Dòng sự kiện:
Hết lực đẩy, dầu tiếp tục giảm
18/11/2015 09:42:07
ANTT.VN – Những lo ngại về việc Pháp và Nga không kích Quốc gia Hồi giáo IS đã không thể giúp dầu có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp.

Tin liên quan

Dầu thô đang hướng xuống đáy cuối tháng 8. Nguồn: Nasdaq

Cụ thể, trên sàn New York, dầu WTI giao tháng 12 giảm 2,6% xuống mức 40,67 USD/ thùng, cuốn phăng thành quả từ ngày giao dịch trước đó (tăng 2,5%), rơi xuống đáy kể từ hôm 26/8. Dầu Brent cũng mất 2,2%, chốt phiên giao dịch ở mức 43,57 USD/ thùng ở London.

Như vậy đúng như dự báo trong bài phân tích hôm qua, những lực đẩy đối với giá dầu là quá mỏng so với mối lo ngại dư cung tiếp tục căng thẳng.

Xem: Pháp không kích trả đũa IS, dầu đảo chiều tăng mạnh

“Dầu đã tận dụng được bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, đặc biệt là cuộc xung đột ở Syria để đảo chiều tăng điểm hôm thứ hai. Tuy nhiên những dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ gần như sẽ tăng tuần thứ 8 liên tiếp, bên cạnh việc dư cung trên toàn cầu vẫn diễn biến căng thẳng sẽ tiếp tục đè nặng lên giá dầu”, Robbie Fraser, chuyên gia cao cấp tại Schneider cho biết.

Trong lúc này, giới đầu tư đang trông chờ báo cáo sản lượng hàng tuần của Viện Dầu lửa Mỹ (API) và Cục Năng lượng Mỹ (EIA).

“Thị trường đang mong chờ mức sản lượng tăng thêm không vượt quá 2 triệu thùng của Mỹ trong tuần qua. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 7 tuần liên tiếp, và nếu tiếp tục tăng trong tuần vừa rồi, giá dầu chắc chắn sẽ tiếp tục đi xuống”, Fraser nhận định.

Những cuộc không kích của Pháp và Nga chỉ mang ý nghĩa "động viên" giới đầu tư dầu mỏ. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, việc Pháp và Nga dồn dập không kích các căn cứ địa của IS trong những ngày qua dường như đã hết hiệu ứng đối với mặt hàng vốn rất nhạy cảm này.

“Mỹ cùng đồng minh đã không kích IS liên tục trong hơn một năm nay. Nên việc Pháp có tăng cường hoạt động quân sự ở Syria thì cũng hầu như chẳng ảnh hưởng tới sản xuất trong khu vực”, đại diện ngân hàng Commerzbank cho biết.

Trong một diễn biến khác đáng chú ý, số liệu cho thấy sản lượng của Ảrập Xêút – nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời là “anh cả” trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – đã giảm tháng thứ ba liên tiếp. Mặc dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy OPEC sẽ đảo chiều chính sách cạnh tranh của mình, vốn chủ trương “mở van hút dầu với năng suất cao nhất” nhằm chiếm lại thị phần và triệt hả các đối thủ, đặc biệt là ngành công nghiệp đá phiến Mỹ.

“Mặc dù sản lượng của OPEC có giảm, tuy nhiên nếu coi đây là một dấu hiệu cho việc thay đổi chiến lược cạnh tranh của họ thì thật sai lầm”, Margaret McQuaile, chuyên gia cao cấp tại Platts, nhận định.

Nghi Điền

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến