Dòng sự kiện:
Hàng loạt dự án bị bỏ hoang vẫn tồn tại khó hiểu
14/07/2018 16:00:04
Rất nhiều dự án được phê duyệt có nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang tồn tại như một sự thách thức đối với quy định thu hồi dự án 12 tháng không đưa đất vào sử dụng.

Vào tháng 8 tới, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức một phiên họp riêng và yêu cầu UBND TP. Hà Nội giải trình về vấn đề thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện.

Ngay từ quý I/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã xác định có 537 dự án chậm, thậm chí có những dự án từ năm 1997.

Từ đó đến nay, thành phố đã tập trung chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của dự án còn tồn đọng. Trong đó, đã gia hạn với các dự án mà chủ đầu tư có đủ điều kiện, cam kết tiếp tục đầu tư; tháo gỡ khó khăn trong thủ tục, giải phóng mặt bằng; kết nối với các ngân hàng trong vấn đề vốn…

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh vẫn còn những dự án mà chủ đầu tư để thời gian kéo dài. Trước yêu cầu đó, nhìn vào thực tại trên địa bàn Hà Nội còn nhiều dự án đã được quay tôn nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện. Việc tồn tại của những dự án này cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi lớn.

Siêu dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên

Dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên được HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) duyệt quyết định đầu tư vào năm 2008. Thời gian đầu, dự án có quy mô 1.204,8 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Hà Tây sáp nhập với Hà Nội vì thế dự án phải tạm dừng triển khai

Đến tháng 5 năm 2010, TP.Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép PVR tiếp tục triển khai dự án này tại Công văn số 3362/UBND-XD ngày 13/5/2010, đồng thời cũng đã chấp thuận cho PVR lập quy hoạch 1/500 giai đoạn 1 với nhiệm vụ giảm quy mô từ 1204,8 ha xuống 183,6 ha.

Tiếp đó, tháng 11/2010, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản về việc thẩm định đồ án quy hoạch 1/500 dự án này, và yêu cầu điều chỉnh quy hoạch 1/500 để Sở thẩm định và trình UBND Thành phố phê duyệt.

Siêu dự án Tản Viên vẫn đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500

Do quy mô về dự án thay đổi nên quy hoạch 1/500 của dự án này giai đoạn 1 sẽ được lập lại, với quy mô sẽ giảm từ 1204,8 ha xuống 183,6 ha. Tổng mức đầu tư hơn 4.690 tỷ đồng xuống còn hơn 3.453,6 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án Tản Viên sẽ được xây dựng tại khu vực các đảo lòng hồ Suối Hai, huyện Ba Vì, Hà Nội. Quy mô dự án 183,6 ha (giai đoạn 1) trong đó 158,3 ha các đảo lòng hồ Suối Hai, và khoảng 25,3 ha là phần đắp mở rộng các đảo.

Ngoài các khu vực sân golf, resort, khu cây xanh, giao thông, khu nhà hàng, khách sạn, bugalow,…, dự án còn có tổng số khoảng 500 căn biệt thự, trong đó có 175 căn biệt thự nghỉ dưỡng.

Mặc dù vậy, theo báo cáo ngày 15/9/2017 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tới nay, dự án mới hoàn tất khoảng 90% khối lượng đo đạc theo cốt nước +24,85m của hồ Suối Hai và đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch để hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết của dự án gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định. Dự kiến, nếu tất cả thuận lợi, phải trong quý I/2018, quy hoạch này mới trình UBND TP Hà Nội phê duyệt!

Còn theo kết quả giám sát mới nhất của HĐND TP.Hà Nội, dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt quy hoạch từ năm 2007. Nhà đầu tư là Công ty CP kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.565 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến là năm 2010.

Tính từ thời điểm được phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 đến nay, dự án đã được triển khai hơn 10 năm nhưng nhà đầu tư vẫn đang... điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.

Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt “ôm đất” rồi bỏ hoang

Năm 2004, Licogi được UBND TP Hà Nội tạm giao 351.618 m2 đất các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai để thực tổ chức lập phương án GPMB, chuẩn bị triển khai dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Sau đó 2 năm, Hà Nội chính thức bàn giao diện tích đất trên cho Locogi thực hiện dự án.

Tuy nhiên, suốt từ 2005 cho đến nay (gần 14 năm), dự án khu đô thị này vẫn dậm chân tại chỗ. Điều đáng nói, việc chậm triển khai dự án nhiều năm đã khiến đời sống của người dân sống trong khu vực quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng xuống cấp, môi trường sinh sống tạm bợ, ô nhiễm…  

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt đang tồn tại một cách khó hiểu

Hiện tại, dự án còn 59.626 m2 đất chưa thu hồi xong GPMB. Dự kiến sẽ hoàn thành việc GPMB toàn bộ dự án trước ngày 30/7/2018 để giao đất giai đoạn 1 cho nhà đầu tư. Trung tâm Quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, nguyên dân dẫn tới vướng mắc trong GPMB là do dự án có sự rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung; di dời mộ; thời gian thực hiện GPMB trải qua nhiều chính sách định giá, hỗ trợ…

Theo Quy định hiện hành, sau 12 tháng liền kề từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ lập hồ sơ, trình thành phố thu hồi đất đã giao. Nhưng thực tế, dự án khu đô thị Thịnh Liệt bỏ hoang 14 năm này vẫn chưa bị thu hồi khiến dư luận đang đặt ra nhiều nghi vấn. 

Dự án bệnh viện "đắp chiếu" gần 8 năm

Dự án Bệnh viên Đa khoa Quang Trung được TP cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Bệnh viện đa khoa Quang Trung ngày 4/10/2007. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 500 giường, giai đoạn 2 là 700 giường nhằm xây dựng bệnh viện để cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao (mang tính kinh doanh).

Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra việc chấp hành luật đất đai đối với Cty CP Bệnh viện đa khoa Quang Trung được giao đất tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai để thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện đa khoan Quang Trung, dù đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận, có quyết định cho thuê đất thực hiện dự án nhưng Cty CP Bệnh viên đa khoa Quang Trung – chủ đầu tư dự án, chưa thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư.

Dự án bệnh viện Đa khoa Quang Trung vẫn chưa triển khai

Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung chưa liên hệ với Sở Tài chính và Cục Thuế Hà Nội để xác định tiền sử dụng đất và làm thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất (nếu có) theo quy định.

Việc dự án chậm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chính do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung không chứng minh được năng lực và không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai và dự án đã chậm 95 tháng (gần 8 năm) so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt.

Theo Quy định hiện hành, sau 12 tháng liền kề từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ lập hồ sơ, trình thành phố thu hồi đất đã giao. 

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến