Dòng sự kiện:
Kinh tế Nhật Bản thoát nguy cơ suy thoái
14/10/2018 11:46:38
Chi tiêu của các hộ gia đình tăng giúp kinh tế Nhật khởi sắc, nhưng căng thẳng thương mại toàn cầu đang đặt ra rủi ro lớn đối với triển vọng xuất khẩu và đầu tư của nước này.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3 ngày 10/10 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy kinh tế Nhật Bản quý 2 tăng trưởng ở mức 1,9% (qoq), vượt dự báo trước đó là 1,4%. Mức tăng này chính thức chấm dứt lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Nhật do GDP trong quý 1 đã tăng trưởng âm, giảm 0,9%.

Mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm trước có phần suy giảm. Cụ thể, tăng trưởng IPI của Nhật Bản từ tháng 6 tới tháng 8 chỉ lần lượt đạt 0,20%; 0,79%; -0,48% (yoy). Thống kê từ cuộc khảo sát Reuters Tankan cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ tháng 6 lần đầu tiên giảm sau 17 tháng. Dường như ngành công nghiệp sản xuất của Nhật đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả của bảo hộ thương mại, phản ánh nỗi lo của doanh nghiệp Nhật về căng thẳng thương mại đang tiếp diễn. Trong khi đó, khu vực dịch vụ quý 3 tiếp tục duy trì ổn định, với chỉ số bán lẻ vẫn trên mức 100 điểm và có tăng nhẹ so với quý 2.

Nguồn: Japan Macro Advisors

Trên thị trường lao động, số lao động có việc làm duy trì khá ổn định quanh mức 66,6 - 66,8 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,5% và 2,4% lần lượt trong tháng Bảy và Tám, chỉ cao hơn mức 2,2% của tháng Năm tính trong 25 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ tổng số vị trí cần tuyển trên số ứng viên xin việc tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục 1,63, cao nhất trong hàng chục năm. 

Con số này một mặt cho thấy sự dồi dào của việc làm trên thị trường nhưng mặt khác cũng phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung lao động nghiêm trọng mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Để đối mặt với vấn đề này, Chính phủ Nhật đã nới lỏng chính sách nhập cư để tiếp nhận nguồn lao động nước ngoài dồi dào. Tuy nhiên, các công ty Nhật cũng không tiếp nhận ồ ạt lao động thiếu kĩ năng, mà chọn lọc những người có kỹ năng chuyên môn phù hợp với công việc.

Trong khi đó, lạm phát có xu hướng phục hồi trở lại trong quý 3. Lạm phát toàn phần lần đầu vượt mức 1% kể từ tháng 3, đạt 1,3% vào tháng 8. Lạm phát lõi cũng đã mang dấu dương trở lại (0,2%) sau hai tháng duy trì ở mức 0%. Mức lạm phát còn thấp như vậy là cơ sở cho BOJ tiếp tục chương trình siêu nới lỏng định lượng để đạt mục tiêu 2% trong thời gian gần nhất.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến