Dòng sự kiện:
Halico: Sự xuống dốc khó hiểu, chào sàn bằng 1/7 mức giá thời đỉnh cao
05/06/2018 18:01:10
Từng được đại gia ngoại săn đón với mức giá hơn 200.000 đồng/cp, Halico chuẩn bị lên sàn khi đã là công ty "nát tươm".

Từng được đại gia ngoại săn đón với mức giá hơn 200.000 đồng/cp

CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico) tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Từ tháng 12/2006 chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48,5 tỷ đồng. Lần gần đây nhất, tháng 6/2010 công ty tiến hành tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 84,33%. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng tiếp vốn điều lệ.

Tính đến 19/3/2018 Halico có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội nắm giữ cổ phần chi phối 44,29%. Ngoài ra một tổ chức nước ngoài, Streetcar Investments Holdings Pte. Ltd thuộc tập đoàn bia rượu Diageo sở hữu 45,57%.

Sản phẩm chính hiện nay của công ty là các loại đồ uống có cồn, không cồn với các thương hiệu Lúa Mới Vodka Hà Nội, Bluebird… với hệ thống phân phối bán lẻ trên khắp cả nước và xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, Nhật, Hàn…

Vào năm 2011, thị trường chứng kiến một thương vụ đình đám khi một tập đoàn lớn đến từ Anh là Diageo đã bỏ ra 1.281 tỷ đồng để sở hữu 30% cổ phần của Halico (tương đương 213.600 đồng/CP). Đây là tập đoàn hoạt động trong ngành đồ uống có cồn hàng đầu thế giới, sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff... Năm 2011 cũng là thời điểm thị trường chứng khoán trầm lắng và hiếm có thương vụ bán vốn cho nước ngoài.

Lý giải về việc Diageo bỏ ra một số tiền lớn để mua cổ phần Halico, nhiều nhà đầu tư cho rằng có thể Diageo muốn thông qua công ty này để đưa các sản phẩm khác của mình thâm nhập thị trường đồ uống lên tới 90 triệu dân của Việt Nam.

Vào tháng 6/2012, Tập đoàn Diageo tiếp tục chi ra khoảng 14 triệu bảng Anh (tương đương 21,8 triệu USD) để mua 10,6% cổ phần của Halico với giá mua không đổi ở mức 213.600 đồng/CP, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Halico từ 34,97% lên 45,57%, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Habeco (sở hữu). Với mức giá như vậy, lúc đó Halico có vốn hóa lên tới gần 4.300 tỷ đồng. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Diageo và Habeco là không thay đổi. Toàn bộ số cổ phần của Diageo tại Halico do Streetcar Investment Pte Ltd (công ty con của Diageo) đứng tên nắm giữ. 

Lên sàn với khoản lỗ "gồng lưng" hơn 250 tỷ đồng

Đỉnh cao là vậy, thế nhưng, từ năm 2015 đến nay công ty liên tục thua lỗ do việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Doanh thu năm 2017 giảm sút hơn một nửa so với năm trước đó, còn số lỗ năm 2017 gấp 4 lần năm 2016, lên đến hơn 84 tỷ đồng.

BCTC hợp nhất năm 2017 thể hiện tính đến hết năm 2017 tổng tài sản công ty đạt 658 tỷ đồng, giảm 134 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả 98 tỷ đồng, giảm 50 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 558 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu 200 tỷ đồng. 

Halico còn hơn 613 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển. Tại thời điểm cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Halico là 250 tỷ đồng.

Đáng chú công ty vẫn nhận định 2 năm tiếp theo 2018 và 2019 vẫn sẽ lỗ với số lỗ lần lượt khoảng 58 tỷ đồng và 53 tỷ đồng. Công ty cũng không dự định sẽ tăng vốn trong năm tới đây.

Bất ngờ vào giữa tháng 4/2018, Ủy ban chứng khoán nhà nước thông báo Halico vừa trở thành công ty đại chúng và Trung tâm lưu ký đã chấp thuận đăng ký lưu ký cổ phiếu của công ty với mã chứng khoán HNR. Đây có thể là động thái để sớm đưa cổ phiếu của công ty lên giao dịch trên sàn Upcom trong thời gian tới.

Cụ thể hơn, ngày 8/6, 20 triệu cổ phần của Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico) sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 31.900 đồng/CP. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với con số 213.000 đồng mà đại gia ngoại Diageo đã từng bỏ ra để sở hữu 1 cổ phần của nhà sản xuất rượu hơn 100 tuổi này trong giai đoạn 2011 - 2012.

Điểm hấp dẫn chỉ có "đất vàng"?

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, điểm hấp dẫn của Halico khi lên sàn chính là số đất đai mà công ty đang quản lý. Trong số đó có hơn 868m2 đất tại số 28 Nhân Đồng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là đất thuê Nhà nước trả tiền hàng năm với thời hạn thuê 50 năm tính từ năm 1993, là đất dùng làm văn phòng làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Mảnh đất tại số 94 Lò Đúc Hà Nội rộng hơn 2.230m2 cũng là đất thuê Nhà nước trả tiền hàng năm với thời hạn 50 năm kể từ năm 1993 dùng làm văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Mảnh đất tại số 94 Lò Đúc Hà Nội rộng hơn 2.230m2 đang được Halico dùng làm văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm

Mảnh đất rộng hơn 9.655m2 tại số 238 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội sử dụng làm kho chứa hàng; mảnh đất rộng 150.000m2 tại Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn rượu, có thời hạn thuê đến năm 2054. Mảnh đây rộng 68.856m2 cũng tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh để xây dựng hồ sinh học xử lý nước thải với thời hạn thuê đất đến năm 2060.

Khu đất tại Khu Tái định cư Thanh Lộc, Thanh Khê, TP Đà Nẵng – là chi nhánh công ty tại Đà Nẵng – là lô đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ cá nhân. Và cuối cùng là lô đất số 26 Nguyễn Huy Tự, p Đa Kao, quận 1, Tp HCM rộng 180m2 dùng làm văn phòng làm việc và showroom giới thiệu sản phẩm. Đây là lô đất nhận chuyển nhượng từ Nhà máy Thủy điện Gò Vấp.

Tổng diện tích đất đai công ty đang quản lý sử dụng lên đến trên 233.709m2.  

Thu Hà

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến