Dòng sự kiện:
SCIC tiếp tục tái cơ cấu đến năm 2020
23/12/2017 19:15:12
Sau khi tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoàn tất, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cần có đủ năng lực để có thể trở thành một định chế đầu tư chuyên nghiệp, có sức mạnh lớn trường.

Tiếp nối đề án tái cơ cấu đến năm 2020

Mới đây, ngày 13-12-2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 2012/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại SCIC đến năm 2020. Với quyết định trên, Chính phủ đặt ra hai mục tiêu rất rõ. Thứ nhất là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Thứ hai là tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa SCIC thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Trở thành một định chế đầu tư chuyên nghiệp, có sức mạnh lớn trên thị trường là con đường chắc chắn phải đi sau khi SCIC thoái hết vốn tại các “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, FPT, DHG, BMP, NTP... Ảnh: THÀNH HOA

Nếu như xem xét kỹ thì Quyết định số 2012 vừa được ký về cơ bản có nội dung không khác mấy so với Quyết định số 2344/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến năm 2015 được ký ngày 2-12-2013. Như vậy có thể hiểu Quyết định 2012 là một sự nối tiếp của Quyết định 2344 với khung thời gian được kéo dài đến năm 2020. Trong cả hai quyết định này, ngành nghề kinh doanh chính của SCIC vẫn được xác định là: i) Đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; ii) Tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; iii) Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành. Bên cạnh ba ngành nghề kinh doanh chính như trên thì SCIC cũng được phép hoạt động ở một số ngành nghề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính như: đầu tư và kinh doanh vốn vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế; cung cấp các dịch vụ tư vấn: đầu tư, tài chính, chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp...

Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa quyết định được ký năm 2013 và năm 2017 chính là phương án phân loại, sắp xếp lại doanh nghiệp. Trong quyết định năm 2013, các doanh nghiệp được phân làm năm nhóm: duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (gồm ba doanh nghiệp); doanh nghiệp SCIC nắm giữ, đầu tư dài hạn (bốn doanh nghiệp); doanh nghiệp SCIC có cổ phần, vốn góp chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (24 doanh nghiệp); thực hiện cổ phần hóa, SCIC nắm giữ cổ phần chi phối (hai doanh nghiệp) và thoái vốn nhà nước (376 doanh nghiệp). Trong khi đó, phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020 trong quyết định được ký mới đây là thực hiện theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ký ngày 10-7-2017. Theo đó, phương án phân loại cũng xếp các doanh nghiệp theo năm nhóm nhưng có nội dung khác so với quyết định năm 2013. Cụ thể năm nhóm đó là: doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa và bán vốn (năm doanh nghiệp); doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư, nắm giữ (hai doanh nghiệp); doanh nghiệp SCIC bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017-2020 (132 doanh nghiệp); doanh nghiệp SCIC xử lý theo phương thức đặc thù khác (ba doanh nghiệp) và doanh nghiệp SCIC chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017-2020 (bốn doanh nghiệp).

Chuẩn bị cho bước phát triển mới

Ra đời cách đây hơn 10 năm, ở một mức độ nhất định, SCIC đã hoàn thành trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; thực hiện đầu tư vốn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong nền kinh tế, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy luật thị trường. SCIC đã và đang trở thành đầu mối tích tụ vốn, từ đó giúp Chính phủ thực hiện các khoản đầu tư chỉ định.

Cũng trong khoảng thời gian đó, hoạt động đầu tư, kinh doanh của SCIC đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm là 56%, vốn chủ sở hữu tăng bình quân 31%/năm, tổng tài sản tăng bình quân 36%/năm, các chỉ số ROE tăng bình quân 19% và ROA tăng bình quân 15%/năm. Đến nay, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 144 doanh nghiệp với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách là 18.098 tỉ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 87.991 tỉ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017, SCIC đặt mục tiêu tổng doanh thu 11.241 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.330 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.343 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vai trò của SCIC trong tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn gặp không ít tồn tại và hạn chế. Trước hết là tiến độ bàn giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC diễn ra còn chậm, trong khi việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những thời điểm thị trường chứng khoán không thuận lợi. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chưa được triển khai nghiêm túc, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định.

Chính vì những hạn chế trên, việc phải tiếp tục tái cơ cấu SCIC nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổng công ty này theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật là vô cùng cần thiết. Ngoài mong muốn tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, Chính phủ cũng mong muốn đưa SCIC trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Xa hơn nữa, sau khi tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoàn tất, SCIC cần có đủ năng lực (cả về mặt quản trị lẫn chuyên môn) để có thể trở thành một định chế đầu tư chuyên nghiệp, có sức mạnh lớn trên thị trường. Thậm chí SCIC có thể xem xét đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài thay vì chỉ chăm chăm gửi tiết kiệm như một vài năm trước nhằm giúp cho các khoản vốn nhà nước đã thoái được sinh lời tối đa. Đây là con đường chắc chắn phải đi sau khi SCIC thoái hết vốn tại các “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, FPT, DHG, BMP, NTP...  

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến