Dòng sự kiện:
Vẫn là nỗi lo phụ thuộc FDI
20/04/2018 09:44:10
Tăng trưởng mạnh của khu vực FDI trong thời gian vừa qua đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam cho thấy nền kinh tế đang phụ thuộc vào FDI quá nhiều và đây là một rủi ro cho tăng trưởng.

Nhìn FDI tăng lo cho tính bền vững tương lai

Tăng trưởng kinh tế cao và các con số đẹp của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gần đây có được một phần lớn là nhờ ở sự đóng góp rất quan trọng từ một số tập đoàn FDI lớn, trong đó có Samsung. Nhưng đây là điều mừng trước mắt, lo dài lâu.

Trong quý I: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD

Ngay như quý I vừa qua, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD trong quý I, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy Samsung có mức đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo giúp khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng vượt bậc. Đây là nhân tố quan trọng góp phần cho GDP quý I/2018 có được mức tăng trưởng mạnh.

Nhưng đây là lo ngại về tính bền vững của tăng trưởng kinh tế chung, nhất là trong bối cảnh nhìn về nội lực thì khu vực trong nước đang có phần nhỏ đi, công ăn việc làm mới và thu nhập không tăng được nhiều, theo TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). 

Khẳng định FDI có vai trò ngày càng tăng trong đóng góp cho tăng trưởng GDP, vốn đầu tư, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và tạo việc làm nhưng TS. Lê Xuân Sang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Những kết quả đạt được là chưa tương xứng với những ưu đãi lớn mà các DN FDI được hưởng và đã cam kết thực hiện cũng như kỳ vọng”.

Trong khi đó, tình trạng gây ô nhiễm môi trường, nguy hại an ninh năng lượng… bởi khu vực này trở nên bộc lộ rõ hơn. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cần đổi mới, điều chỉnh chính sách thu hút FDI trong bối cảnh mới khi tự do hóa thương mại đầu tư ngày càng sâu, rộng hơn.

Không chỉ mong muốn thu hút được vốn đầu tư và bổ sung các nguồn lực tài chính cho phát triển mà một trong những kỳ vọng lớn khi thu hút FDI chính là cơ hội chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra mối liên kết cho các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nhưng các tác động tràn/lan tỏa về công nghệ từ các dự án FDI vào DN trong nước vẫn còn hạn chế, chưa như kỳ vọng.

Phần lớn khu vực FDI chỉ sử dụng công nghệ thấp và trung bình, trong khi những bí quyết của các DN được xem là có công nghệ cao thì họ chắc chắn phải giữ kín… Những vấn đề như vậy cho thấy, có thể trong ngắn hạn khi chu kỳ sản phẩm và thị trường của các DN FDI còn tốt thì họ vẫn có được tăng trưởng và qua đó tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, một khi chu kỳ sản phẩm rơi vào thời kỳ giảm sút, cũng như nền tảng công nghệ chỉ ở mức trung bình và thấp mà họ đã đầu tư ở Việt Nam không còn giúp chính các DN FDI duy trì được cạnh tranh thì rủi ro tác động tiêu cực tới nền kinh tế của chúng ta là không nhỏ.

Nhìn vào tương lai hy vọng sự chuyển dịch

Nhìn ở góc độ lạc quan hơn, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB tại Việt Nam cho biết, vấn đề nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào khu vực FDI trong quá khứ đã từng được tổ chức này chỉ ra như là một thách thức lớn.

“Tuy nhiên nhìn vào tương lai thì chúng ta đang bắt đầu thấy có những dịch chuyển rất đáng kể ở nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự hội nhập của các DN trong nước của Việt Nam và chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Aaron Batten nói.

Và bức tranh FDI vào Việt Nam cũng đang thay đổi. Cách đây 4 - 5 năm thì FDI vào chủ yếu là các DN rất lớn. Còn hiện nay nó đã có sự thay đổi khi các DN FDI đến Việt Nam đã đa dạng hơn nhiều, quy mô vốn vào cũng nhỏ hơn.

“Điều đó phản ánh sự mở rộng các loại hình đầu tư mà Việt Nam thu hút FDI và sự đa dạng như vậy sẽ tạo cho DN Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị này nhận định.

Nhìn nhận về tương lai, các chuyên gia cho rằng, nguồn vốn FDI vẫn rất cần thiết cho Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần tăng cường về chất lượng nguồn vốn vào (trình độ khoa học công nghệ, mở rộng thị trường, đào tạo lao động và phát huy cho được các tác động lan tỏa…) và muốn vậy cần có những thay đổi thực sự hướng đến chất lượng và công nghệ cao trong chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI.

Và như thế, trong thời gian tới, việc điều chỉnh, đổi mới chính sách thu hút FDI cần được thực hiện theo hướng giảm các tác động tiêu cực và tăng các lợi ích tiềm tàng đối với nền kinh tế, các địa phưong và các DN trong nước. Cần phải đánh giá thành tích của các địa phương ngoài đánh giá các khía cạnh tăng trưởng GDP, kết quả thu hút FDI, tạo thu ngân sách, việc làm cho lao động địa phương và cần đánh giá đúng mức kết quả chuyển giao công nghệ, tình trạng ô nhiễm và công tác bảo đảm an ninh/hiệu quả năng lượng và an ninh quốc gia.

Với nhiều tiêu chí mang tính phát triển bền vững như vậy, động cơ của các địa phương sẽ không quá thiên lệch, giúp giảm nhẹ và ngăn chặn chủ nghĩa thành tích thái quá trong thu hút FDI.

Để tăng tính liên kết kinh doanh, qua đó tạo ra các tác động tích cực, các DN trong nước cần nhiều việc phải làm, song quan trọng nhất là nâng cao năng lực của mình như về chất lượng nhân lực, quản trị, chuẩn hóa và minh bạch tài chính kế toán...

“Vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong tạo lập các mối liên kết kinh doanh và hạn chế các thất bại/khiếm khuyết của thị trường, nhất là vấn đề thông tin thị trường, các chủ thể tham gia, các thông tin về DN (nhu cầu, năng lực), nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ”, theo TS.Lê Xuân Sang.

Quan trọng và khó hơn là tạo dựng được các công cụ liên kết hiệu quả trong dài hạn thông qua xây dựng chính sách liên ngành, ươm tạo DN và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị, tầm nhìn và nhận thức đầy đủ, đúng đắn.

Quan trọng không kém là cần liên tục ươm dưỡng một môi trường khởi sự công nghệ hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển và đặc thù kinh doanh, văn hóa và xã hội Việt Nam song tính đến các khả năng nhảy vọt trong phát triển công nghệ (như liên quan tới Internet, mobile/smartphone). Đây là những điều kiện tiên quyết giúp DN trong nước có thể dần thu lợi ích từ khu vực FDI, nâng cao năng lực trong nuớc.

Đồng thời để tránh các vụ kiện tụng quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, cần nghiên cứu chuyên sâu các cơ chế, chính sách phù hợp, đủ tinh vi để hạn chế các dự án FDI nguy hại với an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, có thể gây phát thải, ô nhiễm môi trường. Chính sách chống chuyển giá cần tiếp tục được hoàn thiện, tính đến đầy đủ các yếu tố chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, chính sách và mức thuế ở các nước khu vực và toàn cầu.

Cuối cùng song không kém phần quan trọng là: “Việt Nam cần tận dụng chiến lược Nam tiến mới của Hàn Quốc để nâng cấp bản thân trong chuỗi giá trị của các DN Hàn Quốc. Có thể học tập kinh nghiệm Thái Lan khi Nhật Bản đã làm với nước này. Chính ở đây, tính kiến tạo phát triển trong hoạch định chính sách tham gia và thực hiện FTA và các cam kết quốc tế khác là rất cần thiết, đòi hỏi tính chuyên nghiệp của đội ngũ hoạch định chính sách”, TS. Lê Xuân Sang kết luận.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến