Dòng sự kiện:
Vì sao Hà Nội muốn sửa Luật Thủ đô sau 8 năm thi hành?
04/11/2021 14:57:14
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, qua 8 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến chưa thực sự phát huy giá trị để đi vào cuộc sống.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, một trong ba nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đang được Thành ủy chỉ đạo các cơ quan thực hiện đó là tổng kết thi hành Luật Thủ đô, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Luật Thủ đô năm 2012 với kỳ vọng là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành Luật không cao, dẫn đến Luật Thủ đô chưa thực sự phát huy giá trị để đi vào cuộc sống.

Sau 8 năm thi hành, Luật Thủ đô bộc lộ nhiều bất cập.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô chưa có những quy định mang tính đột phá nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Tác động của việc thực hiện cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô đến sự phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô còn rất khiêm tốn.

Nhiều vấn đề trong phát triển Thủ đô chưa được Luật Thủ đô dự liệu để giải quyết bằng các quy định phù hợp. Không ít trường hợp, Luật Thủ đô phải "chờ" các quy định pháp luật chuyên ngành mới được cụ thể hóa và thực thi trên thực tế.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, TP Hà Nội đang nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.

TP Hà Nội định hướng sửa Luật Thủ đô theo hướng tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân quyền, phân cấp cho thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình…

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ chỉ đạo các cơ quan của thành phố khẩn trương chuẩn bị hồ sơ và đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để ngay sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, sẽ khẩn trương báo cáo Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 (dự kiến thông qua dự án Luật vào kỳ họp cuối năm 2023).

Tác giả: Quang Phong

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến