Dòng sự kiện:
'Tôi từng coi doanh nhân Khải Silk là một tượng đài nhưng giờ đã sụp đổ'
27/10/2017 06:04:48
Vụ việc Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn Việt Nam suốt 30 năm qua khiến cộng đồng mạng nổi sóng. Có những người từng coi ông Khải là tượng đài, khi biết thông tin này họ hoàn toàn sụp đổ.

Những ngày gần đây, cái tên Khải Silk được nhiều người quan tâm nhắc đến không phải bởi khối tài sản khổng lồ, những câu nói truyền cảm hứng, thú ăn tiêu xa xỉ mà bởi thông tin khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk bị tố gắn hai nhãn mác một là "Made in China" và một là "Made in Vietnam".

Sau những đồn đoán, cuối cùng đại gia Khải Silk đã cúi đầu nhận lỗi, thừa nhập nhập lụa từ Trung Quốc từ những năm 90: “Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn”.

Doanh nhân - đại gia Khải Silk

Sáng 26/10, cơ quan Quản lý thị trường 14 (Hà Nội) cùng phối hợp với Cảnh sát kinh tế và lực lượng chức năng đã xuống kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm) bán hàng Khaisilk. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu giữ 52 mẫu sản phẩm khác nhau gồm: khăn, quần áo, caravat... với tổng giá trị trên 30 triệu đồng.

Nhắc đến lụa Khaisilk là nhắc đến một thương hiệu “made in Việt Nam” sang trọng, đẳng cấp. Nhiều du khách nước ngoài chọn khăn Khaisilk là kỷ vật cho chuyến du lịch Việt Nam, trong khi không ít người Việt cũng lựa chọn sản phẩm này làm quà tặng cho đối tác trong những sự kiện quan trọng. Sự thật được phanh phui này là cú sốc lớn đối với nhiều khách hàng tin tưởng thương hiệu của vị doanh nhânnày suốt 30 năm qua và tạo ra một làn sóng dư luận dữ dội. “Khải silk” xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Phần lớn người tiêu dùng phẫn nộ, khẳng định đây là sự lừa dối niềm tin quá lớn.

Sau cái cúi đầu xin lỗi của vị đại gia có lối sống xa xỉ bậc nhất Việt Nam là vô vàn “gạch đá” của cư dân mạng, bạn Huy Nguyễn bình luận: “Ông này không những lừa người tiêu dùng hơn 30 năm rồi mà còn rất coi thường người tiêu dùng Việt Nam. Điển hình là việc thay vì tháo hẳn cái mác "made in China" ra, nhân viên của ông chỉ lấy kéo cắt cẩu thả nó ra. Vậy mà 30 năm mới bị vạch mặt”.

Còn bạn Nhàn Cao bức xúc: “Kinh khủng, một chiếc khăn nhập vài chục nghìn, bán gần 1 triệu/chiếc. Tính số lượng nhân tháng, nhân năm thì thành bao nhiêu tiền. Đây có gọi là cướp không vậy”.

“Gian thương. Đúng là mua danh ba vạn, bán danh một đồng. Nhục nhã quá Khải ơi... Ranh nhân Khải Silk phải đưa ra pháp luật xét xử, không thể xin lỗi là xong”, bạn Kim Linh thốt lên.

Một số bình luận của cư dân mạng

Những lời trần tình của doanh nhân Khải Silk lại càng như đổ dầu vào lửa. Một người có tên facebook là Angie Le bức xúc: “Thưa anh Khải, trong lời xin lỗi, dù rất khéo léo nhưng anh vẫn lòi đuôi cáo. Anh đã thừa nhận hàng Khải Silk "nhập từ Trung Quốc", chứ không phải là hàng Khai Silk "gia công ở Trung Quốc". Chúng khác nhau hoàn toàn, thưa anh. Các hãng lớn họ gia công từ Trung Quốc nhưng đó chỉ là mướn về mặt nhân công. Còn anh là mua hàng dạt của Trung Quốc về gắn mác, lừa bịp khách hàng.

Vậy mà anh còn ngửa cổ ra cố mà giải thích, anh cho tôi xin lạy anh ngàn cái. Anh đưa các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới ra so sánh, anh có biết không? Họ gia công ở Trung Quốc, tức là họ sản xuất hàng thật của họ chứ đâu mua hàng đểu về gắn mác ra bán? Anh có thấy Gucci ra SaiGon square mua hàng hay chợ Bến Thành mua hàng về bán không anh? Mặc dù ở đó, người ta bán "Gucci Quảng Châu" nhiều vô kể. Thẳng toẹt ra là anh bán hàng giả. Anh bán mấy chục năm nay, anh lừa hết bao nhiêu người rồi”.

Hình ảnh chiếc khăn vừa có mác "Made in China", vừa có mác "Made in Vietnam".

“Giải thích loanh quanh, vòng vo. Ông Khải nói rằng tập đoàn của ông đã phát triển thành tập đoàn đa ngành khiến ông lúng túng trong khâu quản lý và đặc biệt là mảng lụa tơ tằm chỉ còn đóng góp rất nhỏ trong tỷ trọng doanh thu nên ông lơ là, thiếu kiểm tra giám sát. Thế mà ngay sau đó ông lại khẳng định, dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại đây không phải là sản phẩm kém chất lượng, bởi hàng bán ở Khaisilk luôn được duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập” bạn Trần Vũ bình luận.

Có nhiều bạn trẻ từng thần tượng đại gia – doanh nhân Khải Silk, theo dõi từng dòng trạng thái trên trang cá nhân của ông, coi những câu nói của ông như triết lý nhưng khi biết thông tin này họ hoàn toàn thất vọng.

Bạn Lê Xuân Phú, sinh viên Đại học Kiến Trúc chia sẻ: “Tôi từng coi doanh nhân Khải Silk là một tượng đài. Tôi khâm phục hành trình từ tuổi thơ nghèo khó thêu thuê phụ giúp bố mẹ, kiếm 1 triệu USD từ năm 24 tuổi, 54 tuổi sở hữu khối tài sản nghìn tỷ. Tôi đọc không bỏ sót một bài báo về ông, tôi theo dõi trang facebook của ông, thuộc lòng những câu nói của ông. Sau khi nghe thông tin ông Khải nhập lụa Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam bán giá trên trời, tôi hoàn toàn bị sụp đổ”.

“Tôi từng rất mê khăn nhất là chất lụa. Đã từng mơ ước đến Khaisilk để mua một chiếc khăn nhưng giá cao quá nên chưa có cơ hội. Giờ lại thấy may”, bạn Nguyễn Anh Tú (Hà Đông, Hà Nội) thở phào.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến