Tin liên quan
Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương, Nguyễn Trọng Hưng (Ảnh: baohaiduong.vn)
Sáng 09/12, Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV đã chính thức được khai mạc tại Hội trường HĐND và UBND tỉnh.
Đại diện Sở Tài chính Tỉnh Hải Dương, Giám đốc Nguyễn Trọng Hưng đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2014 và phương án phân bổ ngân sách tỉnh năm 2015.
Theo đó, năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt những kết quả đầy tích cực, ước đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 115% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 6.400 tỷ đồng, bằng 117,2% so với dự toán và bằng 122,3% so với trung ương giao, tăng 15,8% so với năm 2013. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.400 tỷ đồng, bằng 104,6% dự toán năm, tăng 6,4% so với thực hiện năm 2013.
Tuy nhiên, bên cạnh con số thu ngân sách ấn tượng, thì tình hình chi ngân sách tại địa phương này cũng “ấn tượng” không kém khi đã “vỡ kết hoạch” gấp rưỡi so với dự toán chi 7.409.019 triệu đồng cho năm 2014.
Theo trình bày của Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương, Nguyễn Trọng Hưng, tổng chi ngân sách trong năm 2014 của địa phương này ước đạt là 11.500.057 triệu đồng, vượt tới 55,22% dự toán năm. Và theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến sự “tăng trưởng” trên, chủ yếu đến từ việc tăng chi do chương trình mục tiêu ngân sách trung ương bổ sung và chuyển nguồn từ năm 2013 sang và chi từ nguồn tăng thu năm 2014.
Về chi tiết, theo báo cáo, cả 2 khoản chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên đều đã vượt xa dự toán. Đáng chú ý, chi đầu tư phát triển đã “vỡ” hơn gấp đôi so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, chi đầu tư phát triển: 2.518 tỷ 765 triệu đồng, đạt 235% dự toán năm. Chi thường xuyên 6.875 tỷ 649 triệu đồng, đạt 122% so với dự toán. Bổ sung quỹ dự trữ tài chính 2 tỷ 338 triệu đồng đạt 190% dự toán. Các chương trình mục tiêu trung ương cân đối qua ngân sách địa phương 2.077 tỷ 046 triệu đồng, đạt 278% dự toán năm. Chi quản lý qua ngân sách nhà nước 26 tỷ 259 triệu đồng...
Theo đó, cân đối thu chi tại địa bàn, tổng chi của tỉnh này đã gấp rưỡi so với tổng thu (147,44%). Như vậy, để cân bằng số bội chi trên, Ngân sách Trung ương sẽ phải “hỗ trợ” địa phương có món bánh đậu nổi tiếng này một khoản ngân sách khủng, lên tới… 3.700 tỷ đồng.
Nhìn lại một năm về trước, thu ngân sách của tỉnh Hải Dương cũng đã “thiếu hụt” so với chi lên tới 3.100 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2014, thu chi ngân sách của địa phương này đã có một sự tăng trưởng khá “đồng đều”: Tổng thu tăng , tổng chi tăng và… bội chi cũng tăng theo.
Về dự toán ngân sách năm 2015, theo Báo cáo, thu ngân sách nhà nước Trung ương giao cho tỉnh Hải Dương năm tới là 7.705 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 6.175 tỷ đồng (trong đó thu tiền sử dụng đất 600 tỷ đồng), tăng 17,9% so với dự toán năm 2014; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.530 tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán 2014.
Còn số chi ngân sách, trên cơ sở dự toán nguồn thu, dự toán tổng chi năm 2015 của địa phương này là 8.171 tỷ 983 triệu đồng.
Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên tắc phân bổ dự toán cho năm 2015 tại tỉnh Hải Dương là phải bảo đảm chi cho con người (gồm lương, phụ cấp và các chế độ chính sách); chế độ, chính sách an sinh xã hội, dành nguồn lực cho các chế độ đã phát sinh tăng thêm trong năm 2014; sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ cần thiết: kinh phí mua vắc-xin, kinh phí phục vụ đại hội Đảng cấp huyện, cấp xã; kinh phí thành lập các đơn vị mới; ưu tiên kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi cho TP Hải Dương, Chí Linh, Kinh Môn nâng cấp đô thị; hạn chế bố trí nguồn để thực hiện chế độ chính sách mới đặc thù riêng của địa phương phát sinh trong năm 2015; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương...
Thu không đủ chi, cân ngân sách nhiều năm liền luôn ở trong trạng thái “âm nghìn tỷ”, không khó hiểu khi thời gian qua, dự luận nhiều lần “nổi sóng” với đề án xây dựng Khu hành chính tập trung với khái toán tổng mức đầu tư lên tới 2.060 tỷ đồng của UBND Tỉnh Hải Dương, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình kinh tế cả nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nợ công tăng cao và đặc biệt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thậm chí đã được luật hóa (số 44/2013/QH13) từ ngày 26/11/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07 năm nay.
N.G
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy