“Không phải 174 nghìn sinh viên chưa có việc làm đang ngồi chơi”
20/11/2014 08:14:16
ANTT.VN – “Với góc độ là quản lý nhà nước, quản lý lao động tôi hiểu không phải 174 nghìn lao động này ra trường đang ngồi chơi. Tất nhiên họ phải có một việc làm, ví dụ trong số này khoảng 60% ở khu vực nông thôn trong lúc chưa có việc làm thì họ về nông thôn, giúp cha mẹ làm trên các điều kiện của gia đình để kiếm sống…”

Tin liên quan

9 tháng năm 2014 nợ bảo hiểm 7 nghìn tỷ đồng

Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc nợ bảo hiểm xã hội hơn 7 nghìn tỷ đồng là do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, do đó ông đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ – TB – XH Phạm Thị Hải Chuyền làm rõ vấn đề này và bình luận thêm về việc thanh tra đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong dự thảo về BHXH mà Bộ này trình Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải thích: Số nợ bảo hiểm xã hội là 7 nghìn tỷ đồng và nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 6 trăm tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân để xảy ra nợ đọng bảo hiểm, trong đó có nguyên nhân là trách nhiệm của người sử dụng lao động không nghiêm túc và cũng có một số doanh nghiệp còn khó khăn, ngay việc trả lương cũng khó. Bên cạnh đó, có trường hợp mức xử phạt doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội còn nhẹ nên doanh nghiệp cố tình nợ còn hơn là đi vay ngân hàng.

Theo Bộ trưởng Chuyền, tầm tháng 7, 8 số nợ bảo hiểm tăng cao nhưng từ tháng 9 - 11 thì tỷ lệ nợ giảm đi, tính riêng từ tháng 8 – 9 đã giảm nợ hơn 200 tỷ đồng.

Tính đến quý 3 năm 2014 có 174 nghìn sinh viên ra trường không có việc làm (Ảnh minh họa/nguồn news.zing.vn)

Thêm một nguyên nhân nữa là do việc tổ chức công đoàn ở các địa phương không phản ánh kịp thời vấn đề này, “chúng tôi đề nghị tới đây công đoàn phải kiên quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động, phải thực hiện đóng bảo hiểm và nếu phản ánh kịp thời các cơ quan chức năng việc doanh nghiệp chây ỳ nộp bảo hiểm thì sẽ sớm xử lý được các doanh nghiệp này”. Bộ trưởng Chuyền nói.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ – TB – XH , trong toàn ngành hiện có trên 400 cán bộ công nhân viên chức là cán bộ thanh tra, ở Bộ có 55 cán bộ thanh tra, ở mỗi địa phương có từ 5 – 7 người, với tổng số cán bộ như nhưng phải đảm nhận việc thanh tra nhiều lĩnh vực như lĩnh vực lao động việc làm, người có công, giảm nghèo, bảo trợ xã hội…

“Do đó, trong dự thảo luật lần này Bộ LĐ – TB – XH đồng ý với đề xuất giao cho BHXH thực hiện thanh tra về thu bảo hiểm. Còn thanh tra nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm, thực hiện chính sách bảo hiểm thì Bộ LĐ – TB - XH vẫn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này”. Bộ trưởng Chuyền giải thích.

Trả lời câu hỏi thứ hai của ĐB Minh về việc tồn tại song song hai loại trường giáo dục nghề nghiệp hiện nay, nhiều trường mở ra không có người học, người học ra không đáo ứng được yêu cầu cần học, gây lãng phí trong đầu tư công và chính sách an sinh xã hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện tại ở các huyện đã có các trung tâm và các trường nghề, theo quyết định 1956 của Chính phủ quy định các huyện phải có các trung tâm để thực hiện nhiệm vụ là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc mở các trường nghề là dựa trên cơ sở yêu cầu của từng tỉnh, từng ngành, thực hiện theo quy hoạch của địa phương. Còn phía nhà nước chỉ hỗ trợ các trung tâm dạy nghề cấp huyện, các trung tâm này được hỗ trợ với các mức là 7 tỷ, 9 tỷ và 12 tỷ, tùy các điều kiện ở các huyện, các vùng có 3 mức hỗ trợ như trên.

“Như vậy, việc quyết định xây dựng các trung tâm là thuộc chỉ đạo của các địa phương, tỉnh và huyện, Chính phủ chỉ có chương trình hỗ trợ để xây dựng các trung tâm này”.

Còn  về việc hiện các huyện đã có trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp lại thêm trung tâm dạy nghề có lãng phí hay không? Theo Bộ trưởng Chuyền, thực sự các trung tâm hoạt động chưa hiệu quả, hồi tháng 9/2014 Chính phủ đã họp và có nghị quyết sáp nhập ba trung tâm cấp huyện vào làm một.

Bộ trưởng Chuyền cho biết thêm, việc sáp nhập đã được đề cập từ năm ngoái, tuy nhiên do chưa đủ quy định pháp quy nên chưa thực hiện được đồng bộ ở các địa phương. Trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ vừa rồi, Bộ LĐ – TB – XH đã được giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đi vào thực hiện trong thời gian tới. Việc đặt tên trung tâm này như thế nào, sẽ dựa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với hệ thống đào tạo theo quy định của pháp luật.

ĐB Trương Minh Hoàng xin ý kiến Bộ trưởng về việc một số doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ có sự phân biệt địa phương trong tuyển dụng lao động, hướng giải quyết tạo sự bình đẳng cho người lao động trong việc tiếp cận việc làm và đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao có 174 nghìn lao động tốt nghiệp đại học chưa có việc làm và trách nhiệm của Bộ LĐ – TB – XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự báo cung cầu và và định hướng chất lượng lao động được đào tạo.

Trước phản ánh một số doanh nghiệp có sự phân biệt địa phương trong tuyển dụng, Bộ trưởng Chuyền bức xúc, “trước hết ở góc độ quản lý, tôi hoàn toàn phản đối việc phân biệt tiếp nhận lao động. Trong quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động được quyền lao động ở tất cả địa phương trên cả nước khi nghề nghiệp đó phù hợp với họ. DN nào có phản ánh về việc phân biệt lao động chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị ấy phải rút ngay việc này, tôi nghĩ đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với những người sử dụng lao động và cũng là bảo vệ quyền cho người lao động”.

Đã đi làm thì việc gì cũng rất tốt, rất vinh quang

Trả lời câu hỏi thứ hai của ĐB Hoàng, Bộ trưởng Chuyền cho biết: Trong một năm tuyển sinh đào tạo thì tuyển sinh dạy nghề khoảng 220 – 230 nghìn sinh viên, còn tuyển sinh hệ cao đẳng trở lên khoảng 500 – 600 nghìn sinh viên. Như vậy, một  năm chúng ta có khoảng trên 800 nghìn sinh viên ra trường.

Theo Bộ trưởng Chuyền, số sinh viên này ra trường rất cần có việc làm và muốn có thu nhập, nhất là những gia đình phải vay tiền cho con đi học, tuy nhiên có một thực tế đặt ra đó là tốc độ phát triển kinh tế không đạt được như mong muốn, nếu tình hình kinh tế không khó khăn thì đã không có hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản và số 174 nghìn lao động qua đào tạo cũng có thể tìm được việc làm.

Bên cạnh đó, việc đào tạo cũng có hạn chế nhất định và việc đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, nghề có trình độ cao của một số doanh nghiệp nước ngoài chúng ta còn hạn chế.
Bộ trưởng Chuyền cho rằng, ngành giáo dục ngoài bám vào chiến lược phát triển đào tạo của Chính phủ thì cũng được giao chỉ tiêu hàng năm, nhưng rõ ràng là giữa đào tạo và thị trường lao động chưa gắn kết, vì vậy chưa đáp ứng được lao động ra có việc làm.

“Với góc độ là quản lý nhà nước, quản lý lao động tôi hiểu không phải 174 nghìn lao động này ra trường đang ngồi chơi. Tất nhiên họ phải có một việc làm, ví dụ trong số này khoảng 60%  ở khu vực nông thôn trong lúc chưa có việc làm thì họ về nông thôn, giúp cha mẹ làm trên các điều kiện của gia đình để kiếm sống. Nhiều sinh viên đã năng động, chủ động tự tìm việc làm hoặc về làm tại các doanh nghiệp địa phương, điều này cũng là bình thường. Các đồng chí bình luận sao phải giấu bằng đại học để đi làm, tôi nghĩ đã đi làm thì bất cứ việc gì cũng rất vinh dự, rất tốt, rất vinh quang”. Bộ Trưởng Chuyền nêu quan điểm.

Kiều Chinh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến