Dòng sự kiện:
Kỳ 6: Tình báo Việt phát hiện âm mưu tập kích Sơn Tây
15/12/2014 08:51:55
ANTT.VN - Các tù binh Phi công Mỹ được sơ tán khỏi trại giam “Hy Vọng” Sơn Tây do sự trùng lặp tránh trận lụt hay do tình báo của Việt Nam đã phát hiện ra âm mưu của cuộc tập kích Sơn Tây?

Tin liên quan

Trước khi vụ tập kích được tiến hành, hàng ngày trại giam Sơn Tây vẫn liên tục được chụp không ảnh vừa bằng máy thường, vừa bằng tia hồng ngoại. Các bức không ảnh cho thấy rõ ràng là đang có người trong các phòng giam. Tuy nhiên loại phim chụp bằng tia hồng ngoại hồi ấy có nhược điểm là không phân biệt được thân nhiệt của người Việt Nam hay người Mỹ. Về vấn đề này, Đô đốc Moorer đã thú nhận: Các tin tức tình báo của chúng tôi rất chính xác. Nhưng chúng tôi không thể xác định được tù binh Mỹ đang ở đâu, khi họ liên tục bị di chuyển. Dù sao chăng nữa thì chúng tôi vẫn phải quyết định đề nghị mở một cuộc hành quân giải cứu họ.

Trại-tù-Sơn-Tây-năm-1970

Trại tù Sơn Tây năm 1970 (Nguồn: Internet)

Sự trùng  lặp hết sức tình cờ!

Một số chuyên gia DIA cho rằng các tù binh Phi công Mỹ được phía Việt Nam cho sơ tán khỏi trại giam “Hy Vọng” Sơn Tây vì một lý do rất đơn giản, một sự trùng lặp hết sức tình cờ: Để tránh những trận lụt, do hậu quả của hoạt động mưa nhân tạo, nằm trong kế hoạch chiến tranh thời tiết của CIA gây ra! Vì nguyên tắc bí mật nên các chuyên gia của Chiến dịch Bờ Biển Ngà đã hoàn toàn không được CIA thông báo về các chiến dịch hoạt động mưa nhân tạo nói trên. Chính vì thế đã xảy ra câu chuyện bi hài “gậy ông đập lưng ông”!

Theo các tù binh Phi công Mỹ sau này được trao trả kể lại, những trận mưa liên miên suốt mùa hè năm 1970, theo ý đồ của CIA, đã khiến cho vùng đất này bị ngập lụt. Nước sông Tích dâng cao sát tường rào của trại giam, công việc đi lại, tiếp phẩm hết sức khó khăn. Một số mái nhà cấp bốn của trại giam do sử dụng quá lâu bị xuống cấp, đã trở nên dột nát và hư hỏng quá nhiều.

Môt buổi trưa, tù binh được lênh tháo gỡ các dây phơi quần áo, lưới bóng chuyền và các tư trang khác, cùng những lợn, gà,...xếp lên những chiếc xe tải nhỏ. Đêm hôm đó, tốp tù binh đầu tiên đã bước lên xe ca, để về trại giam mới ở Nhổn. Cuộc sơ tán lụt lội được tiến hành trong lặng lẽ, trật tự và kéo dài hàng chục ngày. Nơi họ đến là một doanh trại quân đội mới được sửa lại, chỉ cách trại “Hy Vọng” cũ 15km. Các tù binh gọi nơi đây bằng một cái tên mới rất Mỹ: Trại “Niềm Tin”. Chính nơi đây, họ đã nghe khá rõ tiếng động cơ cánh quạt trực thăng, tiếng súng nổ và nhìn thấy ánh sáng rực trời từ trại “Hy Vọng” trong đêm xảy ra vụ tập kích Sơn Tây…

Tình báo Quân sự

Một số chuyên gia quân sự Mỹ khẳng định rằng: Tình báo Việt đã biết trước có cuộc tập kích này. Họ chỉ không rõ chính xác nó sẽ diễn ra vào thời gian nào mà thôi. Bởi thế nên đơn vị biệt kích của Đại tá Simons mới có thể vào và thoát ra được.

Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự - nguyên Trưởng Ban nghiên cứu của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris kể lại: Trong thời gian công tác tại Paris tôi thường xuyên được đọc và nghiên cứu các tài liệu mật  mà các bạn Mỹ tiến bộ chuyển nhượng cho đoàn ta. Trong đó có các tập Biên bản của Quốc hội Mỹ.  Chúng dày tới hàng ngàn trang, được in chữ nhỏ, khó đọc; nhưng có rất nhiều trang nói về chiến tranh ở Việt Nam, giúp cho Đoàn ta có thêm chứng cứ để đấu tranh trên bàn Hội nghị.

Vào giữa quý 4, năm 1970, trong một tập tài liệu mật do Mỹ chuyển đến Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự phát hiện tin tức nói về việc xây dựng tại Mỹ mô hình một trại tù binh ở miền Bắc Việt Nam. Nội dung đại ý: Ủy ban đã chất vấn Chính quyền là “Hành động như thế có thể dẫn đến việc một số nước Xã hội chủ nghĩa có cớ đưa quân vào miền Bắc Việt Nam không? Đại diện chính quyền đã trả lời rằng “Không có khả năng đó!”.

Sau rất nhiều lập luận về cuộc chiến tranh trên bộ với quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, ông chợt nghĩ tới vấn đề mấy trăm tù binh Phi công Mỹ đã bị ta bắt sống được giam giữ tại miền Bắc và liên hệ ngay tới việc Mỹ cho xây dựng trên đất của họ một trại giam giữ tù binh giống như ở Việt Nam.

Ông cho biết: “Tôi đã biết ở Sơn Tây có một trại giam Phi công Mỹ và mô hình rất có thể là trại giam đó. Quân đội Mỹ đã từng tổ chức giải cứu thành công một số Phi công ngay sau khi họ bị bắn rơi ở chiến trường Việt Nam. Lần này, sự tham lam quá mức đã khiến cho Lầu Năm Góc có hành động quân sự phiêu lưu đến như vậy. Và kế hoạch này đã được đưa ra Quốc hội Mỹ bàn bạc, khiến cho nhiều trang văn bản bị kiểm duyệt, nhiều đoạn bị gạch bỏ. Nếu đúng như vậy thì cần phải báo gấp thông tin này về nhà càng sớm càng tốt!”.

Ngày hôm sau, thủ trưởng đoàn thông báo có người về thẳng Hà Nội, ông liền viết một báo cáo chi tiết đã thu lượm được, trong đó có đoạn: “Qua một số tư liệu trong biên bản Quốc hội Mỹ  cho thấy có kế hoạch tập kích trại giam Sơn Tây để giải cứu tù binh. Cần có phương án đề phòng”.

Tình báo Công an

Ông Gia Huy – một cán bộ tình báo bí mật của Bộ công an cho biết: “Khoảng giữa năm 1968, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp cử tôi đi công tác ở một số nước Tây Âu. Trong lần tham dự hội thảo “Chiến tranh và hòa bình” ở Paris tôi làm quen được với một số nhân tố tích cực, trong đó có hai sinh viên Mỹ đang theo học khoa Sử. Để có tiền ăn học, tôi giới thiệu họ cho một quán ăn Việt Kiều. Sau khi nghỉ hè không biết bằng nguồn nào họ đã trao tận tay tôi tập tài liệu khá hoàn chỉnh gồm: giáo trình, giáo án, danh sách và ảnh nhận dạng một số nhân viên tìh báo của chính quyền Sài Gòn đang được huấn luyện tại Mỹ.

Vào cuối năm 1969, ông quen được R. – Cựu nhân viên DIA vừa hết thời gian phục vụ ở Việt Nam. Do được chứng kiến tận mắt  nhiều tội ác của quân đội Mỹ với dân thường Việt Nam nên ông muốn làm việc gì đó có ích cho nhân dân Việt.

Trung tuần tháng 10/1970, trong cuộc họp báo của Người phát ngôn Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Paris, thay vì cái bắt tay như thông lệ, R. chìa hai ngón tay về phía trước, ở giữa kẹp một mảnh giấy nhỏ gấp tư có ghi: “Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị một cuộc tập kích vào phía Tây – Bắc Hà Nội để giải thoát cho tù binh Phi công Mỹ. Qua một linh mục người Việt Nam ở Bỉ, DIA đã tuyển chọn một số sĩ quan biệt kích người Tây Âu có kinh nghiệm cùng tham gia kế hoạch này”.

Ông vắt óc suy nghĩ: Thời gian vừa qua, quân và dân miền Bắc nước ta đã liên tiếp bắn rơi nhiều máy bay Mỹ , bắt sống nhiều giặc lái… Tất nhiên là phải có trại giam. Nhưng quả thật, ông không biết những trại giam này đóng ở đâu.

Sáng hôm sau, ông đến Brussels (Bỉ) để tìm gặp một cựu sĩ quan du kích chống phát xít Đức trong chiến tranh Thế giới thứ 2, rất có cảm tình với Việt Nam. Ông này đã nhiệt tình cho biết: “Lính biệt kích nhảy dù ở vùng đó không nhiều, nhưng cũng có những tay khá nổi tiếng trong hàng ngũ nhà binh…”.
Sau nhiều xác minh, ông Gia Huy đã quyết định chuyển nhanh tin về “nhà”: Có thể địch sẽ cho quân nhảy dù, tập kích để giải thoát cho tù binh Mỹ ở vùng Tây Bắc Hà Nội. Xin báo cáo để tham khảo.

Sau này, khi về nước để báo cáo kết quả công tác, Ông Gia Huy đã được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn biểu dương. Bộ trưởng cho biết: Nguồn tin rất khớp với những nghi vấn do một số nguồn tin khác cung cấp với nội dung: Địch có thể tập kích vào trại giam Sơn Tây mà ta chưa có điều kiện xác minh lại. Sau khi cân nhắc, cấp trên đã quyết định bí mật sơ tán ngay số tù binh Phi công Mỹ ở Sơn Tây đến một trại giam dự bị, chỉ để lại một đơn vị thường trực trông coi doanh trại và sẵn sàng chiến đấu khi có địch. Việc thường trực chiến đấu lúc đầu đơn vị được giao nhiệm vụ đã thực hiện rất nghiêm túc. Nhưng vì không biết đích xác thời gian vụ tập kích xảy ra, nên sau vài tuần trực chiến không thấy gì, lực lượng phục kích của ta đã giao lại doanh trại cho bộ phận khác trông coi, nên khi quân biệt kích Mỹ vào trại đã xảy ra sự việc đáng tiếc kể trên.

Mặc dù đã lường trước hậu quả xấu có thể xảy ra nhưng cả Tổng thống Nixon và Cố vấn Kissinger đều bị phe đối lập, Quốc hội và dư luận Mỹ chỉ trích nặng nề. Để đối phó, vớt vát phần nào danh dự và trấn an dư luận, Lầu Năm Góc đã bày ra trò “họp báo” rùm beng để “tuyên dương công trạng” và thâm chí còn gắn huân chương cho toán quân biệt kích của Tướng Manor và Đại tá Simons vừa liều lĩnh xâm nhập miền Bắc Việt Nam trở về. (Còn tiếp)

Hoàng Hà (lược trích theo tác phẩm "Phi công Mỹ ở Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng).

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến