Dòng sự kiện:
Món nợ chỉ mới trả phần gốc
22/11/2015 10:22:59
Luật Trưng cầu ý dân và Luật Tiếp cận thông tin chỉ là hai trong số 26 dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp kéo dài 31 ngày đang diễn ra. Tuy nhiên, xét về ý nghĩa thực tiễn lẫn lịch sử, cả hai nằm trong số những dự án luật đáng chú ý nhất.

Tin liên quan

Trước hết, hai luật này giúp kiện toàn nền tảng pháp lý cho thiết chế xã hội dân chủ. Luật Trưng cầu ý dân một lần nữa khẳng định con đường tiếp cận một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” bằng cách tạo ra hành lang pháp lý để mọi công dân có thể tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia hay các quyết sách lớn liên quan mật thiết đến đời sống của số đông người dân. Trong tiến trình này, Luật Tiếp cận thông tin giúp người dân kiểm soát tốt hơn các hoạt động của cơ quan nhà nước, qua đó biến chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, thứ Năm tuần sau, ngày 26-11, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân; và có thể vào kỳ họp đầu tiên trong năm tới, Quốc hội khóa mới sẽ thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Như vậy, tròn 70 năm sau bản Hiến pháp đầu tiên của đát nước, một món nợ sẽ được các đại biểu trả lại “phần gốc” cho người dân.

Sở dĩ dùng hình tượng “món nợ” ở đây là vì trưng cầu ý dân đã được quy định rõ ngay trong Hiến pháp Việt Nam năm 1946. Trong thời chiến, âu cũng là điều dễ hiểu khi phải gác lại vấn đề này. Tuy nhiên, bốn thập niên đã trôi qua sau ngày thống nhất đất nước, không thể trì hoãn thêm việc thực thi khi Hiến pháp mới nhất năm 2013 lại một lần nữa hiến định các quyền đó. Và sở dĩ nói mới “trả phần gốc” của “món nợ 70 năm” là vì các văn bản luật được thông qua chỉ là bước đầu tiên trên con đường thực thi đầy gian nan.

Thông qua được các luật này đồng nghĩa với việc bước đầu vượt qua được tâm lý e ngại trong các cơ quan nhà nước khi nay phải “trao quyền” cho người dân qua việc tổ chức trưng cầu ý dân hay cho phép họ tiếp cận thông tin nhà nước. Chỉ cần nhìn vào thực tiễn Việt Nam là đủ để thấy rằng bước tiếp theo còn quan trọng hơn, đó là phải có các văn bản dưới luật và tổ chức thực thi.

Thật vậy, nhiều luật được thông qua chỉ “để đó”, phải mỏi mòn chờ các văn bản hướng dẫn thi hành. Cũng không hiếm các trường hợp có đủ luật và văn bản dưới luật, nhưng các điều khoản thi hành hoặc không khả thi hoặc không rõ ràng, dẫn đến bế tắc trong thực hiện. Thứ Tư tuần rồi, khi các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình về Luật Tiếp cận thông tin ở Hà Nội thì tại TPHCM, các doanh nghiệp dự hội thảo đánh giá việc thực hiện Luật Cạnh tranh dưới góc nhìn doanh nghiệp. Chủ thể của luật này - doanh nghiệp - cho rằng sau 10 năm thực hiện, các bất cập về thực thi của Luật Cạnh tranh đã lộ rõ, gây khó khăn cho họ lẫn cơ quan quản lý. Đáng chú ý, một thập kỷ sau ngày có hiệu lực, vài điều khoản quan trọng của luật vẫn còn thiếu hướng dẫn cụ thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.

Từ thực tế trên có thể thấy rằng chỉ khi các đại biểu Quốc hội làm tất cả để bảo đảm việc thực thi Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin một cách thông suốt và công bằng, món nợ 70 năm mới có thể được trả đủ cả gốc lẫn lãi.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến