Dòng sự kiện:
Thống đốc BOJ: Lãi suất vẫn có thể âm sâu hơn
01/11/2019 18:05:55
Cùng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cắt giảm lãi suất, hôm thứ Năm, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) lại giữ chính sách lãi suất không thay đổi.

Tuy nhiên, cùng với động thái trên, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda hôm thứ Năm vẫn nhắc lại việc ông sẵn sàng đẩy lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng này giảm sâu hơn nữa vào vùng âm, bất chấp những lo ngại rằng chính sách như vậy sẽ làm tổn thương ngành ngân hàng và bào mòn tăng trưởng kinh tế.

BOJ hôm thứ Năm đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách.

"Đúng là lãi suất âm có cả tác động tích cực và tiêu cực", Kuroda nói tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 31/10, trong đó ngân hàng quyết định giữ nguyên lãi suất. "Nhưng như vậy không có nghĩa là không thể giảm thêm nữa."

Ông chỉ ra rằng lãi suất -0,1% hiện hành chỉ áp dụng cho một số nhỏ ngân hàng thương mại gửi tiền tại ngân hàng trung ương, tương đương giá trị tiền gửi khoảng từ 10-20 nghìn tỷ yên (92-184 tỷ USD) trong số hàng trăm nghìn tỷ yên.

Trong khi đó ở châu Âu, lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại tại các ngân hàng trung ương được giữ ở mức thấp tới -0,5% và tỷ lệ này áp dụng cho phần lớn các ngân hàng, Kuroda nói thêm.

"Điều đó cho thấy còn rất nhiều dư địa để giảm lãi suất hơn nữa," ông nói.

Các ngân hàng hoàn toàn có khả năng truyền những bất lợi từ lãi suất âm trong gửi tiền tại ngân hàng trung ương cho khách hàng của họ, tuy nhiên không ngân hàng thương mại nào ở Nhật Bản làm như vậy. Để bù đắp lợi nhuận lãi giảm, các ngân hàng đã tăng phí mà họ tính cho các dịch vụ khác.

Kuroda không tán thành hay phản đối các ngân hàng thương mại tăng phí. Ông đưa ra một quan điểm định hướng thị trường rằng phí sẽ phản ánh giá trị của các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng của họ.

Tuy nhiên với tình hình hiện tại, Thống đốc BOJ đang thực sự bị mắc kẹt với cam kết trước đó về việc giữ đường cong lãi suất có độ dốc, với quan điểm rằng lãi suất cho khoản nợ 20 năm và 30 năm không nên giảm quá thấp ngay cả khi lãi suất được cắt giảm trong thời gian ngắn hơn. BOJ đã nói trước đó rằng họ hy vọng sẽ thực hiện một chính sách để đảm bảo điều kiện thị trường như vậy "ít nhất là qua mùa xuân năm 2020".

Kuroda cho biết hôm thứ Năm rằng BOJ sẽ giảm số lượng trái phiếu siêu dài hạn mà họ sẽ mua, nếu cần thiết, để đảm bảo đường cong lợi suất có độ dốc. Các nhà đầu tư dài hạn như công ty bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn cho khoản nợ dài nêu trên, theo chính sách như vậy của BOJ.

Quyết định hôm thứ Năm giữ nguyên lãi suất là phù hợp với kỳ vọng của thị trường, nhưng trái với hành động giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp của Fed. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ cũng báo hiệu tạm dừng nới lỏng hơn nữa vào thứ Tư, sau quyết định hạ lãi suất cơ bản thêm một phần tư điểm phần trăm, xuống từ 1,5-1,75%.

Thị trường tài chính phản ứng khá “bình tĩnh”, giá cổ phiếu và tỷ giá đồng đô la ổn định.

BOJ cũng đã hạ dự báo tăng trưởng và lạm phát của Nhật Bản. Nền kinh tế nước này hiện được dự đoán sẽ đạt tăng trưởng 0,6%, thay vì 0,7% như kịch bản được dự báo trước đó, cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3; trong khi lạm phát được dự báo chỉ tăng 0,7% thay vì 1%.

Nhật Bản đã tăng thuế tiêu dùng lên 10% từ 8% trong tháng 10/2019 để giúp giảm thâm hụt tài khóa và tăng tài trợ an sinh xã hội. Chi tiêu tài chính mạnh mẽ của chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã giúp bù đắp tác động tiêu cực đến tăng trưởng của việc tăng thuế, đồng thời giúp giảm bớt áp lực buộc BOJ phải hành động thông qua chính sách tiền tệ.

Ngân hàng trung ương sẽ tăng nắm giữ khoản nợ của chính phủ Nhật Bản thêm 80 nghìn tỷ yên mỗi năm và của doanh nghiệp thêm 6 nghìn tỷ yên. Quyết định đã được phê chuẩn bởi một cuộc bỏ phiếu với 7 ý kiến đồng ý và 2 phản đối.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã chuyển dịch sang chính sách nới lỏng tiền tệ khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất đà. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 6% trong quý III năm nay. Quỹ tiền tệ quốc tế cũng đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3%, tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Đầu tháng này, các ngân hàng trung ương của Hàn Quốc và Indonesia đã cắt giảm lãi suất, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng hạ lãi suất chính sách.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến