Tin liên quan
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa ngớt bàn tán về văn bản số 688/STTTT-BCXB bị tố là “vu khống báo chí” của Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông (TTTT) Hải Dương, ông Vũ Văn Vở.
Nhiều ý kiến cho rằng văn bản của ông Vở đã báo cáo sai sự thật về quy trình tác nghiệp của phóng viên ANTT.VN trong bài viết "Vợ Giám đốc Sở Tài chính thóa mạ phóng viên".
Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự về vấn đề này.
Ở góc độ pháp lý, ông có bình luận gì về văn bản bị tố “vu khống báo chí” của Phó GĐ Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hải Dương?
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự (Ảnh: Dantri)
Trước hết, xem xét toàn nội dung văn bản, có thể thấy người ra văn bản này ban đầu đề cập đến một việc mang tính chất chung đó là chủ trương xây dựng khu nhà làm việc liên cơ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ sẽ thấy nội dung chính lại trình bày, giải thích về vụ việc xô xát giữa phóng viên Nguyễn Trọng Cảnh và bà Lê - vợ Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương, cùng với đó là việc yêu cầu các cơ quan Cục báo chí, Bộ thông tin truyền thông, Vụ báo chí - xuất bản, Ban tuyên giáo trung ương tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động báo chí điện tử và phóng viên…
Từ đó, tôi cho rằng, nội dung xuyên suốt toàn văn bản này không thống nhất với nhau. Bên cạnh đó, trên cơ sở những thông tin báo chí phản ánh thì nội dung của văn bản này có sự thiếu chính xác, thiếu đối chứng, thiếu căn cứ khi đưa ra kết luận chung.
Theo đánh giá của ông, văn bản này thiếu chính xác, thiếu đối chứng, thiếu căn cứ ở đâu?
Thứ nhất, văn bản khẳng định: “Như vậy, Ông Cảnh không phải là cộng tác viên Báo An ninh tiền tệ điện tử”. Khẳng định này chỉ căn cứ trên “phản ánh của gia đình ông Hưng” mà không có sự đối chứng với các thông tin khác mà tổ chức, cá nhân khác đã cung cấp.
Trong khi đó, như báo chí đã đưa tin, Tổng Biên tập báo điện tử Người đưa tin đã xác nhận anh Nguyễn Trọng Cảnh là phóng viên của Báo được cử đi tác nghiệp theo sự phân công của Ban Biên Tập.
Anh Cảnh có giấy giới thiệu số 26 ngày 20/11/2014 do Phó tổng biên tập thường trực báo điện tử Người đưa tin ký. Văn bản này đã được anh Cảnh xuất trình tại cơ quan công an phường Trần Phú và được cơ quan này chụp lại ảnh Giấy giới thiệu và chứng minh thư nhân dân của anh Cảnh.
Thứ hai, nội dung văn bản số 688/STTTT-BCXB có nêu: “Tại Công An phường Trần Phú, ông Cảnh khai là không có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí và thẻ nhà báo do Bộ thông tin và truyền thông cấp theo quy định của pháp luật”.
Trên thực tế, phóng viên ANTT.VN đã tìm gặp Trưởng công an phường Trần Phú và được xác nhận Công an phường Trần Phú chưa phát ngôn cho bất kỳ cơ quan hay cá nhân có trách nhiệm về thông tin như nội dung công văn nêu trên.
Thứ ba, nội dung văn bản này nêu: “Khi bà Lê và con trai ông Long ra hỏi, nhưng ông Cảnh không xuất trình được giấy tờ. Do vậy, bà Lê đã gọi cảnh sát 113 đưa về công an phường Trần Phú”.
Thực tế, trong quá trình tác nghiệp anh Cảnh đã đi cùng đồng nghiệp và khi xảy ra sự việc, phóng viên đồng nghiệp đã đi trình báo sự việc với Công an phường Trần Phú, sau đó Công an phường đã cử 2 đồng chí xuống nơi xảy ra sự việc chứ không phải là do bà Lê điện gọi cảnh sát 113. Nếu bà Lê gọi cảnh sát 113 thì tại sao Công an phường Trần Phú lại xác nhận biết sự việc trên?
Thứ tư, văn bản khẳng định sự việc xảy ra “vào hồi 8h00” là thiếu sự đối chứng, kiểm chứng bởi lẽ nội dung văn bản này chỉ nêu việc tiếp nhận thông tin một chiều “theo phản ánh của gia đình ông Hưng” sau đó vội vàng kết luận.
Thế nhưng, anh Cảnh lại cho biết 8h sáng ngày 22/11/2014 anh mới bắt đầu từ Hà Nội về Hải Dương, đến khoảng 10h mới đến nơi và thực hiện tác nghiệp. Do đó, văn bản nêu chắc chắn “vào hồi 8h00” là hoàn toàn không phù hợp thực tế khách quan đồng thời cũng không có sự đối chứng kiểm tra thông tin từ phía anh Cảnh mà chỉ tiếp nhận thông tin một phía “theo sự phản ánh của gia đình ông Hưng”.
Một số phân tích trên cho thấy văn bản số 688/STTTT-BCXB có nội dung không chính xác, điều này là trái với nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan. Nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan là nguyên tắc tối thượng cần được đảm bảo. Do đó không ai có thể có thẩm quyền và đúng khi đưa ra văn bản với nội dung trái tư tưởng pháp luật như vậy được.
Ngoài ra, tôi cho rằng nội dung văn bản ẩn chứa nhiều sai phạm khi chỉ tiếp nhận thông tin một chiều. Phía tòa soạn ANTT.VN và Báo điện tử Người đưa tin cho biết lãnh đạo Sở thông tin truyền thông tỉnh Hải Dương không có sự trao đổi nào đối với cơ quan mình trước khi gửi văn bản cho các cơ quan kể trên.
Điều đó thể hiện văn bản văn bản số 688/STTTT-BCXB là văn bản không hợp pháp do thông tin thiếu chính xác, thiếu sự kiểm chứng, đối chứng, kết luận vội vàng.
Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến “sự thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng, kết luận vội vàng” của Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Hải Dương khi đưa ra văn bản nói trên?
Văn bản bị tố vu khống báo chí của ông Vũ Văn Vở (Ảnh: Kienthuc)
Nguyên nhân chính dẫn đến sự “sai” của văn bản số 688/STTTT-BCXB là do người ban hành đã không có việc thẩm tra xác minh từ phía các cơ quan chức năng liên quan trực tiếp tiếp nhận vụ việc.
Vì thiếu sự kiểm chứng thông tin do đó nội dung văn bản nêu trên có những khẳng định sai sự thực, thậm chí còn xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người hoạt động nghề báo. Điều này là vi phạm Điều 15 Luật Báo chí “Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Khoản 3 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định: “Người nào vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, làm hư hỏng phương tiện, tài liệu và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Chúng ta có thể thấy được điều gì đằng sau “động cơ” ra văn bản trên của ông Vũ Văn Vở thưa ông?
Là một cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND để tuyên truyền, định hướng về chủ chương, chính sách trên địa bàn tỉnh, nhưng việc ban hành ra văn bản số 688/STTTT-BCXB với nội dung thiếu sự khách quan, kiểm chứng, thiếu sự phối hợp với các cơ quan liên quan đã cho thấy sự tùy tiện, thiếu cẩn trọng của người ban hành.
Sự việc có thể gây ra nhiều nghi ngờ khi Phó Giám đốc Sở thông tin truyền thông tự nhiên ra văn bản chỉ dựa trên “phản ánh của gia đình ông Hưng” - một người giữ chức vụ quan trọng của tỉnh – Giám đốc sở tài chính.
Liệu đây có phải là một trong những cách “gây cản trở báo chí tác nghiệp”?
Theo quan điểm của tôi, thực tế hành vi tác nghiệp của anh Nguyễn Trọng Cảnh theo (thông tin phản ánh từ phía cơ quan công an, từ phía anh Cảnh) khi hoạt động nghề nghiệp có đem theo giấy giới thiệu của cơ quan báo chí chủ quản là phù hợp quy định Quyền của nhà báo tại Luật báo chí và Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP. Chưa kể, vị trí phóng viên Nguyễn Trọng Cảnh tác nghiệp cũng không hề có biển cấm chụp ảnh…
Như vậy, việc ra văn bản như trên rõ ràng là biểu hiện gây khó dễ cho phóng viên và cản trở hoạt động báo chí của các báo điện tử nói chung và chuyên trang An ninh tiền tệ nói riêng.
Ngay cả việc bà Lê - vợ của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương thóa mạ, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phóng viên Cảnh cũng là dấu hiệu của hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp.
Theo Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành trong hoạt động nghề báo: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
Theo ông, hiện tại các bên liên quan nên có cách ứng xử như thế nào để tránh dư luận không tốt trong vụ việc này?
Trước hết, cần có sự đối chứng làm rõ nội dung sự việc thay vì tiếp nhận thông tin thiếu khách quan như hiện nay.
Phía Sở thông tin truyền thông (ông Vũ Văn Vở- Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông) cần tổ chức cuộc gặp 4 bên: Ông Vũ Văn Vở, anh Nguyễn Trọng Cảnh, Bà Lê, và phía cơ quan công an phường Trần Phú để làm rõ tất cả mọi thông tin.
Trường hợp nếu có sai sót thực sự từ phía Phó GĐ Sở TTTT thì Sở TTTT tỉnh Hải Dương cần phải thu hồi, hủy văn bản đã ban hành, đồng thời công khai đính chính nội dung, công khai xin lỗi người tác nghiệp nghề báo. Khi có kết luận chính xác của các nhà chức trách về hành vi vi phạm thì người vi phạm cần phải được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Nên đọc
Theo báo Giáo Dục
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy