Tin liên quan
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế biển và Hội chợ triển lãm kinh tế biển
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Bước vào thế kỷ 21, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng khan hiếm, các nước trên thế giới, nhất là các quốc gia ven biển đều hướng ra biển, coi phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh biển là ưu tiên chiến lược, là không gian sinh tồn. Hợp tác, hình thành khối liên kết kinh tế giữa các quốc gia ven biển, đại dương đã trở thành xu thế lớn trên toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á, có trên 3.000 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên rộng hơn 1 triệu km2. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển. Việt Nam đang tăng cường hợp tác kinh tế biển với các quốc gia, trong đó có Bồ Đào Nha và hôm nay tôi rất vui được chia sẻ cùng các bạn là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang tiến rất gần tới thời điểm ký kết. Việt Nam cũng đang cùng 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Canada… hoàn tất Hiệp định thương mại tự do TPP. Mạng lưới các FTA của Việt Nam đều gắn với hợp tác phát triển mạnh kinh tế biển.
Chúng ta không thể hợp tác kinh tế biển thành công nếu an ninh, an toàn, tự do hàng hải bị đe dọa. Hiện nay, khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới lưu thông trên tuyến hàng hải nối Đông Bắc Á với châu Âu. Rất tiếc, trên tuyến vận chuyển này, tại khu vực Biển Đông, Việt Nam, đang xảy ra hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá và xây dựng nhiều công trình quy mô lớn trái luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận khu vực; làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia; đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải hàng không.
ASEAN, Nhóm các nước G7 và nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục có tiếng nói công lý mạnh mẽ yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp vì hòa bình và lợi ích chung của toàn cầu.
Chúng ta đang cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế biển và hãy cùng nhau giữ gìn màu xanh của môi trường biển và màu xanh hòa bình của biển cả bao la vì lợi ích chung của tất cả các nước, các dân tộc chúng ta". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho tham quan Hội chợ triển lãm Kinh tế biển
Tại diễn đàn, giới thiệu về kinh tế biển cũng như nhấn mạnh kinh tế biển đóng góp rất lớn vào GDP của Bồ Đào Nha, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho đánh giá cao sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam trong lễ khai mạc Diễn đàn, đây là một đóng góp tích cực cho sự thành công của diễn đàn.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho tin tưởng qua Diễn đàn sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy, tăng cường hợp tác về kinh tế biển giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha, mang lại lợi ích chung cho cả 2 nước.
Diễn đàn Kinh tế biển Lisbon là một trong 3 hoạt động chính của Tuần lễ Biển do Bồ Đào Nha tổ chức từ 3-5/6/2015 (2 hoạt động khác là Hội nghị Bộ trưởng Biển và Diễn đàn Đại dương thế giới). Được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Lisbon, Diễn đàn Kinh tế biển tổ chức các các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề và các gian trưng bày, giới thiệu với sự tham gia của đại diện của gần 200 tập đoàn, công ty, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ, cơ quan quản lý về biển của Bồ Đào Nha, Liên minh Châu Âu (EU) và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Cảng biển Lisbon, Bồ Đào Nha
Tuần lễ Biển và Diễn đàn Kinh tế biển là sự kiện trung tâm năm 2015 tại Bồ Đào Nha - đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời về hàng hải, là quê hương của những nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới. Bồ Đào Nha luôn coi trọng kinh tế biển, đã từng tổ chức Expo (Triển lãm thế giới) 1998 với chủ đề về Đại dương và đang tập trung triển khai Chiến lược Biển giai đoạn 2013-2020. Chiến lược Biển của Bồ Đào Nha đặt mục tiêu giải quyết các thách thức đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế biển của nước này, coi biển là động lực cho nền kinh tế, đồng thời cần chú ý đảm bảo sự phát triển bền vững và các tác động đến môi trrường và xã hội.
Theo Chiến lược này, biển luôn có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Bồ Đào Nha và tiếp tục mang nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với nước này trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Đối với Bồ Đào Nha, biển là thương mại, là văn hóa, là khoa học, là công nghệ, là tài nguyên, là vị trí địa chiến lược, là môi trường hợp tác ở khu vực và với quốc tế. Bồ Đào Nha là một trong những nước khởi xướng và đang tích cực tham gia Chiến lược biển Đại Tây Dương và Định hướng Tăng trưởng dựa vào biển của EU.
Bồ Đào Nha ước tính thềm lục địa của nước này rộng 2,1 triệu km2 và vùng tài phán quốc gia có thể lên tới gần 4 triệu km2, lớn gấp 40 lần diện tích lãnh thổ trên đất liền của nước này. Bồ Đào Nha đảm đương một vùng cứu hộ, cứu nạn rộng 6 triệu km2 ở Đại Tây Dương, lớn gấp 63 lần diện tích nước này. 53% ngoại thương của EU vận chuyển qua các vùng biển của Bồ Đào Nha, 60% ngoại thương và 70% hàng hóa nhập khẩu của Bồ Đào Nha thực hiện qua đường biển. Biển chiếm 11% GDP, 12% lao động, 17% thu thuế của Bồ Đào Nha, và 90% thu nhập du lịch của nước này là liên quan đến biển.
Theo Chinhphu.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy