Tin liên quan
Con đường phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang bị đặt dấu hỏi. Ảnh: Reuters
Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố sản lượng công nghiệp của nước này chỉ tăng 6% trong tháng Tư so với cùng kì, thấp hơn mức dự báo 6,5% trước đó và kém xa so với tháng Ba (6,8%).
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng chỉ tăng ở mức 10,5% trong 4 tháng đầu năm (so với cùng kì năm ngoái), thấp hơn kì vọng 10,9% của thị trường và tốc độ 10,7% trong quý I.
Đáng chú ý là đầu tư cơ sở hạ tầng bởi tư nhân tiếp tục giảm tốc, chỉ tăng 5,2% trong 4 tháng đầu năm, giảm so với tốc độ 5,7% trong quý I, cho thấy khu vực tư nhân nước này có thể đang nghi ngại với viễn cảnh của nền kinh tế.
“Dường như tất cả động lực của kinh tế Trung Quốc đột ngột chững lại. Rõ ràng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có vấn đề”, Zhou Hao, chuyên gia cao cấp tại Commerzbank, Singapore, nhận định.
Ngay sau khi những thông tin trên được công bố, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có chỉ định khẩn tới hệ thống ngân hàng nước này, yêu cầu ngay lập tức tháo bỏ ‘nút cổ chai’ tín dụng đối với khu vực tư nhân.
“Bởi vai trò và khối lượng của đầu tư tư nhân trong nền kinh tế là rất quan trọng, tốc độ tăng trưởng chậm lại của khu vực này có thể kìm hãm nền kinh tế nói chung”, Reuters dẫn nguồn giới chức PBOC.
Trong tháng Tư, bán lẻ tăng trưởng 10,1%, thấp hơn mức 10,5% kì vọng của giới quan sát trước đó. 10,5% cũng là tốc độ tăng trưởng của khu vực này trong tháng Ba.
Dập tắt kì vọng
Trước đó, những số liệu tích cực trong tháng Ba khiến giới phân tích hi vọng một loạt các chính sách quyết liệt của Bắc Kinh nhằm cứu nền kinh tế khỏi chệch hướng đang phát huy tác dụng.
Trong tháng Ba, thị trường nhà đất hồi phục mạnh mẽ giúp tăng mạnh nhu cầu đối với nguyên vật liệu, đặc biệt có ý nghĩa với những ngành công nghiệp đang chìm trong dư cung như sắt, thép.
Tuy vậy, những số liệu ảm đạm trong tháng Tư, bao gồm tốc độ tăng trưởng xuất – nhập khẩu thấp hơn kỳ vọng, đang phủ bóng đen lên nỗ lực của nội các Chủ tịch Tập Cận Bình.
Kinh tế Trung Quốc đã và đang giảm tốc đáng kể sau ¼ thế kỷ tăng trưởng ‘nóng’, bây giờ lại tiếp tục chịu áp lực lớn từ tổng cầu yếu cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, khủng hoảng dư thừa năng suất ở các ngành công nghiệp và khối lượng nợ công ngày một phình to cũng là những bài toán hóc búa đối với chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh cuối năm ngoái đặt việc cắt giảm dư cung trong các ngành công nghiệp nặng như sắt, thép, than đá là một trong những mục tiêu hàng đầu, bên cạnh quyết tâm xóa bỏ những công ty vỏ bọc ‘zombie’ (những doanh nghiệp nhà nước được tạo ra bởi chính quyền địa phương nhằm dễ dàng vay nợ).
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng ông Tập cùng các cộng sự sẽ không dễ dàng với mục tiêu của mình, nhất là khi duy trì tỉ lệ thất nghiệp thấp và ổn định xã hội cũng là một cái đích quan trọng không thua kém đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy