Dòng sự kiện:
Những doanh nghiệp đang đứng trước 'án hủy niêm yết'?
15/05/2019 08:03:10
Một điểm chung về các doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết là chất lượng tài sản đang ở mức báo động. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này thể hiện vay nợ chiếm tỷ trọng cao, khả năng thanh toán yếu kém...

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán sôi động, giá trị giao dịch tăng cao, chỉ số chứng khoán liên tục tiến lên các mức cao mới so với nhiều năm trước. Chẳng hạn, trên HOSE, chỉ số VN-Index hiện vượt ngưỡng 720 điểm, cao nhất trong 9 năm và tăng khoảng 10% so với cuối năm 2016; giá trị giao dịch thường xuyên đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên, gấp đôi so với bình quân quý IV/2016 và gấp 10 so với bình quân cùng kỳ 4 năm trước.

Tuy nhiên, giao dịch chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ cổ phiếu. Thống kê cho thấy, trong tổng số hơn 700 công ty niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX, gần 1/3 số cổ phiếu có thanh khoản rất thấp, thậm chí không có giao dịch. Bên cạnh đó, rất nhiều cổ phiếu không tăng giá. Hiện có hơn 36% số cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá, trong đó gần một nửa có giá vài ba ngàn đồng.

Nguyên lý “80/20” của kinh tế học một lần nữa “ứng nghiệm” ở thị trường chứng khoán Việt Nam: “khoảng 20% doanh nghiệp niêm yết chiếm tới 80% vốn hóa và 80% thanh khoản thị trường”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cổ phiếu có thanh khoản thấp, diễn biến giá “ì ạch” chủ yếu là kết quả kinh doanh không tương xứng với quy mô vốn của doanh nghiệp, một bộ phận doanh nghiệp thua lỗ. Theo thống kê, năm 2016, trên HOSE có 6% số doanh nghiệp thua lỗ. Trên HNX, tính riêng quý IV/2016, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ là 11,3%.

Chưa thông báo chính thức, nhưng Sở GDCK Hà Nội đã ra thông báo yêu cầu CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB) giải trình nguyên nhân Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt tại Hà Nội từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2017 và 2018 của công ty – thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết.

Bên cạnh đó Sở GDCK Hà Nội cũng có công văn gửi CTCP Xi măng Sài Sơn (mã chứng khoán SCJ) với nội dung, ngày 20/3/2019 Sở GDCK Hà Nội đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết của Xi măng Sài Sơn đối với 18.323.000 cổ phiếu chào bán riêng lẻ để hoán đổi công nợ theo Nghị quyết ĐHCĐ bất thường của công ty.

Sở GDCK Hà Nội nhận thấy sau khi hoán đổi thuộc diện bị hủy niêm yết theo quy định. Hiện sở GDCK Hà Nội đang từ chối thay đổi đăng ký niêm yết và đề nghị công ty báo cáo giải trình.

Cụ thể, theo giải trình từ phía công ty, sau khi phát hành cổ phiếu hoán đổi công nợ cho ông Nguyễn Sỹ Tiệp với số cổ phiếu 18.323.000, nâng tổng vốn điều lệ lên gần 378,4 tỷ đồng. Tuy nhiên tình hình kinh doanh năm 2018 của công ty không thuận lợi với khoản LNST chỉ hơn 5,3 tỷ đồng. Sau khi hoán đổi công nợ, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 1,48%, thấp hơn tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tối thiểu để được niêm yết trên HNX là 5%. Do vậy Xi măng Sài Sơn thuộc diện chứng khoán bị hủy niêm yết.

Cổ phiếu ASA của CTCP Hàng Tiêu dùng ASA cũng đang bị đưa vào diện bị tạm ngừng giao dịch để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Theo Sở GDCK Hà Nội, đến ngày 12/4/2019 công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, báo cáo soát xét năm 2018 và báo cáo tài chính kiểm toán quý 4/2018 và BCTC kiểm toán năm 2018.

Sở GDCK Hà Nội xét thấy cần thiết hủy niêm yết cổ phiếu ASA để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hiện sở đang chờ giải trình từ phía công ty.

Cổ phiếu ALV của CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng ALV cũng đứng trước nguy cơ hủy niêm yết khi 3 năm liên tiếp 2016, 2017, 2018 thua lỗ. Tuy nhiên công ty chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2018. Chứng khoán ALV thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định. Sở GDCK Hà Nội đang yêu cầu công ty công bố giải trình.

Một điểm chung về các doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết là chất lượng tài sản đang ở mức báo động. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này thể hiện vay nợ chiếm tỷ trọng cao, khả năng thanh toán yếu kém, khoản phải thu cũng như tồn kho lớn. Đặc biệt, trong các báo cáo năm vừa qua của OGC, JVC, TTF…, kiểm toán đã có nhiều ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh về các khoản mục có nguy cơ ảnh hưởng trọng yếu đến chất lượng báo cáo tài chính.

Việc rơi vào tình cảnh bị hủy niêm yết bắt buộc là một “bước lùi” mà hầu hết doanh nghiệp và cổ đông đều không mong muốn. Tuy vậy, ý kiến chung của các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, hiện tượng hủy niêm yết là bình thường, thậm chí còn có ý nghĩa tích cực. Sự thanh lọc là cần thiết để hạn chế tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, cải thiện chất lượng cổ phiếu niêm yết, chất lượng thị trường, giảm rủi ro và tăng niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tự phát triển.

Việc nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp rơi vào tình trạng nói trên, chờ kết quả khởi sắc là quyết định của mỗi nhà đầu tư và cũng có người thu được thành công nhờ chiến lược này. Tuy nhiên, cần lưu ý, hủy niêm yết gần như là mức cảnh báo cao nhất đến mức độ an toàn, minh bạch về mặt tài chính của doanh nghiệp.

Mai An

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến