Dòng sự kiện:
Khó kiểm soát công trình tự gắn mác 'xanh'?
14/11/2017 06:23:44
Thị trường Việt Nam có hàng trăm dự án được gắn mác “công trình xanh”, trong khi những công trình xanh thực sự được kiểm chứng bởi tiêu chuẩn rất khắt khe thì vô cùng ít.

Trong bối cảnh hiện này nhiều chủ đầu tư khi xây dựng các dự án chung cư cao tầng đã áp dụng triệt để yếu tố xanh vào công trình, nhằm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm và đẩy giá bán lên so với chung cư cùng loại.

Và có thể thấy công trình “xanh” đang là một xu thế cho thị trường BĐS. Nổi bật lên là những dự án được quan tâm tại Hà Nội, như dự án EcoLife Capitol, Discovery Complex, Thăng Long Garden, Anland Complex, Bidhomes The Garden Hill, Chung cư 349 Vũ Tông Phan… Một dự án khác cũng tràn đầy yếu tố xanh khi được quảng bá trong thời gian vừa qua, đó là Mulberry Lane do Tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore - CapitaLand kết hợp với công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành làm chủ đầu tư. 

Dù là dự án được xây dựng trên khoảng diện tích lớn hay nhỏ thì hầu hết đều có đủ vườn hoa, sân chơi, cây xanh, mặt nước, không hồ điều hòa thì hồ bơi… Những dự án này có đặc điểm là ngay từ cái tên của dự án cũng nhấn mạnh đến yếu tố “xanh” như “Eco” (sinh thái), “Green” (xanh), “Nature” (thiên nhiên), Garden (khu vườn)…

Xu hướng "công trình xanh" đang bị lợi dụng?

Theo giới chuyên gia nhận định, một dự án được nhận là xanh có nghĩa họ đã đạt được những tiêu chuẩn thực chứng nào đó. Hiện tại Việt Nam có khá nhiều các tiêu chuẩn xanh được lưu hành như: Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ),..

Mặc dù hiện tại Việt Nam có hàng trăm dự án được gắn mác “công trình xanh”, tuy nhiên, những công trình xanh thực sự được kiểm chứng bởi những tổ chức uy tín nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay với những tiêu chuẩn rất khắt khe.

Các hệ thống đánh giá công trình xanh là các hệ tiêu chí mà các tổ chức/quốc gia xác lập nhằm định nghĩa cách rõ ràng nhất thế nào là một công trình xanh. Với mọi khía cạnh xanh được cụ thể hóa và đo đếm được, các hệ thống có thể áp đặt hệ tính điểm để so sánh mức độ xanh của công trình khác. Đặc biệt, sự xuất hiện của hệ thống đánh giá khoa học sẽ giúp chấm dứt tình trạng tẩy xanh (green wash) với các sản phẩm tự gắn mác “xanh” nhằm mục đích quảng cáo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Theo PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên – CEO Viện nghiên cứu và phát triển đô thị Xanh, bên cạnh những tổ chức, doanh nghiệp...đang nỗ lực hướng tới những sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, không ít hiện tượng mượn cái mác “xanh” để trục lợi từ các chính sách ưu đãi hoặc để tạo ta vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không hề thực chất.

Ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho biết: “Chính phủ đã có Chiến lược Tăng trưởng Xanh với hàng loạt Chương trình hành động đa dạng đa ngành....Những năm qua, Bộ Xây dựng, Hiệp hội BDS Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ quốc tế như IFC-WB, USAID,...đã có nhiều hoạt động thiết thực và cũng đạt được những kết quả rõ rệt trong tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, số lượng căn hộ được thiết kế xanh, được cấp chứng chỉ căn hộ xanh... còn rất hạn chế ở Việt Nam”.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến