Dòng sự kiện:
Những 'cú sốc' trong mùa công bố báo cáo tài chính kiểm toán
02/09/2018 07:00:24
Báo cáo tài chính bán niên soát xét của các doanh nghiệp niêm yết còn ghi nhận hàng loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên liên quan đến chuẩn mực kế toán, dòng tiền.

Bên cạnh những câu chuyện tăng lỗ, hay từ lãi thành lỗ, báo cáo tài chính bán niên soát xét của các doanh nghiệp niêm yết còn ghi nhận hàng loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên liên quan đến chuẩn mực kế toán, dòng tiền. Thậm chí, một số công ty còn bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do tình trạng tài chính ở mức báo động.

Sau mỗi mùa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, niềm tin của nhà đầu tư lại bị lung lay theo sự chênh lệch của các số liệu. Ảnh: ST.

Hàng loạt cổ phiếu bị loại khỏi danh mục ký quỹ

Theo thống kê của phóng viên Báo Hải quan, tính tới thời điểm hiện tại, trên sàn Hà Nội có 52 mã chứng khoán không được giao dịch ký quỹ. Ngoài hai mã là TDT và HHT không được giao dịch ký quỹ do có thời gian niêm yết dưới 6 tháng, các mã còn lại đều có nguyên nhân xuất phát từ báo cáo tài chính bán niêm soát xét năm 2018.

Trong đó có 26 mã có kết quả kinh doanh sau soát xét là số âm và 24 mã bị đưa ra khỏi danh sách chứng khoán được giao dịch ký quỹ do có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán đối với báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2018 của công ty. Trên sàn TP.HCM cũng có 15 mã chứng khoán không được giao dịch ký quỹ do các nguyên nhân đến từ báo cáo tài chính bán niên soát xét.

Trong đó, có nhiều cái tên từ lãi chuyển thành lỗ như ATG (Công ty CP Trường An) hay tăng lỗ như HVG (Thủy sản Hùng Vương). Thậm chí, Hãng kiểm toán AASC còn đưa ra ý kiến từ chối đối với báo cáo tài chính bán niên 2018 của Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) vì nhiều vấn đề.

Cụ thể, PVR chưa thực hiện xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty CP Đầu tư Phát triển Bình An với giá trị là 205 tỷ đồng. Mặt khác, các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu và công nợ phải trả của PVR tại ngày 30/6/2018 chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ. Đơn vị kiểm toán cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng về việc liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng với các khoản mục này hay không.

Giải trình về những ý kiến trên của kiểm toán viên, ông Đỗ Duy Điền, Tổng giám đốc PVR cho biết, tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2017 và bán niên 2018, PVR chưa thu thập được báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư Phát triển Bình An, đơn vị đã gửi văn bản và liên lạc trực tiếp với Công ty này đề nghị cung cấp báo cáo tài chính làm cơ sở cho việc trích lập dự phòng nhưng phía Công ty Bình An không cung cấp cho PVR. Vì vậy, PVR không có cơ sở để trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này. Đối với các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu và công nợ phải trả, theo ông Điền, các khoản này đã được công ty theo dõi và giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, do thời gian lập báo cáo sớm nên nhiều khoản công nợ công ty chưa kịp gửi thư xác nhận đầy đủ. Theo đó, PVR sẽ cố gắng hoàn thiện đầy đủ và cung cấp cho kiểm toán viên, đồng thời công ty sẽ ghi nhận các khoản công nợ phải thu, phải trả và các khoản đầu tư tài chính chưa có đối chiếu là đúng.

Trong khi đó, Công ty CP Xây dựng điện VNECO 1 bị kiểm toán lưu ý về việc trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty đã thực hiện chi lương còn lại của năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 vượt quá số dư của nguồn lương đã trích với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Việc chi trả quá nguồn lương đã trích là chưa phù hơp với quy chế tiền lương đã ban hành. Giải trình về ý kiến này của kiểm toán, ông Đoàn Tuấn Anh, Tổng giám đốc VNECO 1 cho biết, những năm gần đây, tình hình kinh doanh của công ty khó khăn, doanh thu không đủ bù chi phí. Do đó, công ty phải tạm ứng trước tiền lương cho người lao động để đảm bảo mức sống tối thiểu và duy trì lực lượng lao động cần thiết cho những lúc có nhiều công trình.

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Trong báo cáo tài chính bán niên soát xét của Tổng công ty Licogi, hãng kiểm toán AASC đã nhấn mạnh về việc tổng nợ ngắn hạn của Công ty mẹ Licogi tại ngày 30/6/2018 vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.337 tỷ đồng. Lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán riêng giữa niên độ là gần 393 tỷ đồng, chiếm 44% vốn điều lệ của Tổng công ty. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng có sự sụt giảm lớn so với cùng kỳ năm trước. Với những yếu tố như trên cùng với hàng loạt vấn đề ngoại trừ về số dư đầu năm liên quan đến phê duyệt cổ phần hóa, dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long, khu đô thị mới Thịnh Liệt, các khoản phải trả…, hãng kiểm toán AASC nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty Licogi.

Kiểm toán của AASC cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc tại thời điểm 30/6/2018, chi nhánh Licogi 1 của công ty mẹ chưa ghi nhận khoản lãi chậm nộp do chậm thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước với số tiền phạt chậm nộp theo ước tính của kiểm toán viên là 1,52 tỷ đồng. Nếu công ty mẹ Licogi ghi nhận bổ sung khoản tiền phạt chậm nộp thuế này thì lợi nhuận trước thuế trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng giữa niên độ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán sẽ giảm số tiền tương ứng và sẽ xuống mức dưới 1 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty CP Thuận Thảo thì ghi nhận chênh lệch giảm của hàng loạt chỉ tiêu so với báo cáo tài chính tự lập của công ty như tổng tài sản, phải thu ngắn hạn, phải trả ngắn hạn, nợ phải trả,… Theo giải trình của ông Võ Hoàng Chương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuận Thảo, những chênh lệch này là do sai sót trong quá trình tập hợp số liệu. Trong báo cáo soát xét, Công ty kiểm toán Nam Việt cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc công ty đã phát sinh khoản lỗ thuần sau thuế hơn 79 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018; lỗ lũy kế đến ngày 30/6 là hơn 1.159 tỷ đồng.

Số lỗ này đã vượt quá vốn chủ sở hữu và tại thời điểm đó các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.322 tỷ đồng. Khoản cho vay và lãi cho vay đã quá hạn thanh toán chưa thu hồi với số tiền là 453 tỷ đồng; các khoản vay đến hạn trả và lãi vay chưa thanh toán với số tiền là 1.206 tỷ đồng; các khoản thuế và lãi phạt chậm nộp thuế với số tiền là 127 tỷ đồng. Với những yếu tố trên, kiểm toán viên cũng đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Thuận Thảo.

Tương tự, kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công CP XNK tổng hợp 1 Việt Nam (TH1). Theo đó, kiểm toán nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế 292 tỷ đồng tại ngày 30/6/2018. Cùng với đó, toàn bộ các khoản vay vốn ngân hàng đã quá hạn thanh toán trong khi các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên. Đồng thời trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty có lợi nhuận trước thuế lỗ 15,3 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 5 tỷ đồng.

Theo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến