Những điều cần biết về cuộc họp lịch sử của FED
16/09/2015 21:16:27
ANTT.VN - Tại sao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại nên, hay không nên nâng tỉ lệ lãi suất vào thời điểm này, và ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế thế giới sẽ như thế nào... là những kiến thức bạn nên biết trước thềm cuộc họp lịch sử của FED tuần này.

Tin liên quan

Lãi suất của FED là lãi suất gì, và Ủy ban Thị Trường mở Liên bang (FOMC) là gì?

Lãi suất của FED (Federal funds rate) là lãi suất mà các tổ chức tín dụng (thường là các ngân hàng) cho nhau vay phần vốn dự trữ bắt buộc dư thừa (hoặc thiếu hụt tạm thời) đang nằm trong quỹ dự trữ liên bang theo yêu cầu, nhằm đảm bảo tỉ lệ dự trữ bắt buộc của FED đối với các tổ chức tín dụng này (có thể gọi là lãi suất điều hoà vốn dự trữ qua đêm).

FED công bố mức lãi suất điều hoà vốn dự trữ trong mỗi thời kỳ (Fed Funds Target Rate) làm cơ sở cho việc thiết lập các mức lãi suất khác trên thị trường, thông qua đó FED thực hiện điều hành chính sách tiền tệ.

Fed Funds Rate được xác lập bởi Uỷ ban Thị Trường mở Liên bang (Federal Open Market Committee - FOMC) định kỳ 8 lần trong một năm (khoảng 6 tuần/lần) và các cuộc họp bất thường trong trường hợp cần thiết. FED dùng các công cụ thị trường mở tác động tới việc cung tiền để hướng Fed Funds Rate theo lãi suất mục tiêu đảm bảo sự phù hợp giữa các chỉ số kinh tế vĩ mô với nhau.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bà Janet Yellen và phó chủ tịch ông Stanley Fischer

Cuộc họp của FED sẽ diễn ra như thế nào?

12 thành viên của FOMC sẽ nhóm họp vào thứ 4 và thứ 5 tuần này để thông qua việc có tăng tỉ lệ lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỉ qua hay không. Quyết định cuối cùng của nó sẽ được thông báo vào lúc 2h chiều thứ 5 (giờ Washington DC – 1h rạng sáng thứ 6 giờ Việt Nam). Bà chủ tịch - Janet Yellen, sẽ chủ trì một cuộc họp báo nửa giờ sau khi thông báo chính thức được đưa ra.

Những kết quả từ cuộc họp trước hồi tháng 7 cho thấy rằng các thành viên đã sẵn sàng cho một sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ của tổ chức này.

Tại sao tỉ lệ lãi suất lại thấp đến vậy trong những năm qua?

Giai đoạn 2007-2008. Bong bóng bất động sản đổ vỡ đã nhanh chóng dẫn tới khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Một loạt các công ty, ngân hàng phá sản, tỉ lệ thất nghiệp lên cao kỷ lục, nền kinh tế Mỹ rơi vào bóng ma Đại suy thoái 1929-1930s.

Nhằm kích thích nền kinh tế tránh rơi vào kịch bản tồi tệ trên, ngoài tung ra chương trình gọi là “Nới lỏng định lượng (QE)” nhằm bơm tiền vào nền kinh tế; FED còn liên tục giảm tỉ lệ lãi suất từ mức 5,25% cuối năm 2007 xuống xấp xỉ 0% vào tháng 12/2008 và duy trì ở mức này cho tới bây giờ. Mục tiêu của FED là khiến các khoản vay trở nên rẻ hơn, khuyến khích vay mượn và đầu tư trở lại nền kinh tế.

Lãi suất của FED trong 8 năm qua và dự đoán cho 5 năm tiếp theo

Vậy tại sao Fed lại nên tăng lãi suất bây giờ?

Tuần này đánh dấu 7 năm kể từ ngày Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư lớn thứ tư Mỹ lại thời điểm đó sụp đổ. Sau quãng thời gian dài đầy khó khăn, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi và từng bước vượt qua tàn dư của cuộc khủng hoảng 2008.

Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8 là 5,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2008. Nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định với GDP tăng 3,7% trong quý II năm nay.

Mặc dù chỉ số lạm phát của Mỹ trong những tháng gần đây duy trì rất thấp, tuy nhiên giới chuyên gia vẫn cho rằng lạm phát vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của FED, khiến cơ quan này nhiều khả năng sẽ cương quyết tăng lãi suất ngay trong tuần này.

Khác với các ngân hàng Trung ương khác sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), FED sử dụng một báo cáo gọi là Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE- Pesonal Consumption Expenditure) để tính toán tốc độ lạm phát. Chỉ số này đang ở mức gần 0%, cách xa ngưỡng mục tiêu 2% của FED.

“Lạm phát không phải là vấn đề bây giờ, tuy nhiên mức lãi suất thấp như hiện nay có thể là mầm mống cho lạm phát trong tương lai. Nếu lạm phát bùng nổ, FED sẽ bắt buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ ngay lập tức, những thiệt hại lúc đấy đối với nền kinh tế Mỹ và thế giới có thể sẽ không lường hết được”, chuyên gia phân tích cao cấp David Folkerts - Landau, ngân hàng Deutsche cho biết.

Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Stanley Fischer gần đây cũng cho rằng có những lý do rõ ràng để tin rằng lạm phát sẽ nhích lên, trong bối cảnh những yếu tố giúp kiềm chế nó đang dần mất đi tác dụng.

Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp nhất 7 năm qua

Tại sao lại nên hoãn?

Trong khi mọi yếu tố dường như đang ủng hộ FED tăng lãi suất lúc này, vẫn còn những lý do để tin rằng đây chưa phải lúc thích hợp cho một sự thay đổi.

Thị trường tài chính thế giới những tháng gần đây liên tục diễn biến bất thường, cùng với những dấu hiệu cho thấy động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại. Đặc biệt tăng trưởng đang giảm tốc rõ rệt ở Trung Quốc - đầu tàu của cả nền kinh tế thế giới những năm qua.

Tăng lãi suất bây giờ sẽ khiến chi phí đi vay tăng cao, thị trường chứng khoán dốc xuống là không thể tránh khỏi, ít nhất là trong ngắn hạn.

Nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu FED tăng lãi suất?

Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi được đặt ra là bao giờ, chứ không phải có nên tăng hay không. Và cho dù FED có quyết định tăng ngay bây giờ, cuối năm hay năm sau đi nữa, thì đấy có thể xem như là điểm mốc đầu tiên trên đồ thị dốc lên trong lãi suất của FED.

Đồng USD và tỉ suất lợi nhuận của trái phiếu chính phủ Mỹ gần như sẽ tăng ngay lập tức nếu FED tăng lãi suất. Đồng nghĩa với chi phí đi vay sẽ cao hơn. Đấy là tin tốt nếu đối với những người gửi tiết kiệm, và dĩ nhiên sẽ không vui vẻ gì với người đi vay.

Tỉ lệ lãi suất của 4 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong 10 năm qua và dự báo cho 3 năm tiếp theo

Tác động tới bên ngoài nước Mỹ như thế nào?

Những quan ngại lớn nhất về việc FED tăng lãi suất xuất phát chủ yếu từ các thị trường mới nổi.

Trong những năm qua, dòng USD chảy vào các nền kinh tế mới nổi nhằm kiếm lời trong khi lãi suất chạm đáy tại Mỹ. Tuy nhiên nếu lãi suất được FED tăng lên, các quỹ đầu tư sẽ đảo ngược dòng chảy USD này trở lại Mỹ nhằm kiếm chênh lệch, khiến dự trữ ngoại hối và giá trị đồng tiền của những quốc gia này sẽ giảm mạnh.

Đối với khu vực Eurozone, việc FED tăng lãi suất có thể gây xung đột với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện nay. Trong bối cảnh giới lãnh đạo ngân hàng này đang cân nhắc mở rộng gói “Nới lỏng định lượng (QE)” vốn đang phát huy hiệu quả trong thời gian qua. 

Nghi Điền (Theo The Guardian)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến