Nửa tháng qua, mực nước sông Đà đoạn chảy qua xã Xuân Lộc xuống thấp khiến người nuôi cá lồng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều lồng trơ đáy, cá chết hàng loạt.
Tại cầu Trung Hà, mực nước xuống thấp để trơ phần trụ. "Hơn nửa tháng nay, nước rút, gia đình phải dắt trâu sang bờ bên kia tìm cỏ ăn", ông Dương Văn Thủy ở huyện Tam Nông cho biết.
Xã Xuân Lộc có hơn chục hộ nuôi cá lồng trên sông Đà, chủ yếu các loại cá như: lăng, diêu hồng, trắm, chép… Theo người dân, hai năm trở lại đây, sông Đà chuyển đổi dòng chảy, hình thành các bãi cát bồi cục bộ đoạn qua khu vực nuôi cá lồng. Khi nước từ thượng nguồn đổ về ít, dòng chảy trên sông kém, thêm phía ngoài khu vực nuôi cá đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn.
Một lồng cá nằm chơ vơ trên bãi cát ven bờ. Khung sắt chiếc lồng này được gắn thùng phuy nhựa để nổi trên mặt nước, toàn bộ phần lưới đã bị gỡ bỏ do lồng trong tình trạng mắc cạn.
Ông Thiều Minh Thế, Giám đốc Hợp tác xã cá lồng huyện Thanh Thủy, cho biết gia đình nuôi 150 tấn cá, năm nay nước cạn phải bỏ không mấy lồng. Cuối tuần qua, lồng cạn nhất chỉ còn 30 cm nước. Ba tiếng mỗi ngày gia đình phải vào mạng theo dõi thông tin vận hành hồ chứa thủy điện để kiểm tra mực nước, với hy vọng nước sẽ lên để vớt vát số cá còn lại.
Nuôi cá lồng từ 7 năm nay, anh Dương Tiến Dũng nói: "Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh nước cạn nhanh đến vậy, không ai kịp trở tay". Gia đình anh Dũng có 17 bè lồng nuôi cá, hiện duy trì được 3 lồng cá giống, các lồng còn lại cá đều đã chết do nước rút.
Một ngôi nhà dựng trên bè bị đổ nghiêng về phía nước cạn. Chủ ngôi nhà cho hay, nửa tháng trước nước sông rút quá nhanh nên không kịp di chuyển bè ra xa, khung nuôi cá lắp đặt dưới ngôi nhà bị mắc cạn vỡ nát, ước tính thiệt hại 500 triệu đồng.
Nước cạn trong khi cá nuôi trong lồng dày đặc, các hộ dân gặp khó khi cho cá ăn vì sợ chúng quẫy đạp mạnh khiến cát và bùn đất bám vào mang, có thể gây chết hàng loạt.
Người dân đang tìm cách di chuyển bè ra nơi có nước để cứu vãn số cá còn sống. "Nước phải ngâm sâu từ 60 cm thì mới nuôi được cá. Đó là độ sâu đủ để cho cá ăn và quẫy đạp", người nuôi cá cho hay.
Ông Trần Văn Hướng đang gia cố khung sắt để kéo lồng ra xa, nơi nước ngập sâu hơn. "Lượng cá trong lồng khoảng 3-4 tấn, phải sục thường xuyên hoặc bơm nước vào tạo oxy, bơm cát dưới mỗi bè ra để bè ngập sâu hơn dưới nước. Nhiều gia đình thuê người kéo lồng ra phía nước sâu hơn để cá sống qua ngày, chờ nước lên", ông Hướng nói.
Hàng ngày lúc 7h và 16h, ông Thiều Minh Thế mang vợt và xe đẩy đến từng lồng cá vớt những con bị chết và đang ngáp để loại bỏ, tránh gây bệnh cho cá khác. Cá bị chết chủ yếu là cá lăng từ 1,7 kg đến 4 kg.
"Bình thường, mỗi con cá giá vài trăm nghìn đồng, nhưng mỗi ngày qua tôi phải vớt bỏ liên tục, có ngày tới 300 kg. Từ đầu tháng, gia đình đã mất hơn 4 tấn cá", ông Thế nói.
Những con cá yếu sẽ được vớt lên, phân loại, bỏ nội tạng và đóng ngăn đá bán cho người có nhu cầu. Cá chết thì đóng bao, đưa đi tiêu hủy tránh ô nhiễm nguồn nước.
Huyện Thanh Thủy có 318 lồng nuôi. Tại cụm nuôi xã Xuân Lộc có 171 lồng, hiện 41 lồng đã bị mắc cạn hoàn toàn, 100 lồng trong diện nguy cơ.
Nước cạn khô ở khu vực nuôi cá lồng bè xã Xuân Lộc. Video: Ngọc Thành
Tác giả: Ngọc Thành
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy