Phá giá đồng Việt Nam, bao nhiêu là đủ?
18/08/2015 11:08:54
Sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 11/8, các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm giá khoảng 0,5 - 2% so với USD và TTCK toàn cầu cũng có sự sụt giảm mạnh.

Tin liên quan

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự báo, có thể Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến. Ở Việt Nam, NHNN ngay lập tức đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%, có thể hiểu gần như điều chỉnh VND ở mức 1%.

Thị trường ngoại hối Việt Nam cuối tuần qua ghi nhận giá USD chạm trần tại các NHTM. Cụ thể, tỷ giá USD/VND của Vietcombank, BIDV dao động ở mức mua vào 22.035 đồng/USD và bán ra là 22.105 đồng/USD, tăng 15 đồng ở cả hai chiều so với hôm trước. Tỷ giá cũng được ACB đẩy lên kịch trần khi giá mua - bán được niêm yết ở mức 22.050 - 22.106 đồng/USD, tăng 20 đồng ở chiều mua vào và tăng 6 đồng ở chiều bán ra. HSBC và Techcombank cũng niêm yết tỷ giá tại 22.000 đồng/USD mua vào và 22.106 đồng/USD bán ra, tăng 20 đồng chiều mua vào và 6 đồng chiều bán ra so với ngày 13/8…

Cuối tuần qua, giá USD được các NHTM niêm yết chạm mức trần

Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng cho biết, cuối tuần trước đó có những thời điểm ngân hàng không đủ ngoại tệ để bán cho khách hàng. Điều này rất đáng quan ngại bởi tạo tâm lý lo lắng cho khách hàng. Theo đó, một số khách hàng đã bắt đầu mua ngoại tệ nhiều hơn sau khi đã bán ra chứng khoán và trái phiếu khá nhiều trước đó. Nếu ngân hàng có đủ thanh khoản sẽ không vấn đề gì, nhưng nếu không đủ, các nhà đầu tư sẽ đặt nghi vấn: thị trường ngoại hối Việt Nam đang có vấn đề gì?

“Ngân hàng dự tính sẽ có những khách hàng trong tuần sau sẽ mua vào ngoại tệ, nên ngân hàng phải tính đến việc mua dần khoảng 20 - 30 triệu USD ngay từ bây giờ, thậm chí chịu lỗ để giành ngoại tệ cho khách hàng. Ngân hàng cũng đồng thời tư vấn cho những khách hàng đến cuối tháng sẽ phải thanh toán, nên cần mua ngoại tệ dần ngay từ bây giờ”, vị phó tổng giám đốc trên nói.

Chia sẻ với ĐTCK, giám đốc phụ trách ngoại hối của một ngân hàng cho biết, trong buổi sáng ngày 14/8, có những thời điểm thị trường khá căng thanh khoản. Sau khi BIDV và VietinBank bán ra ngoại tệ, khách hàng mới được mua nhiều hơn và mức độ căng thẳng đã giảm chút ít.

“Trong buổi sáng, NHNN đã phải bán ra khoảng 300 triệu USD”, vị giám đốc này ước tính, “nhưng tình hình vẫn khá căng và chắc chắn NHNN không thể cứ bán ngoại tệ ra. Có lẽ, cần tính đến giải pháp lâu dài hơn”.

Ở góc độ tiền đồng, theo tìm hiểu của ĐTCK, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 5%. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang cố gắng nắm giữ tiền mặt.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Trung Quốc vừa có động thái rất mạnh về chính sách lãi suất và tỷ giá, trong khi quốc gia này là một đối tác kinh tế lớn, quan trọng của Việt Nam, nên áp lực về tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ căng hơn so với các năm trước.

“Quyết định điều chỉnh tăng biên độ của NHNN đúng lúc nhưng chưa đủ và lần điều chỉnh tỷ giá VND này có thể không phải là lần điều chỉnh cuối cùng trong năm nay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, khi các nước trong khu vực đã phá giá đồng tiền của nước mình, đặc biệt Trung Quốc phá giá mạnh nhất tới gần 5%, thì việc Việt Nam phá giá đồng tiền 1% là điều chấp nhận được”.

Đồng quan điểm, vị giám đốc ngoại hối trên cũng cho rằng, đây là cơ hội tốt để NHNN điều chỉnh tỷ giá mà không sợ gây sốc trên thị trường. Cụ thể, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng, chẳng hạn nếu 1% tương đương khoảng 200 điểm, thì sẽ thay đổi dần dần với mức khởi đầu là 30 điểm, sau đó 20 điểm, sau đó có thể giảm, rồi lại tăng…

“Các DN sẽ phải định hướng điều chỉnh tỷ giá theo hướng đi lên, nếu có rủi ro về ngoại hối sẽ sử dụng biện pháp phòng vệ rủi ro (hedging)”, vị giám đốc trên nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “NHNN nên có lộ trình tăng tỷ giá cho phù hợp với mức của thị trường như trong vòng 3 năm tới, mỗi năm điều chỉnh tỷ giá từ 3 - 4%”.

Tuy nhiên, đó là khuyến cáo của các chuyên gia, đứng ở góc độ nhà quản lý, quyết định điều chỉnh tỷ giá ở mức độ nào, chắc chắn NHNN sẽ phải cân nhắc tổng thể ở nhiều khía cạnh: điều chỉnh 1%, liệu thị trường có ổn định được? Điều chỉnh tỷ giá có hỗ trợ được cho xuất khẩu? Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn nhận việc phá giá đồng Việt Nam như thế nào? Rõ ràng, điều hành tỷ giá là phần việc đầy tính nhạy cảm và cần cân nhắc thận trọng.  

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến