Quản 3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước: Nên là 'nhà đầu tư' chứ không phải 'nhà quản lý'
28/07/2016 10:49:41
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc thành lập ủy ban hiện nay là vấn đề mà rất nhiều người, cả giới chuyên gia, các nhà quản lý đều nghi ngại về tính khả thi.

Tin liên quan

Lập một ủy ban để quản lý được tới 30 tập đoàn, tổng công ty ở các ngành nghề khác nhau là thách thức lớn. Ảnh: T.L

Thời báo Tài chính Việt Nam tiếp tục đăng tải các ý kiến chia sẻ quan điểm về việc lập siêu ủy ban để quản lý 3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trả lời trên báo chí mới đây, tác giả của đề xuất “siêu ủy ban” khẳng định đây không phải là cơ quan hành chính mà sẽ hoạt động như một nhà đầu tư chịu trách nhiệm về sử dụng và đảm bảo hiệu quả đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quan điểm của ông thế nào?

Đối với một quỹ đầu tư hay nhà đầu tư thì vấn đề quản trị của quỹ đầu tư đó cần đảm bảo được thông điệp thị trường và nó hoàn toàn tách biệt bởi sự can thiệp của hành chính nhà nước. Đối với ủy ban lại là một cơ quan quản lý hành chính thuộc Chính phủ như vậy sẽ dễ xảy ra xung đột lợi ích, và đây cũng là việc chưa từng xảy ra.

Nếu muốn làm những điều đó chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để xử lý quy chế, quy trình làm sao cho một cơ quan quản lý nhà nước hoạt động như mô hình doanh nghiệp, một quỹ đầu tư “lời ăn lỗ chịu” đó là cả một cuộc cách mạng và có thể đạt được, nhưng vô hình chung mô hình ủy ban phải trải qua thời gian mất từ 3 - 4 năm.

Hiện nay, chúng ta đã có một mô hình công ty quản lý, đầu tư kinh doanh vốn SCIC, doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm 10 năm và đến bây giờ đã thực sự bước vào guồng. Do đó, giữa cái thành lập mới và lựa chọn mô hình như tác giả nói trên hay biến ủy ban thành một cơ quan đầu tư vốn thì tại sao không củng cố lại mô hình của công ty đầu tư kinh doanh vốn kia.

Có ý kiến cho rằng không nên thành lập “siêu ủy ban” mà nên thành lập 2, 3 tập đoàn tài chính nhà nước hoạt động giống như SCIC, ý kiến của ông ra sao?

Đây là hướng đi của nhiều quốc gia phát triển, ở Trung Quốc đã thành lập một siêu ủy ban đến nay cũng đã kiện toàn cải cách lại ủy ban này.

Đối với Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp lớn, tập trung ở hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các địa phương lớn và ở các khối trung ương thì giai đoạn đầu có thể thành lập 2, 3 công ty đầu tư.

Trên thực tế, Bộ Chính trị đã cho phép ngoài SCIC, thành lập thêm các công ty đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ban đầu có thể thành lập 2 - 3 công ty là hợp lý, phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 là thành lập một mô hình phù hợp với tình hình mới.

Thưa ông, quá trình cổ phần hóa DNNN vẫn đang diễn ra và được đẩy mạnh, vậy tương lai khi phần vốn nhà nước ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, chi phối sẽ giảm đi thì sự thành lập một ủy ban như vậy có cần thiết?

Thời gian tới đây Nhà nước sẽ trở thành nhà đầu tư và theo đúng quy định của pháp luật thì các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn vốn nhà nước sẽ chuyển giao về SCIC, rõ ràng quy trình và quy định đã có và cần tổ chức thực hiện.

Vừa qua có một số bộ, ngành không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo chí đã đưa tin. Vấn đề quan trọng ở đây là cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và ý thức người đứng đầu doanh nghiệp. Thực hiện đúng như lộ trình giảm vốn và giảm số lượng DNNN thì việc thành lập ủy ban cần cân nhắc kỹ.

Theo ông, việc thành lập một “siêu ủy ban” hay tập đoàn tài chính nhà nước tương tự giống SCIC thì liệu có thay đổi được những tồn tại trong quy chế bộ chủ quản hiện nay hay không?

Vấn đề tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu nếu thực sự tách rời hẳn được thì việc thành lập ủy ban hay tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn cũng chỉ là mô hình.

Muốn mô hình vận hành tốt phải có hệ thống giám sát kiểm tra, doanh nghiệp cần công khai minh bạch và luật pháp đã quy định điều này. Khi đã công khai minh bạch thì không chỉ nhà đầu tư mà cộng đồng xã hội, báo chí cũng tham gia việc giám sát sẽ đảm bảo chặt chẽ vấn đề thông tin. Luật cũng đã quy định, giao cho Bộ Tài chính giám sát, đánh giá hiệu quả, công khai thông tin tài chính và cùng với các bộ quản lý ngành khác thực hiện giám sát, kiểm tra.

Đối với việc thành lập ủy ban thì đây vẫn là cơ quan nhà nước, là đồng nghiệp với nhau sẽ có sự du di. Mặt khác, đối với một cơ quan quản lý hành chính nhà nước thì chưa có quy định công khai, minh bạch thông tin kiểu gì, ra sao - đó sẽ là một hạn chế cần xem xét. Nếu không, vô hình chung, Nhà nước là người quản lý, ban hành quy chế sẽ có những cơ chế để phục vụ, bảo vệ cho bản thân.

Xin cảm ơn ông!           

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến