Dòng sự kiện:
'Tham nhũng bớt xén cả phần ít ỏi của người nghèo'
28/10/2014 17:29:34
ANTT.VN – “Tài sản bị đánh cắp do tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng đối với ngân sách nhà nước, nhất là trong nhất là trong lĩnh vực đầu tư công và quản lý phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp…”

Tin liên quan

Đây là phát biểu của ông Trần Đức Lượng – Phó tổng Thanh tra chính Phủ trong Hội thảo Đối thoại về phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay, 28/10.

Tiền thu hồi tham nhũng tăng nhưng thất thoát cũng lớn

Theo ông Trần Đức Lượng, “trong thực hiện chính sách an sinh xã hội những kẻ tham nhũng cũng bớt xén cả phần thu nhập ít ỏi của người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội”.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển thể chế kinh tế thị trường đang từng bước hoàn thiện, cấu trúc của nền kinh tế thay đổi trong khi năng lực quản trị công còn hạn chế thì công tác PCTN sẽ là thực tế thách thức lâu dài.

Nhiều thông tin được đưa ra trong buổi hội thảo ngày 28/10. (Ảnh: Kiều Chinh)

Trao đổi về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng theo khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, ông Nguyễn Thanh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư Pháp cho biết, việc thu hồi tài sản là một quá trình phức tạp và lâu dài, do đó cần tập trung vào 3 nội dung chính, thứ nhất, phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản có được do tham nhũng (điều 52); thứ hai, thu hồi tài sản tham nhũng trực tiếp (điều 53) và cuối cùng là thu hồi tài sản tham nhũng gián tiếp thông qua hợp tác quốc tế (điều 54-55).

Khái quát một số tình hình thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam, dẫn chứng báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, đã thu hồi 46,9 tỷ đồng (đạt 68,5%  tăng 18,3% so với năm 2013); lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3% tăng 14,1% so với năm 2013).

Ông Tú nhận định, tuy số tiền thu hồi tham nhũng có tăng lên so với những năm trước nhưng số tiền thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ tham nhũng còn lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước và nhân dân. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, điều này do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là các đối tượng tham nhũng có nhiều thủ đoạn tinh vi, che giấu, tẩu tán nên số tài sản, tiền kê còn ít, nguyên nhân trực tiếp là do những hạn chế, vướng mắc về cơ sở pháp lý trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Vận động người dân tham gia tích cực PCTN

Ông Trương Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ B1, Viện KSND Tối cao đưa ra nột số hạn chế trong công tác điều tra và thu hồi tài sản tham nhũng như: Số vụ án tham nhũng bị phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm tham nhũng sảy ra trong thực tế; việc điều tra, phát hiện và xác định tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại do tham nhũng gây ra chưa đầy đủ so với thực tế; điều tra làm rõ việc sử dụng, cất giấu nguồn gốc tài sản tham nhũng còn hạn chế…

Toàn cảnh cuộc Hội thảo (Ảnh: Kiều Chinh)

Do những hạn chế trong việc điều tra, xác định tài sản tham nhũng nên việc truy tố, xét xử, thi hành án và thu hồi tài sản tham nhũng thực tế chưa hiệu quả, các bản án, quyết định của tòa án tuyên phạt, tịch thu tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn khi thi hành án, kết quả thu hồi tài sản đạt tỷ lệ thấp.

Góp ý với Việt Nam một số điểm chú ý về quá trình tổ chức cũng như hoàn thiện pháp luật trong việc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, ông Jairo – Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng Việt Nam, cho biết, cần lưu ý về cách thức tổ chức và hoạt động điều phối giữa các cơ quan sao cho hiệu quả. Theo ông gợi ý, các cơ quan quản lý việc này không chỉ độc lập về chức năng mà còn phải đảm bảo không có sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động theo chức năng. Đồng thời, để đảm bảo cho sự hoạt động của các cơ quan này nên trích một phần từ số tài sản tham nhũng thu hồi được để hỗ trợ…Về hệ thống pháp luật của Việt Nam, ông cho rằng các giải pháp phòng ngừa tuy rất đầy đủ, một chương gồm 56 điều hầu như phủ hết các lĩnh vực nhưng lại thiếu các chế tài rõ ràng nên việc thực thi chưa hiệu quả.

Theo ý kiến của Đại Sứ Thụy Sỹ, bên cạnh việc nhấn mạnh nhiều các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Việt Nam cũng cần huy động được người dân và xã hội tham gia vào việc phòng chống tham nhũng và có những cơ chế để kiểm chứng các vụ việc này. Ông đặt ra câu hỏi, liệu việc người dân không quan tâm nhiều đến việc phòng chống tham nhũng có phải là do họ vẫn còn cảm nhận được những rủi ro, hoặc sau khi tố cáo các cơ quan chức năng chưa vào cuộc?... Ngài Đại sứ Thụy sỹ cho rằng, người dân có tích cực tham gia vào việc phòng chống tham nhũng hay không thì phải làm cho họ nhìn thấy những tín hiệu tích cực, tạo lập được lòng tin đối với người dân.

Kiều Chinh
.
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến