Sếp Vinashin sở hữu 40 biệt thự, căn hộ, nhà đất
15/07/2015 08:35:30
Sau 5 năm săn lùng, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt được Giang Kim Đạt, kẻ đã lợi dụng chức vụ tham ô gần 20 triệu USD trong vụ Vinashin.

Tin liên quan

Trong suy nghĩ nhiều người, vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã khép lại sau phiên tòa phúc thẩm tháng 8/2012, các bản án có hiệu lực thi hành đối với Phạm Thanh Bình và đồng phạm. Nhưng với cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đó mới chỉ “chương 1”. Việc mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng còn “ngoài lưới” và truy thu tài sản tham nhũng là yêu cầu quan trọng, cấp thiết, dù đây là hành trình vô cùng gian nan và khó đoán định.

Cuộc truy tìm xuyên quốc gia

Đây là một trong những vụ án mà số tài sản tham nhũng được thu hồi cho Nhà nước rất lớn, lên đến gần 20 triệu USD, tương đương hơn 400 tỷ đồng. Việc bắt giữ Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng Phòng kinh doanh Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) là một chiến công đặc biệt xuất sắc, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ đạo tại cuộc họp với ban chuyên án.

Kể lại hành trình 5 năm săn lùng Giang Kim Đạt, Trung tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục An ninh nhớ lại: Ngày 13/7/2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thông báo kết luận ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.

Ngày 3/8/2010, Tổng cục An ninh II (nay là Tổng cục An ninh) xác lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin. Quá trình điều tra, Tổng cục An ninh chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp Cục An ninh điều tra, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương đã khởi tố 12 vụ, 39 bị can, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 đối tượng.

Phần 1 vụ án đã khép lại sau phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 8/2012, trong đó Phạm Thanh Bình bị phạt 20 năm tù, phải bồi thường thiệt hại hơn 500 tỉ đồng; Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Công ty viễn dương Vinashin 19 năm tù, buộc bồi thường hơn 495 tỉ đồng... Các bị cáo còn lại cũng buộc phải bồi thường nhiều tỉ đồng.

Thời điểm đó, vụ án Vinashin phát lộ gây chấn động dư luận bởi sự móc ngoặc, ăn chia, gây thất thoát số tiền, tài sản cực lớn của Nhà nước, gây bức xúc dư luận và đặt ra áp lực lớn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Trước bối cảnh đó, việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với Phạm Thanh Bình và đồng phạm đã được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện khẩn trương, tích cực, các bản án của phiên tòa phúc thẩm đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, khi phần 1 của vụ án khép lại thì với CQĐT vẫn còn rất nhiều việc phải làm bởi còn một số đối tượng liên quan trong vụ án bỏ trốn, kéo theo số tiền, tài sản lớn của Nhà nước rơi vào tay đối tượng tham nhũng chưa được thu hồi, kẻ tham nhũng chưa bị xử lý, trừng phạt.

Chân dung mắt xích Giang Kim Đạt

Trong số này có mắt xích quan trọng là Giang Kim Đạt. Đạt sinh năm 1977, quê ở Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, Tp. HCM. Đạt nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của Công Vinashinlines. CQĐT xác định, Giang Kim Đạt có hành vi cố ý làm trái và “rút ruột” trong vụ mua tàu Hoa Sen. Đáng chú ý, trước khi vụ án được khởi tố, Giang Kim Đạt đã “đánh hơi” vụ việc nên nhanh chân lẩn trốn ra nước ngoài...

Ngày 23/8/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt, đồng thời ra quyết định truy nã và ngày 8/11/2010 gửi thông báo truy nã đến Interpol.

Quá trình truy bắt, Tổng cục An ninh chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Interpol áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ truy tìm Đạt nhưng không có kết quả. Đối tượng có sự chuẩn bị tâm lí lẩn trốn, sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, không để lại bất cứ chứng cứ nào.

Trong thời gian dài, vụ việc tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt khi không ít lần tổ chức trinh sát, xác minh nhưng không thành công. Các trinh sát an ninh mà chủ công Cục An ninh kinh tế tổng hợp luôn trăn trở với câu hỏi về khoản lỗ, nợ lên đến 10.000 tỉ đồng của Công ty Vinashinlines, công ty này rơi vào tình trạng phá sản, đội tàu biển cũ được Giang Kim Đạt và đồng phạm mua về thì nhiều tàu chỉ như khối sắt, không thể hoạt động, trong khi số tàu khác bị bắt giữ ở nước ngoài. Tình trạng thuyền viên kêu cứu xảy ra liên miên, đồng thời xuất hiện nhiều nguồn tin về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đồng đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt.

Đối tượng Giang Kim Đạt và hồ sơ vụ án.

Trong nhiều cuộc họp của CQĐT, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ rõ: việc mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng còn bỏ trốn trong vụ án Vinashin, trong đó có đối tượng Giang Kim Đạt là yêu cầu quan trọng. Quá trình điều tra, cần phải tính toán các biện pháp vừa đảm bảo việc bắt giữ thành công, vừa thu hồi được tài sản cho Nhà nước.

Đi tìm lời giải những câu hỏi lớn

Với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng, Tổng cục An ninh đã chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp và các đơn vị nghiệp vụ một mặt vừa tiến hành các biện pháp nghiệp vụ truy tìm Giang Kim Đạt, một mặt phải làm rõ số lượng và nguồn gốc tài sản rất lớn của gia đình đối tượng. Sau nhiều lần xác minh, truy xét, vụ án vẫn bế tắc. Trước tình hình trên, Ban chuyên án quyết định lật lại các khối tài sản có dấu hiệu nghi vấn của một số người thân trong gia đình Đạt.

Trung tướng Trình Văn Thống cho biết: Qua các tài liệu, ban chuyên án phát hiện khối tài sản lớn gồm gần 40 bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội như căn hộ cao cấp, biệt thự, xe ô tô... Phần lớn số tài sản này do những người thân trong gia đình Đạt đứng tên. Nguồn gốc khối tài sản này từ đâu mà có, đây là câu hỏi đặt ra đối với các thành viên ban chuyên án.

Câu hỏi thứ hai là nguồn tiền mà trực tiếp là bố Đạt (ông Giang Văn Hiển, SN 1950, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh) đứng tên, từ đâu mà có? Quá trình xác minh, Ban chuyên án xác định dòng tiền chuyển vào tài khoản của ông Hiển được chuyển từ nước ngoài, thông qua việc mở các tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau ở trong và ngoài nước...

Từ việc phát hiện dòng tiền này, Cục An ninh kinh tế Tổng hợp, Cục An ninh điều tra và một số đơn vị nghiệp vụ khác chứng minh được các hoạt động giao dịch tiền qua các công ty môi giới, mua bán, thuê tàu của phía nước ngoài.

Đi sâu điều tra, phát hiện Đạt trực tiếp tham gia quá trình đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ. Đạt thỏa thuận với các công ty bán tàu hưởng hoa hồng 1%, tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Tổng số tiền Đạt hưởng lợi từ các giao dịch mua 7 tàu khoảng 1 triệu USD. Ngoài ra, Đạt còn khai thác 9 tàu khác. Trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu, Đạt thỏa thuận với các đối tác nước ngoài giảm giá thuê để hưởng chênh lệch với tổng số tiền chiếm hưởng khoảng 17,6 triệu USD.

Theo CAND.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến