Dòng sự kiện:
Kiểm toán nhập cuộc, lợi nhuận nhiều DN 'bốc hơi' nghìn tỷ, kẻ 'bốc lỗ' quá tay
08/09/2020 16:45:20
Trong mùa báo cáo kiểm toán nửa đầu năm ghi nhận nhiều doanh nghiệp lợi nhuận đột ngột 'bốc hơi' tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng so với con số trong báo cáo tự lập. Cũng có không ít doanh nghiệp 'đổi vận' sau soát xét.

Thống kê cho thấy, 526 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận tổng lãi ròng hơn 29.400 tỷ đồng, giảm gần 1.123 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Trong đó, 136 doanh nghiệp có lãi giảm sau soát xét, 30 doanh nghiệp tăng lỗ, 8 doanh nghiệp lãi chuyển lỗ, 3 doanh nghiệp lỗ chuyển lãi, 101 doanh nghiệp tăng lãi và 9 doanh nghiệp giảm lỗ sau soát xét.

Lợi nhuận "bốc hơi" nghìn tỷ sau soát xét

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) của ông Lương Trí Thìn vừa gây xôn xao giới đầu tư tài chính khi công bố BCTC hợp nhất bán niên được kiểm toán bởi E&Y khi chuyển từ lãi thành lỗ đậm trong nửa đầu năm 2020.

Cụ thể, nếu tại báo cáo tự lập, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Đất Xanh đạt 38 tỷ đồng thì sau khi kiểm toán đã chuyển thành... lỗ 488 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong quá trình soát xét, E&Y đã xác định khoản chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư LDG (mã: LDG) thực hiện vào tháng 7 là phát sinh sau niên độ và yêu cầu Đất Xanh phải trích lập dự phòng 526 tỷ đồng khiến chi phí tài chính gấp 4,4 lần trước kiểm toán.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (HOSE: LGL) cũng công bố BCTC hợp nhất bán niên sau soát xét với mức lỗ ròng tăng gấp 10 lần sau soát xét.

Đáng chú ý, những khoản chi phí đã được điều chỉnh với mức giá vốn hàng bán tăng vọt 94% lên gần 99 tỷ đồng. Điều này khiến Long Giang Land lỗ gộp gần 25 tỷ đồng. Cộng với các chi phí hoạt động, công ty lỗ thuần gần 63 tỷ đồng, trong khi số lỗ trên báo cáo tự lập chỉ hơn 9 tỷ đồng. Qua đó, LGL ghi nhận mức lỗ ròng mới hơn 58,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Công ty báo lãi đến 37 tỷ đồng.

Chung số phận, sau soát xét bán niên 2020, lỗ ròng của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) nâng lên gần 20 tỷ đồng, gấp 3 lần con số trong báo cáo tự lập trước đó, chủ yếu do điều chỉnh khoản thu tài chính.

So với trước soát xét, khoản thu tài chính 6 tháng đầu năm của TDH ghi nhận điều chỉnh giảm 28% về mức 61 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý được điều chỉnh tăng 12% lên gần 54 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản lợi nhuận khác còn chuyển từ lãi sang lỗ 2,8 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB, mã: GAB) cũng vừa công bố BCTC kiểm toán bán niên 2020 với doanh thu từ hoạt động tài chính (lãi tiền gửi, tiền cho vay) bị điều chỉnh giảm 42%, từ 1,85 tỷ đồng trong báo cáo tự lập xuống còn 1,1 tỷ đồng trong báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, chi phí bán hàng ghi nhận tăng từ 2,1 tỷ đồng lên thành 2,5 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của FLC GAB chỉ còn 554 triệu đồng, giảm 61% so với báo cáo tự lập.

Hay như trường hợp của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), BCTC soát xét bán niên 2020 vừa công bố cũng cho thấy mức chênh lệch số liệu lãi ròng của cổ đông công ty mẹ giảm mạnh 73%, từ 55,5 tỷ đồng còn hơn 15 tỷ đồng.

Công ty này ngay sau đó cũng đã đính chính lại, lãi ròng của cổ đông công ty mẹ KBC chỉ giảm 8% thay vì 73% theo như báo cáo soát xét công bố trước đó. Cụ thể, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đạt 50,9 tỷ đồng thay vì 15 tỷ đồng; ngược lại, lãi ròng của cổ đông không kiểm soát điều chỉnh giảm từ 90 tỷ đồng về 54 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận đột ngột "bốc hơi" tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng so với con số trong báo cáo tự lập     

Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố BCTC bán niên soát xét hợp nhất, ghi nhận các chỉ tiêu hoạt động không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, do có sự nhầm lẫn khi xác định số thuế phải nộp đã khiến lãi sau thuế của QCG điều chỉnh giảm gần 16% sau soát xét, về gần 41 tỷ đồng. Lãi ròng của QCG theo đó giảm chỉ còn 19 tỷ đồng, tức giảm 29% sau soát xét (con số tự lập là 26 tỷ đồng) và giảm đến 49% so cùng kỳ.

Thậm chí như Vietjet Air – hãng hàng không của nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo cũng không phải ngoại lệ khi lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm 36% so với báo cáo tự lập của doanh nghiệp.

Hay như CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ sau soát xét âm tới 1.582 tỷ đồng, cao hơn 34 tỷ đồng so với con số tự lập.

FLC cho biết, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, nên giá vốn hàng bán gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, thuê văn phòng, căn hộ… của mảng kinh doanh hàng không, khác sạn và du lịch tăng 40%. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của Công ty giảm mạnh 60% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Công ty ghi nhận dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn tới hơn 1.408 tỷ đồng, gấp tới 91 lần so với cùng kỳ khiến chi phí tài chính của Công ty tăng lên mức hơn 1.580 tỷ đồng.

Doanh nghiệp "đổi vận" sau soát xét

Trong bức tranh chung của toàn ngành, kết quả soát xét khá "ảm đạm", tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận có lãi tăng cũng như thoát khỏi con số lỗ sau soát xét.

Dẫn đầu trong top tăng lãi mạnh sau soát xét là CTCP Sara Việt Nam (HNX: SRA) với lãi gấp 50 lần so với con số trong báo cáo tự lập. Tuy nhiên, kết quả vẫn giảm so với cùng kỳ. Trong đó, SRA ghi nhận doanh thu đạt 156 tỷ đồng và lãi ròng gần 17 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 58% so cùng kỳ. Việc thua lỗ cổ phiếu AMV của Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV) góp phần không nhỏ vào đà đi lùi của SRA.

Được biết, SRA đã bán hết khoản chứng khoán với giá trị hơn 16 tỷ đồng (tính tại đầu năm 2020 và chấp nhận thua lỗ). Nhìn rộng ra trước đó, giá trị khoản đầu tư này cũng đã giảm phân nửa trong năm 2019.

Theo số liệu công bố tại báo cáo soát xét, kết quả kinh doanh của Xây dựng Hòa Bình đã thay đổi với lợi nhuận đã tăng thêm vài tỷ đồng nhưng lại tương đương mức tăng vài chục phần trăm so với báo cáo tự lập. 

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận thêm 20 tỷ đồng lên 5.411 tỷ đồng, vẫn giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp nhờ đó tăng lên giúp công ty báo lãi sau thuế 9,4 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là hơn 13 tỷ đồng, cao hơn 75% so với con số lãi 7,4 tỷ đồng tự lập trước đó.

Sau kiểm toán, số lỗ sau thuế của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã giảm từ 1.080 tỷ đồng xuống còn 692,5 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) ghi nhận trên BCTC lỗ thuần 63 tỷ đồng và lỗ sau thuế 134 tỷ đồng (lỗ 152 tỷ đồng và lỗ 132 tỷ đồng trước soát xét). Phần lợi nhuận mà cổ đông Công ty mẹ nhận được là hơn 107 tỷ đồng (trước đó lỗ 48 tỷ đồng).

Đáng chú ý, mặc dù chuyển lỗ 48 tỷ đồng thành lãi 107 tỷ đồng sau soát xét, vẫn bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị hơn 10.800 tỷ đồng tại ngày 30/06/2020. Tuy nhiên, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng hơn 7.298 tỷ đồng (nằm trong số dư trên). Theo đó, phía kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến BCTC hợp nhất bán niên 2020 của HAG.

Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh rằng, khoản nợ ngắn hạn tại ngày 30/6 của HAG đã vượt quá tài sản ngắn hạn của HAG với số tiền hơn 1.372 tỷ đồng.

Tác giả: Nhật Minh

Theo: Dân Việt
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến