Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Quy hoạch 70 cụm công nghiệp định hướng đến năm 2030
15/08/2017 14:49:07
Dự tính đến 2030, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ hình thành 70 CCN với tổng diện tích 2.133,0 ha. Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật 70 CCN được quy hoạch là hơn 18.770 tỷ đồng.

Ngày 15/8, UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, sau một quá trình thẩm định, nghiên cứu, khảo sát thực địa các vị trí và làm việc với các địa phương, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 9/8/2017, về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Dự tính đến 2030, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ hình thành 70 CCN với tổng diện tích 2.133,0 ha; bao gồm 36 cụm vùng đồng bằng, 13 cụm vùng ven biển; 21 cụm vùng miền núi.

Trong đó, giữ nguyên theo quy hoạch cũ; 49 CCN và điều chỉnh mở rộng, thu hẹp 7 CCN (thu hẹp 2 CCN; mở rộng 5 CCN) xóa bỏ khỏi quy hoạch 8 CCN, bổ sung mới 21 CCN.

Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật 70 CCN được quy hoạch là hơn 18.770 tỷ đồng.

 
CCN Hà Bình, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), một trong những CNN
nằm trong quy hoạch phát triển.

Cũng theo phê duyệt, quy hoạch phát triển CCN phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị và các quy hoạch khác có liên quan.

Đồng thời gắn với hệ thống các khu công nghiệp, CCN cả nước, vùng Bắc Trung Bộ, các tuyến hành lang kinh tế và vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác với khu vực quốc tế.

Ngoài ra, phát triển CCN gắn với phát huy lợi thế từng vùng về tài nguyên, vùng về nguyên liệu và nguồn lao động, từng bước ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ưu tiên phát triển CCN với quy mô hợp lý nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng dùng chung, phục vụ nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành cần lao động, góp phần tạo công việc cho lao động địa phương, từng bước phát triển và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Quy hoạch sẽ được thực hiện từng bước trong các giai đoạn với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể.
Giai đoạn đầu từ năm 2017 – 2020, tỉnh sẽ hoàn thành đầu tư cở sở hạ tầng 20 CCN, với diện tích khoảng 400 ha, phấn đấu đưa tỉ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh lên 60% diện tích đất nông nghiệp cho thuê.

Thanh Hóa cũng phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trong CCN đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 18% trở lên; đóng góp ngân sách từ 130 đến 150 tỷ đồng/năm; thu hút 6.000 đến 7.000 lao động.

Tiếp đến giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng 30 CCN, với diện tích khoảng 600 ha, phấn đấu đưa tỉ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh lên trên 70% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Đồng thời, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trong CCN đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12% trở lên; đóng góp ngân sách từ 190 đến 210 tỷ đồng/ năm, thu hút từ 7.000 đến 8.000 lao động.

Sau cùng, theo quy hoạch định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, phấn đấu cơ bản lấp đầy diện tích công nghiệp cho thuê tại các CCN đã được quy hoạch. Mở rộng các CCN có điều kiện phát triển và các CNN đáp ứng yêu cầu về điều kiện mở rộng CCN (tỉ lệ lấp đầy ít nhất 60%, có khu xử lý nước thải tập trung đối với cụm có diện tích trên 15ha).

Trước đó, theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, có tổng số 57 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích đất là 1.646,79 ha. Trong đó, vùng đồng bằng 27 cụm, vùng ven biển 13 cụm, vùng miền núi 17 cụm. Tuy nhiên, hiện nay một số CCN theo quy hoạch đã không còn phù hợp với thực tiễn. Bởi vậy, tỉnh đã cho nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch phát triển lại các CCN.

Với hoạch phát triển CCN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa kì vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển, khai thác và sử dụng đất có hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo đà thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế của địa phương trong tương lai gần.


Lương Thị

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến