Dòng sự kiện:
Thế giới Internet của người dân Triều Tiên
24/12/2014 11:22:56
ANTT.VN - Một giờ không có mạng Internet tại đất nước có phạm vi phủ sóng nhỏ nhất trên thế giới có lẽ không gây ảnh hưởng lớn lắm cho người dân Triều Tiên, rất nhiều trong số đó chưa từng biết đến việc lên mạng, trực tuyến hay những việc đại loại như vậy.

Tại Triều Tiên, chính phủ quản lý nghiêm ngặt mọi hành động của người dân đặc biệt là sự tiếp cận của họ với thông tin trên toàn thế giới.

Internet và Intranet

Chỉ có một số lượng rất hạn chế người dân thuộc tầng lớp thượng lưu Triều Tiên mới được sử dụng Internet, cả thế giới biết điều này. Những người dân Triều Tiên có đặc quyền dùng mạng nội bộ Intranet đã gọi nó là “Kwangmyong” nghĩa là “Ánh sáng”.

Đối với mạng Intranet, công cụ thay thế Internet của các nhà chức trách, các đoạn hội thoại và thư điện tử trực tuyến bị kiểm soát và nội dung phải được duyệt qua bởi nhà nước trước khi được tung lên mạng.

Mạng Intranet cung cấp kết nối giữa các nền công nghiệp, trường đại học và chính phủ. Vai trò của nó đơn thuần là trao đổi thông tin, hơn là để giao dịch, giải trí và giao tiếp – Will Scott, trợ giảng khoa học máy tính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng cho biết.

Chưa thể xác định có bao nhiêu thiết bị kết nối Internet được sử dụng ở Triều Tiên. Nhưng số lượng người dùng Internet chắc chắn là rất ít bởi quốc gia này chỉ có 1.024 địa chỉ IP trong tổng dân số 25 triệu người- So Young Seo, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát Triển Thông tin Xã hội Triều Tiên cho biết.

Số lượng người sử dụng Internet của Triều Tiên chỉ bó hẹp trong phạm vi những người thượng lưu thuộc bộ máy chính phủ và quân đội, các nhà tuyên truyền, hacker của chính phủ và các nhà nghiên cứu của các viện nghiên cứu lớn tại Đại học Kim Il Sung và Đại học Khoa học và Công Nghệ Bình Nhưỡng.

Số còn lại chỉ được sử dụng mạng Intranet (mạng nội bộ, tương tự mạng LAN). Tuy nhiên số người dùng này cũng chỉ có thể truy cập vào các phương tiện thông tin chính thức của chính phủ và tiếp cận một vài nguồn thông tin vô cùng giới hạn đã được duyệt qua.

Hầu hết người Triều Tiên không thể chủ động dùng mạng Intranet bởi sở hữu một chiếc máy tính cũng cần sự cho phép của chính quyền, thêm vào đó giá một chiếc máy như vậy cũng tương đương 3 tháng lương của một người Triều Tiên trung bình- ông Seo cho biết.

Việc sập hệ thống mạng tạm thời của các trang web chủ chốt tại Triều Tiên vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, vụ tấn công này có lẽ không đem lại tổn hại lớn lao nếu như mục đích của họ là gây ra một vụ phá hoại nghiêm trọng, Chang Yong Seok, một chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết.

“Thậm chí nếu hệ thống Internet của Triều Tiên có sập hoàn toàn, thì sự bất tiện gây ra cũng chỉ ảnh hưởng tới các người dân giới thượng lưu ở đây mà thôi. Tuy nhiên sẽ là vấn đề khác nếu như các hacker tham nhập vào hệ thống mạng Intranet, điều này chưa từng xảy ra trước đây”, ông bổ sung

Điện thoại

Điện thoại sử dụng tại Triều Tiên cũng phải nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong khi tại Hàn Quốc điện thoại là phương tiện chủ yếu để truy cập Internet thì đối với người Triều Tiên đây chỉ là phương tiện nghe gọi thông thường. Họ không thể truy cập Internet hay thực hiện cuộc gọi quốc tế.

Hiện tại chỉ có hơn 2 triệu chiếc điện thoại di động được sử dụng tại Triều Tiên, theo Liên đoàn Viễn thông Quốc tế. Tuy nhiên số lượng người dùng di động thực sự chắc chắn ít hơn con số thống kê trên nhiều, ông Seo cho biết, bởi giới thượng lưu tại Triều Tiên thường sử dụng nhiều hơn 1 chiếc điện thoại.

Năm 2013, Triều Tiên bắt đầu cho phép người nước ngoài truy cập Internet qua hệ thống 3G. Họ có thể đăng ảnh và trạng thái trên mạng xã hội Twitter và Instagram từ Triều Tiên. Bắt đầu từ năm ngoái, Triều Tiên bắt đầu bán các bản kế hoạch dữ liệu Internet theo tháng cho người nước ngoài để sử dụng thiết bị mô đen USB  qua thẻ Sim của họ.

Những vụ tấn công trước đây

Mục đích Triều Tiên sử dụng Internet hầu như không để phục vụ người dân nước này. Nhiều website của chính phủ Triều Tiên đã có phiên bản Tiếng Anh, trang Facebook, kênh trên Youtube và tài khoản Twitter chỉ nhằm mục đích chủ yếu là tuyên truyền cho các độc giả trên thế giới. Triều Tiên sử dụng các phương tiện truyền thông chủ yếu để ca ngợi hệ thống quản lý quốc gia và các lãnh đạo, cũng như đăng tải lại các bài bình luận phát từ hãng thông tấn quốc gia.

Năm 2013, một số tài khoản xã hội của Triều Tiên đã bị thâm nhập bởi nhóm hacker Anonymous. Các hacker này ngang nhiên để lại tin nhắn trên mạng Twitter và đăng 1 bức ảnh lãnh đạo của Triều Tiên với chiếc mũi lợn và hình chuột Mickey trên ngực. Trong một vụ tấn công khác tháng 3 năm 2013, cả thành phố Bình Nhưỡng đã không truy cập được Internet trong 2 ngày.

Tú Anh (Theo New York Times)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến