Dòng sự kiện:
Muốn khá nuôi heo...
22/05/2017 10:33:42
Không biết từ bao giờ, người dân Bến Tre quê tôi lại truyền nhau một kinh nghiệm mang tính đúc kết cao: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, nghèo thì nuôi vịt”. Xin nói về nuôi để làm giàu và nuôi kiểu nhà nghèo trước.

Nuôi cá chỉ tốn giống, không cần cho ăn, có chăng chỉ thả rau muống dọc bờ ao, cho bò trên mặt nước, để làm thức ăn cho cá. Cá mè, cá tra, cá rô phi... đều có thể nuôi theo cách ấy. Dĩ nhiên, phải làm ao cho kỹ, tránh lỗ mọi, cá sẽ theo đó mà ra ngoài, phải diệt hết các loại cá tạp, có thể ăn cá nuôi lúc còn nhỏ. Nhiều nhà làm mô hình “vườn - ao - chuồng” thì “tận dụng” phân gà, phân heo để cho cá ăn, tuy không được vệ sinh nhưng trước đây đã từng tồn tại kiểu nuôi như thế. Ngày trước, nước kênh rạch gần như không ô nhiễm, không lo cá bị bệnh, chỉ lo làm bờ bao cho chắc chắn, tránh nước lũ tràn về...

Còn nuôi vịt thì cũng chỉ tốn vịt giống, thức ăn có sẵn trên đồng. Mùa lúa thì thả vịt ăn lúa rụng sau vụ gặt, lúa gié (lúa mọc lại từ thân rạ sau khi đã gặt, bông lúa ngắn); ai siêng hơn thì đi bắt còng, bằm trộn với lúa kẹ (lúa ngọn, lẫn một ít hạt chắc với nhiều hạt lép). Mùa nước rong, một số người còn đi vớt giời (rươi, loại rươi không làm mắm được) để cho vịt ăn. Túc tắc như thế, chịu khó chăm kỹ để tránh bị lạc, bị quạ bắt hay cá chình rút chân, thì ba bốn tháng sau có thể xuất bán. Ai muốn đầu tư tiếp thì nuôi thành vịt đẻ. Nếu chọn được giống tốt, chăm sóc kỹ, với những năm trứng có giá thì vịt đẻ bảy phân (tức 70% số vịt đẻ trứng đều đặn) đã có lời, còn hơn chín phân (90% số vịt đều đẻ mỗi ngày) thì... ấm bụng!

Nuôi cá, nuôi vịt không chỉ để bán, mà còn để cung cấp thức ăn thường ngày. Có khách, quăng chài bắt ít con cá rô phi to chừng ba bốn ngón tay, làm sạch, nấu với lá me là đã có bữa cơm ngon lành. Hay vịt tơ nấu cháo, ăn với gỏi chuối cây, nước mắm gừng, hoặc vịt kho lá quế... đều có thể là bữa ăn đáng nhớ!

2. Hồi trước, nhiều người quan niệm nuôi heo là “bỏ ống”, tức là một dạng để dành. Làm một cái chuồng tạm, thả một hai con heo, bỏ mấy chùm lá chuối khô làm chỗ heo ngủ (để tránh muỗi), tốn nhất vẫn là cặp heo giống. Còn thức ăn thì... có gì ăn nấy. Rau muống, rau lang (kể cả một số rau dại nữa) bằm nhỏ, chuối cây xắt mỏng, trộn với cám (nhà nào cũng đi chà gạo, thay vì bán cám đi thì lấy cám về để cho heo ăn), có khi nấu thêm chút đầu cá, đầu tôm, cùng với cơm thừa canh cặn... cũng đủ cho heo... lớn vừa phải. Rồi tranh thủ xin thêm được hèm (bã rượu), đồ ăn dư của vài quán xá gần nhà, cũng là để “cải thiện” cho đám heo. Tức là, nếu người ta nuôi cho ăn đủ sức thì sau năm sáu tháng có thể xuất chuồng thì với kiểu cho ăn cầm chừng này, heo phải bảy tám tháng mới có thể bán được, khi đạt tám chín chục ký. Kiểu nuôi tiết kiệm này nếu chiếu theo cách nghĩ bây giờ thì rõ ràng không hiệu quả kinh tế nhưng lại cho ra thứ heo “sạch”, thịt ít mỡ, ngon, chắc.

Hồi đó rất nhiều người “bỏ ống” như thế, bởi sau hơn nửa năm, họ sẽ thu được một số tiền kha khá, có khi khó tính được lời lỗ rạch ròi, mà chủ yếu “lấy công làm lời”.

Hồi còn “ngăn sông cấm chợ”, người ta lén làm thịt rồi “chia” cho người trong xóm. Nói là chia nhưng là bán gần với giá chợ đen, tức là giá cao hơn các cửa hàng mậu dịch bán ra, nhưng với nhiều người, vốn thiếu thịt trầm trọng, thì ngay cả thịt mỡ dưới cổ (thịt nọng), da... cũng bán được giá và đắt hàng. Còn chủ nhà thì thế nào cũng được nồi cháo huyết, ít lòng, xương và vài ký thịt kho mặn để ăn dần. Heo nuôi và bán kiểu đó khó coi là hàng hóa nhưng cũng giải quyết được phần nào nhu cầu thiết thực của người dân, người nuôi thì có thể tích lũy được một số vốn, người quanh vùng thì có được thịt ăn với giá vừa phải và dễ mua.

3. Chuyện nuôi heo mấy mươi năm trước hóa ra bỗng lặp lại trong thời buổi kinh tế hàng hóa và vận hành theo thị trường. Nhiều người nuôi heo nhỏ lẻ gặp lúc heo hơi quá rẻ (nhưng heo thịt bán ngoài chợ thì vẫn không giảm giá!) cũng lén mổ thịt để bán với giá khá hơn bán cho lái. Ngày trước vì sợ quản lý thị trường nên người ta mới mổ lén, bây giờ lẽ ra phải đưa heo vào lò mổ tập trung, đúng quy cách để bảo đảm vệ sinh thì có người lại tự mổ để không đến nỗi quá lỗ! Nuôi heo bây giờ cũng rất vất vả, tuy thức ăn có sẵn nhưng phải lo vệ sinh chuồng trại, tiêm ngừa thường xuyên, theo dõi tình trạng sức khỏe... Bởi vậy, nhiều người vẫn mong lấy công làm lời, nhưng khi tiền bán heo “ăn vào” tiền giống, tiền thức ăn thì không chỉ công cốc mà có khi còn cụt vốn.

Một số người nuôi quy mô lớn không thể cho heo ăn cầm chừng được mà phải cho ăn đủ và tranh thủ bán sớm, bởi để càng lâu thì càng lỗ. Người nuôi quy mô nhỏ thì giết thịt bán lậu, tuy gỡ gạc cho mình nhưng không đúng quy định của nhà nước... Nuôi heo trong tình trạng này chỉ có nghèo, chứ sao khá nổi!

Đã có thêm một cuộc “giải cứu”. Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, của người dân, giá heo hơi đã nhích được một chút. Nhưng “giải cứu” không phải là một biện pháp trong nền kinh tế thị trường. Trong kinh tế thị trường, dù sự vận hành chủ yếu theo thị trường cũng không thể không có sự can thiệp của Nhà nước; trong trường hợp này, đó là quy hoạch vùng, tính toán sản lượng, đầu ra và có các biện pháp điều tiết, sử dụng các công cụ để tác động đến thị trường (như dùng các doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ vốn, giảm thuế...). Việc Nhà nước kêu gọi “giải cứu” thực ra chẳng đặng đừng, không thể dùng mãi cách này, khi mà dưa hấu, khoai tây, chuối... cũng từng được kêu gọi sự ra tay của cộng đồng.

“Muốn khá nuôi heo”, câu kinh nghiệm đó bây giờ vẫn đúng, mà lại không đúng. Đúng vì đó là một hoạt động chăn nuôi vẫn có thể sống tốt nếu người sản xuất biết nắm bắt thị trường, lựa chọn giống nuôi và cách thức nuôi sao cho an toàn, hiệu quả, phù hợp thị hiếu, chứ không phải nuôi theo kiểu “phong trào”. Không đúng vì trong bối cảnh hội nhập, kinh tế thị trường mà vẫn còn tâm lý và phương pháp sản xuất truyền thống thì không thể tồn tại được, chưa nói đến nâng cao khả năng cạnh tranh. Chuyện nuôi heo, thêm một lần nữa vỡ ra bài học không nhỏ về quản lý sản xuất nông nghiệp! Vấn đề là, ai chịu học đây? 

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến