Dòng sự kiện:
Nhiều phi công xin nghỉ việc tại Vietnam Airlines?
07/10/2015 12:00:34
ANTT.VN – “Tuy nhiên, nếu Vietnam Airlines vẫn cứ bắt buộc là phải 120 ngày thì cũng đành chấp nhận chờ đợi để chuyển thôi”...

Tin liên quan

Ảnh minh họa (nguồn: VNA)

Ngày 25/09/2015, ANTT.VN nhận được thông tin phản ánh có một số lượng không nhỏ phi công của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã gửi đơn đơn xin nghỉ việc lên hãng nhằm chuyển công tác sang một hãng bay nội địa khác.

Lý do xin nghỉ việc của các phi công này, theo phản ánh là xuất phát từ điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ.

“Các phi công xin nghỉ chủ yếu đến từ đội bay A321 và số lượng xin nghỉ đến thời điểm này là khoảng 38 người, tương ứng với nhân sự của 6 – 7 tàu”, nguồn tin cho hay.

Theo phản ánh, các phi công này đều đã nộp đơn xin nghỉ việc từ trước ngày 01/10/2015  - thời điểm mà Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải chính thức đi vào hiệu lực với quy định nhân viên hàng không trình độ cao phải thông báo trước 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động.

Nguồn tin lý giải, các đơn xin nghỉ việc được gửi trước thời điểm hiệu lực của Thông tư 41 với hi vọng sẽ được Vietnam Airlines xử lý theo quy định tại Điều 37.2 Bộ luật Lao động 2012: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với điều kiện phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc (đối với người lao động làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định dưới 12 tháng), ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn.

“Tuy nhiên, nếu Vietnam Airlines vẫn cứ bắt buộc là phải 120 ngày thì cũng đành chấp nhận chờ đợi để chuyển thôi”, một phi công cho hay.

Bàn ký hợp đồng lao động tại trụ sở Đoàn bay của VNA (ảnh: nguồn tin cung cấp)

Nguồn tin cũng cho biết, hiện nay Vietnam Airlines đang yêu cầu các phi công và kể cả học viên mới ký các hợp đồng lao động với những điều kiện mà họ cho là có lợi cho Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines phủ nhận thông tin

ANTT.VN đã liên hệ với lãnh đạo Vietnam Airlines để xác minh các phản ánh trên.

Trả lời phóng viên qua điện thoại vào chiều ngày 25/09/2015, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết “chưa nghe thấy” thông tin phi công xin nghỉ việc như phản ánh và đề nghị phóng viên liên hệ với ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn VNA để tìm hiểu cụ thể hơn.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, ông Phạm Viết Thanh

Chiều muộn ngày 05/10/2015, phóng viên nhận được thông tin phúc đáp từ Phòng PR của Vietnam Airlines.

Đối với vấn đề mà Báo phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra và không tìm thấy có thông tin như vậy. Thực tế, trong thời gian gần đây, chúng tôi có nhận được ý kiến của một số phi công bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển việc. Các phi công này hiện tại vẫn đang làm việc bình thường trong đội bay của VNA”, người có thẩm quyền của VNA cho hay.

Vị đại diện này cũng cho biết: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh thường lệ, việc tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng với người lao động, bao gồm phi công là một hoạt động bình thường.

Đối với lực lượng phi công, sau khi Bộ GTVT và Cục HK ra các thông tư, chỉ thị quy định về quản lý và chuyển việc của phi công, thì các vấn đề liên quan đã được hiểu rõ theo quy định của pháp luật và được sự đồng tình của các Bộ ban ngành liên quan.

Liên quan đến câu hỏi khoảng trống nhân sự mà các phi công xin nghỉ việc (nếu có) sẽ được VNA bù đắp thế nào (?); Hoạt động của VNA có vì đó mà xáo trộn (?), đại diện VNA cho hay:

Để thực hiện các định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển đội tàu bay và thị trường, VNA đã có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi đã chuẩn bị lực lượng đầy đủ sẵn sàng cho việc khai thác mùa thấp điểm cũng như cho mùa cao điểm sắp tới.”

Phóng viên cũng đã tiến hành liên hệ với lãnh đạo của một hãng bay nội địa, vị này cho biết thông tin một số phi công từ VNA xin nghỉ việc để chuyển sang hãng là có thật nhưng từ chối cho biết số lượng cụ thể.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin.

"Bắt" phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là sai luật (?)

Dẫn lời trên VnEconomy, LS. Lê Thành Vinh, Phó giám đốc Công ty Luật SMIC cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 41/2015/TT-BGTVT với điều khoản buộc nhân viên hàng không có trình độ cao phải báo trước 120 ngày là trái với điều 37.2 của Bộ luật Lao động năm 2012.

Bởi, Bộ Luật lao động 2012 ngoài quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn, không có quy định nào yêu cầu thời gian báo trước tối thiểu dài hơn đối với bất kỳ trường hợp người lao động hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, cũng không có bất kỳ khái niệm và ngoại lệ nào đối với nhân viên trình độ cao.

Cũng theo ông Vinh, căn cứ vào quy định của Bộ luật Lao động 2012, phi công hay những lao động kỹ thuật cao của các hãng hàng không có quyền không ký hợp đồng lao động nếu hãng hàng không yêu cầu phải báo trước 120 ngày. “Nếu hãng ép buộc người lao động ký kết hợp đồng lao động thì khi đó hãng đã vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được quy định tại điều 17 Bộ luật Lao động 2012”, luật sư Lê Thành Vinh nói thêm.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến