Lãi suất huy động tăng cao từ đầu năm khiến tăng trưởng tiền gửi của người dân năm nay cao gấp đôi năm trước. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua) hiện đạt trên 13,828 triệu tỷ đồng, tăng 3,18% so với cuối năm 2021. Mức tăng trưởng kể trên tương đương với việc toàn nền kinh tế đã được bổ sung gần 426.000 tỷ đồng sau 7 tháng từ đầu năm.
Đi cùng mức tăng của tổng phương tiện thanh toán, số dư tiền gửi của cả hai nhóm khách hàng (tổ chức kinh tế và dân cư) đều ghi nhận tăng trưởng dương giai đoạn này.
Người dân gửi ngân hàng thêm 1.565 tỷ/ngày
Đáng chú ý, trong bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi đã tăng rất mạnh từ đầu năm, số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 7, số liệu NHNN ghi nhận được cho biết tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng vào khoảng 5,629 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2021. So với cùng kỳ năm 2021, mức tăng trong 7 tháng đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi. Còn nếu so với năm 2020, mức tăng năm nay cũng cao hơn gần 20%.
Nếu tính theo số tuyệt đối, trong 7 tháng đầu năm, người dân đã gửi thêm hơn 328.500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tương đương cứ mỗi ngày trôi qua, người dân lại mang thêm gần 1.565 tỷ đồng đi gửi vào các ngân hàng. Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 726 tỷ/ngày trong cùng kỳ năm 2021 và gần 1.200 tỷ/ngày giai đoạn đầu năm 2020.
Trong khi đó, mức tăng ròng số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng 7 tháng đầu năm nay lại giảm đáng kể so với những năm trước, chỉ đạt 2,13% so với cuối năm 2021, tương đương gần 121.000 tỷ đồng. Trong những năm trước đó, mức tăng bình quân số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này tại hệ thống ngân hàng đều đạt xấp xỉ 200.000 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
Nguyên nhân chính khiến số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay là do lãi suất huy động tiền gửi trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân) đã tăng rất mạnh. Hiện mặt bằng lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng đều đã cao hơn so với giai đoạn 2020-2021.
Theo ước tính từ các công ty chứng khoán, đến cuối tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng trên dưới 1 điểm % so với cuối năm 2021 và 1,5 điểm % so với cuối năm 2020. Nếu tính đến nay, lãi suất huy động tại nhiều nhà băng đã tăng trên 2 điểm % so với hai năm trước.
Trong giai đoạn 2020-2021, chỉ số ít ngân hàng thương mại tư nhân đưa ra mức lãi suất 7%/năm cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân và chủ yếu áp dụng với các kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, đến nay, mức lãi suất này đã xuất hiện phổ biến ở kỳ hạn 6 tháng.
Thậm chí, nhiều nhà băng đã đẩy lãi suất tiền gửi 6 tháng lên tới trên 8%/năm như VietABank (8,3%/năm); NCB (8,2%/năm); Kienlongbank (8,1%); SCB (7,95%/năm); NamABank (7,6%/năm)…
Lãi suất huy động cao ngất ngưởng
Một loạt ngân hàng đang niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn này ở mức cao như VietABank trả 8,7%/năm; Kienlongbank đưa ra mức 8,6%/năm; SCB niêm yết ở 8,55%/năm; NCB trả 8,4%/năm hay NamABank, BacABank đều trả 8%/năm…
So với chính các ngân hàng này giai đoạn 2020-2021, mức lãi suất huy động kể trên đã tăng 1,5-2 điểm %.
Mức lãi suất 8%/năm ngày càng phổ biến trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng hiện cũng phổ biến ở mức 4,1-4,4%/năm, cao hơn 1 điểm % so với một năm trước.
Ở các kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất khách gửi tiền nhận được là 4,7-4,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên hưởng lãi suất 6,4%/năm, đều cao hơn 0,8-1,1 điểm %. Thậm chí, nếu gửi online, mức lãi suất người gửi tiền có thể nhận được từ nhóm ngân hàng này cũng lên tới 6,9%/năm.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay và sang cả năm 2023. Trong đó, các yếu tố chính tác động làm tăng lãi suất tiền gửi là NHNN nâng lãi suất điều hành và phân bổ thêm “room” tín dụng cho một số nhà băng, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tiền gửi thấp hơn nhiều so với cho vay; Fed tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh hơn cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.
Các chuyên gia tại đây dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm % từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm nay.
Thậm chí, VNDirect dự báo đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì sang năm 2023 do NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá; ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Điều này có thể khiến lãi suất huy động tăng thêm 0,5 điểm % trong năm 2023.
Tương tự, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Ngoài ra, thanh khoản thị trường 1 cũng sẽ chịu nhiều áp lực khi nhu cầu tiền mặt vào mùa cao điểm Tết Nguyên đán.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy