Dòng sự kiện:
“Trị bệnh” Giang Kim Đạt bằng thuốc gì?
28/02/2017 14:39:54
ANTT.VN – TAND TP Hà Nội vừa kết thúc xét xử sơ thẩm đại án tham nhũng “Con tham ô, bố rửa tiền” rút ruột Nhà nước 260 tỉ đồng của Giang Kim Đạt và đồng phạm tại Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (gọi tắt là vụ án Vinashinline). Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm nhận án tử hình. Vấn đề còn lại là làm sao trị “căn bệnh” Giang Kim Đạt trong tương lai!

Tin liên quan

Bị cáo Giang Kim Đạt tại phiên tòa sơ thẩm tháng 2.2017

Bốn bị cáo bị ra hầu tòa gồm có 3 bị cáo bị xét xử về tội tham ô tài sản, gồm: Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines. Bị cáo Giang Văn Hiển, bố đẻ của bị cáo Giang Kim Đạt, bị truy tố về tội rửa tiền.

Cụ thể, các bị cáo đã cùng thực hiện hành vi gian dối trong mua bán, cho thuê tàu biển và hưởng “lại quả” hàng trăm tỉ đồng.

Trong đó, cái tên Giang Kim Đạt đã trở nên quá quen thuộc với báo chí trong mấy năm trở lại đây, gắn với một câu hỏi nhức nhối: Vì sao một cán bộ chỉ ở cấp trưởng phòng trong vòng 2 năm lại có thể tham ô của nhà nước mấy trăm tỉ đồng dễ dàng mà không bị phát hiện? Sau xét xử, mặc dù các đối tượng đều đã phải chịu hình phạt thích đáng, song tài sản Nhà nước thất thoát chỉ thu hồi được một phàn nhỏ và câu chuyện về lòng tin trong nhân dân mới là vấn đề đáng bàn.

Hiện nay hệ thống phòng ngừa tham nhũng của chúng ta chưa thật sự phát huy hiệu quả dù đã có rất nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định rất chi tiết. Lâu nay chúng ta mới đề cao công tác “chống” tham nhũng mà xem nhẹ công tác “phòng”, bởi vậy khi tham nhũng xảy ra rồi mới lo xử lý, chẳng khác nào mất bò mới lo làm chuồng, vì tài sản tham nhũng đã kịp tẩu tán, khó thu hồi, gây thiệt hại ngân sách và xói mòn lòng tin trong nhân dân.

Vậy phòng tham nhũng bằng cách nào?

Thực tiễn xét xử các vụ án tham nhũng cho thấy một điểm chung nổi bật là việc phát hiện tham nhũng không phải từ nội bộ cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng mà hầu hết là từ báo chí, đơn thư tố giác của dân hoặc do cơ quan chức năng bên ngoài phát hiện. Như vậy, cơ chế giám sát nội bộ hiện tại là đang có vấn đề, cho nên các cuộc thanh tra giám sát nội bộ mới dễ dàng bị qua mặt như vậy. Để ngày càng ít những Giang Kim Đạt thì cần phải nâng cao hiệu quả giám sát nội bộ để phòng tham nhũng từ gốc.

Thứ hai, phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc việc minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định. Nếu bị phát hiện kê khai gian dối hoặc trong nhiệm kỳ công tác mà tài sản tăng lên bất thường, không giải trình được nguồn gốc thì phải từ chức để cơ quan điều tra chống tham nhũng làm rõ. Hiện nay việc kê khai tài sản ở ta phần lớn vẫn dựa vào tính tự giác và chế tài xử lý vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên chưa phát huy được hiệu quả.

Thứ ba, phải tăng cường tính minh bạch trong công khai kết quả xử lý tham nhũng và việc thu hồi tài sản tham nhũng để nhân dân giám sát.

Thứ tư, cần nhanh chóng hoàn thiện ký kết tương trợ tư pháp với các nước trên thế giới để có căn cứ pháp lý trong phối hợp truy tìm và bắt giữ đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài cùng với tài sản. Thực tế từ vụ việc Giang Kim Đạt đã bộc lộ kẽ hở pháp lý này, khiến cho đối tượng lẩn trốn được suốt 5 năm và tẩu tán một phần lớn tài sản đến nay không thu hồi được.

Chừng nào chưa thay đổi phương thức phòng, chống tham nhũng mà hạt nhân là phòng trước chống sau thì xã hội sẽ ngày càng nhiều Giang Kim Đạt, khiến cho “căn bệnh” tham nhũng không được trị tận gốc, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân.

Vinh Phan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến