Dòng sự kiện:
Lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung bàn phát triển khu kinh tế
06/05/2018 09:15:03
Được thành lập 10 năm trước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 5 tỉnh thành chưa đáp ứng kỳ vọng ban đầu đặt ra.

Sáng 5/5, tại tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra hội nghị phát triển các Khu kinh tế và khu công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hơn 200 đại biểu các bộ, ngành, lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã tham gia.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá thực trạng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tại vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, phân tích các lợi thế so sánh liên kết phát triển vùng; nêu những khó khăn, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, định hướng phát triển và phương án hỗ trợ; đề xuất kiến nghị để điều chỉnh cơ chế, chính sách.

Ông Dương Đình Giám cho rằng các địa phương có định hướng thu hút đầu tư tương đồng. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Việt Nam cho biết, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập từ năm 2008 với 5 tỉnh thành gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tính đến hết tháng 12/2016, Vùng đã thành lập 19 khu công nghiệp, trong đó 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích tự nhiên là 2.425,1ha.

Theo ông Giám, kể từ khi thành lập cho đến nay, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có sự phát triển với các dự án lớn được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng với nguồn lực sẵn có của vùng.

Cảng Chân Mây, một trong những cảng nước sâu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: Võ Thạnh

Nguyên nhân là trong phạm vi chiều dài bờ biển 450km từ Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) vào đến Nhơn Hội (Bình Định) có 4 khu kinh tế và khu công nghệ cao. Chính điều này đã làm phân tán nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng vào các khu công nghiệp. Mặc dù các khu kinh tế trong vùng đã đã nỗ lực chạy đua dự án kêu gọi đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng các khu đều chưa hoàn chỉnh, khả năng kết nối còn hạn chế. Mô hình phát triển khu kinh tế trong vùng tương tự nhau đều có phân khu chức năng, như khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp, cảng biển. Định hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp khá tương đồng đã tạo nên sự cạnh không cần thiết giữa các khu kinh tế trong vùng.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, các khu công nghiệp, khu kinh tế của 5 tỉnh miền Trung chưa xoay chuyển, chưa thật sự thành vùng kinh tế trọng điểm.

Theo ông, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế như nhau, chưa có sợi dây liên kết. Các khu công nghiệp, kinh tế của miền Trung như những "bách hóa tổng hợp", thứ gì cũng có nhưng không có nét riêng biệt. Chiến lược thu hút nhà đầu tư của các tỉnh miền Trung vẫn chưa được tốt, chưa tạo điều kiện đủ cho nhà đầu tư.

"Tỉnh Thừa thiên Huế có Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế lừng danh nhưng tại sao khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô không thu hút được nhà đầu tư xây dựng nhà máy chuyên sản xuất hàng y tế?", ông Thiên dẫn chứng.

Sau khi lắng nghe đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2017-2018 cùng với lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung đã bàn nhau tìm giải pháp phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp của vùng.

Ông Cao cũng cho rằng, cần nhận diện lợi thế chung của vùng cũng như lợi thế riêng của từng địa phương trong vùng, xem xét thế mạnh từng khu kinh tế, khu công nghiệp. Xác định xu thế phân công phát triển các ngành, phát triển lĩnh vực công nghiệp chủ chốt; khả năng kết nối hình thành các chuỗi sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp. Cần có cơ chế điều phối và huy động nguồn lực phát triển và những vấn đề cần kiến nghị với Trung ương để tạo đột phá trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến