IMF: kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản “ốm yếu” đe dọa châu Á-Thái Bình Dương
07/05/2015 16:51:17
ANTT.VN – Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, các khoản nợ chất dồn, sự tăng giá của đồng bạc xanh và màn thể hiện “ốm yếu”, không được như mong đợi của Trung Quốc, Nhật Bản là những nguy cơ cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tin liên quan

Các khoản nợ tăng, sự mạnh lên của đồng bạc xanh cùng sự thể hiện yếu hơn mong đợi của kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản có thể tăng rủi ro cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngay cả khi đó vẫn là những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.

Theo kết quả cuộc khảo sát kinh tế hàng năm IMF đưa ra hôm thứ Năm, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể tăng trưởng 5,6% năm 2015 và 5,5% trong năm 2016. Giá cả hàng hóa thấp, thị trường lao động dồi dào và sự phục hồi của Mỹ và châu Âu sẽ là một tín hiệu tốt cho khu vực.

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng sự yếu đi của Trung Quốc và Nhật Bản có thể gây ảnh hưởng đến khu vực, trong khi sự mạnh lên của đồng bạc xanh có thể khiến nhiều quốc gia “ngợp” với các khoản nợ bằng đồng USD.

"Trong khi triển vọng khu vực châu Á và Thái Bình Dương vẫn còn vững chắc, cán cân rủi ro lại có xu hướng đi xuống", IMF cho biết.

Dự báo của IMF nói cách khác cũng không có nhiều tuơi sáng hơn so với một số nhà kinh tế khác - những người cho rằng tăng trưởng khu vực sẽ ở mức dưới 5% trong năm nay. Nhà kinh tế Rajiv Biswas của IHS Global Insight tin rằng châu Á sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2015 do sự yếu đi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ được bù lại bởi sự tăng mạnh sản xuất ở Nhật Bản và Ấn Độ.

“Giá dầu trung bình đã thấp hơn một cách đáng kể trong năm 2015 so với năm 2014 cũng là một yếu tố tích cực, bởi hầu hết các nền kinh tế Châu Á đều là những nhà nhập khẩu lớn về dầu và khí đốt”, ông Biswas cũng nói thêm.

Theo IMF, giá năng lượng thấp góp phần khiến thu nhập cá nhân thực tế cao hơn, đóng góp 1,7% vào tăng trưởng khu vực năm 2015.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được cho là sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay trong bối cảnh phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Giá cả hàng hóa thấp, thị trường lao động dồi dào và sự phục hồi của Mỹ và châu Âu sẽ là một tín hiệu tốt cho khu vực

Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng của khu vực có thể bị cắt giảm bởi những biến động đáng kể trong thị trường tài chính toàn cầu, hoặc các nước Châu Á không có khả năng thực hiện cải cách cơ cấu trong dài hạn. Trong số những cải cách này bao gồm việc khuyến khích lao động nữ tại Nhật Bản tham gia rộng rãi hơn vào nền kinh tế, cải cách sâu sắc hơn đối với các công ty nhà nước ở Trung quốc và giảm tắc nghẽn trong cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ.

Đến nay, việc gia tăng các khoản nợ tại Châu Á mà dường như có thể kiểm soát được đã tạo điều kiện thuận lợi về tài chính và cùng với đó là tăng thu nhập trên thực tế. Tuy nhiên, thị trường bất động sản yếu ở nhiều quốc gia cùng các khoản nợ chất dồn là những vấn đề rất đáng quan ngại.

Các nhà kinh tế khác cho biết, họ không nhận thấy nợ của khu vực đang tăng cùng với mức độ phát triển. Chỉ từ năm 2007 đến 2014, tỷ lệ nợ của Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên mức trên 200% tổng sản phẩm nội địa, và nợ công của Nhật Bản cũng ở mức 250% GDP.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp tục việc nợ nần như thế này. Nó cần phải được kìm chậm lại”, nhà kinh tế học Klaus Baader cho biết. "Nhưng nếu chúng ta đặt nó cạnh tốc độ tăng trưởng GDP thì tôi không nghĩ rằng điều đó là không bền vững”.

IMF cho biết, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Châu Á -  Thái Bình Dương, khu vực chiếm gần 2/3 tăng trưởng của toàn cầu trong năm ngoái, có khả năng giảm lãi suất và tăng chi tiêu của Chính phủ nếu việc kích thích tạm thời là cần thiết. Mặc dù vậy, Quỹ tiền tệ quốc tế cũng tin rằng phần lớn các chính sách lãi suất là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, IMF cũng nhận định, đừng hy vọng khu vực này có thể sớm trở lại mức tăng trưởng như trước cuộc khủng hoảng năm 2009 bởi năng suất lao động cũng như độ tuổi trung bình của dân số Châu Á. “Tiềm năng tăng trưởng của khu vực đã chậm lại”.

Thanh Hương (Theo WSJ)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến