả tích cực. Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, VAMC đã phát huy vai trò quan trọng trong việc mua, bán, XLNX của hệ thống các TCTD góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay. Từ năm 2013 đến 31/3/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ của TCTD số tiền lũy kế là 335.620 tỷ đồng, tương ứng với dư nợ gốc nội bảng là 367.406 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập đến cuối tháng 3/2020, VAMC đã xử lý được số tiền là 272.246 tỷ đồng dư nợ gốc của TCTD, dư nợ gốc của TCTD còn lại phải xử lý là 95.160 tỷ đồng. Trong tổng số dư nợ gốc của TCTD đã được xử lý, VAMC phối hợp với các TCTD thu hồi được số tiền là 152.685 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, tiến trình xử lý nợ của VAMC thuận lợi hơn rất nhiều; kết quả đạt 91.381 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 3/2020.

Mặc dù đã xử lý được một bước quan trọng nhưng hiện nay theo đánh giá của NHNN, nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Do nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro củ̉a một số TCTD còn hạn chế.

Trong khi đó, hiện kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu về kiểm soát nợ xấu cũng như các mục tiêu khác đặt ra tại Đề án 1058, tiềm ẩn nợ xấu tăng.

Theo tính toán của NHNN, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I/2020 thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại của cả ngành Ngân hàng ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay.

Báo cáo Tác động của Covid-19 do FiinGroup mới công bố cho thấy lo lắng trên đã thành hiện thực, cho dù theo tổ chức này tỷ lệ nợ xấu chưa phản ánh hết tác động của Covid-19. Trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 18 ngân hàng niêm yết tăng từ 1,44% cuối quý IV/2019 lên 1,65%. Cũng trong quý đầu tiên của năm 2020, tỷ lệ tạo mới nợ xấu của 18 ngân hàng niêm yết là 0,23%, tăng mạnh so với 7 quý trước và tương đương mức quý I/2018.

“Tỷ lệ tạo mới nợ xấu (NPL formation rate) tính bằng thay đổi tổng nợ nhóm 3 - 5 trong quý chia cho dư nợ trung bình quý. Theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ 23/1-28/3/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu không có việc cơ cấu lại này, tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong quý I/2020 sẽ ở mức cao hơn. Điều này cũng sẽ tương tự trong các quý sau, khi đến 11/5/2020 con số dư nợ được cơ cấu lại đã là gần 138 nghìn tỷ đồng”, báo cáo của Fiin lý giải vì sao con số nợ xấu của các ngân hàng chưa tăng cao.

Tăng mua nợ theo giá thị trường

Trước tình hình nợ xấu đang tăng lên, các ngân hàng giảm lợi nhuận, gia tăng trích lập dự phòng, đồng thời giám sát chặt chẽ các khoản vay cả cũ lẫn mới. Còn VAMC cho biết, trong năm nay sẽ gia tăng mua nợ xấu theo giá trị thị trường lên thêm 1.000 tỷ đồng từ 4.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, mục tiêu năm nay là xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc và mua 15.000 tỷ đồng nợ xấu qua phát hành trái phiếu đặc biệt.VAMC cho biết sắp tới sẽ tập trung mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các tổ chức có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Động thái tăng mua nợ theo giá trị thị trường được đánh giá là phù hợp với thực tế cũng như kỳ vọng của thị trường đối với VAMC. Bởi nó giúp cho cơ quan này xử lý dứt điểm nợ xấu cho các TCTD. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn lực tài chính của VAMC vẫn đang khá eo hẹp. Đến ngày 27/11/2019, VAMC mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, lãnh đạo VAMC tiếp tục trình NHNN và các cơ quan có thẩm quyền duyệt tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng theo quy định tại Đề án 1058 về “Tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020” để bổ sung nguồn vốn và nâng cao năng lực tài chính nhất là mua nợ xấu theo giá thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính nhấn mạnh, việc tăng vốn cho VAMC là rất quan trọng. Bởi dự báo thời gian tới với tình hình nợ xấu phát sinh nhiều hơn, các ngân hàng sẽ bán thêm nhiều nợ xấu sang VAMC. Do vậy, công ty này cần có nguồn lực tài chính tốt mới mạnh dạn XLNX theo giá trị thị trường. 

Một giải pháp quan trọng khác trong năm nay của VAMC được lãnh đạo đơn vị này cho biết thêm là phát triển thị trường mua bán nợ, thiết lập, vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC. “VAMC vẫn đang triển khai xúc tiến việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ và tài sản; tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn giao dịch nợ. Đồng thời, xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư và tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung”, lãnh đạo VAMC cho biết và bày tỏ hy vọng, CLB này kết nối với các đơn vị trong và ngoài nước tăng cường nguồn lực đầu tư, tính thanh khoản cho thị trường mua bán nợ. Song song với đó, công ty chủ động tìm kiếm mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua, bán nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã mua được phân loại; công khai hoạt động mua, bán nợ xấu.

Mục tiêu là vậy, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, việc thành lập thị trường mua bán nợ vẫn đang gặp nhiều rào cản từ cả cơ chế lẫn thị trường. Trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, việc phát mãi TSBĐ là BĐS để thu hồi nợ xấu của các ngân hàng không hề dễ dàng. Các khoản nợ đã bán cho VAMC chủ yếu có TSBĐ là BĐS. Do đó, tốc độ XLNX phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường BĐS. Thực tế công tác phát mãi tài sản của VAMC và các ngân hàng thời gian qua cho thấy, khối BĐS càng có giá trị lớn càng khó phát mại. Bên cạnh đó thủ tục pháp lý xử lý, chuyển nhượng TSBĐ còn nhiều vướng mắc làm nhụt chí người mua. Nên dù ngân hàng nhiều lần hạ giá bán nhưng vẫn không có mấy nhà đầu tư quan tâm. “Đây là điểm nghẽn rất quan trọng cần phải được tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy thị trường mua bán nợ”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Để gỡ vướng mắc trên, về phía VAMC, lãnh đạo cơ quan này cho biết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tranh thủ hỗ trợ tối đa từ các Bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến XLNX, đặc biệt công tác thu giữ và xử lý TSBĐ, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết số 42.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến